Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sóng gió trong quan hệ Mỹ-Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sóng gió trong quan hệ Mỹ-Trung

Huỳnh Hoa

Quan hệ Mỹ-Trung rất phức tạp và nhiều mâu thuẫn. Ảnh Reuters

(TBKTSG) – Quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ, Trung Quốc đang bước vào cấp độ căng thẳng mới, làm dấy lên mối lo ngại về một vụ xung đột lớn cả về kinh tế, thương mại lẫn chính trị.

Thứ Năm tuần trước Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Đạt Lai Lạt Ma tại tòa Bạch ốc theo một thông lệ mà bốn Tổng thống Mỹ gần đây đều tuân thủ. Nhưng đối với một số người ở Trung Quốc, cuộc gặp đó, cùng với thông báo Mỹ sắp bán lượng vũ khí trị giá 6,4 tỉ đô la cho Đài Loan – là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Phản ứng của Trung Quốc nhanh nhạy và mạnh mẽ khác thường. Ngay hôm thứ Sáu, Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh, ông Jon M. Huntsman Jr., đến Bộ Ngoại giao và lên lớp ông này về Đạt Lai Lạt Ma mà chính quyền Trung Quốc coi như một nhà ly khai. Trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố ngừng các quan hệ về quân sự với Mỹ và đe dọa cấm vận các công ty Mỹ chế tạo các loại vũ khí bán cho Đài Loan.

Ở cả hai bờ Thái Bình dương, các nhà phân tích đều cho rằng, rạn nứt trong quan hệ Mỹ-Trung là không thể tránh khỏi do hai nước đang theo đuổi những nghị trình ngoại giao hoàn toàn khác nhau và không chịu nhân nhượng. Những vết rạn này có khả năng doãng rộng trong những tháng tới khi áp lực chính trị trong nước có thể đẩy hai chính phủ tới sự đối đầu mạnh mẽ hơn và niềm tự tin của Trung Quốc vào thế và lực của mình tăng lên.

Ở Mỹ, tình trạng kinh tế ốm yếu, cộng với tỷ lệ thất nghiệp xấp xỉ 10% buộc chính phủ Obama phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc ổn định đồng tiền, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và tự do hóa thị trường. Nếu thành công trong việc buộc Trung Quốc nâng giá trị đồng nhân dân tệ và để cho các công ty Mỹ được tiếp cận nhiều hơn thị trường 1,3 tỉ dân này – qua đó tạo ra nhiều công việc làm mới – thì đảng Dân chủ cầm quyền sẽ giành được thắng lợi quan trọng trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ cuối năm nay.

Nhưng tạo việc làm cũng là nhu cầu sinh tử của Trung Quốc, buộc nước này phải vận hành tối đa guồng máy xuất khẩu và một đồng tiền yếu là điều kiện tiên quyết cho sự vận hành đó. Khả năng Trung Quốc tăng giá đồng nhân dân tệ, trong bối cảnh hiện nay, là điều khó xảy ra. Trước mắt cả hai nước đều gia tăng thực hiện những biện pháp bảo hộ. Năm ngoái Mỹ đã áp thuế phòng vệ lên mặt hàng vỏ xe hơi và ống thép Trung Quốc; đối lại Trung Quốc tăng thuế lên phụ tùng xe hơi và thịt gà Mỹ. Năm nay, khi Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản – nhất là các sản phẩm đòi hỏi nhiều lao động như nước cam vắt, tỏi và nấm… có khả năng tranh chấp thương mại về nông sản giữa hai bên sẽ thêm căng thẳng.

Một dấu hiệu đáng lo khác cho Mỹ là Trung Quốc đã bắt đầu bán ra một phần lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ. Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ từ tháng 9-2008 và giữ vị trí này đến tháng 12-2009. Song trong hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã lùi xuống vị trí thứ hai sau khi bán ra 4,3% số trái phiếu này, chỉ còn giữ 755,4 tỉ đô la Mỹ, ít hơn mức 768,8 tỉ đô la của Nhật Bản. Hành động của Trung Quốc gây khó khăn cho Chính phủ Mỹ trong việc vay mượn tiền để tài trợ các chương trình khôi phục kinh tế trong nước.

Những động thái trên cho thấy quan hệ Mỹ-Trung rất phức tạp và nhiều mâu thuẫn; hai nước bán mua với nhau hàng ngàn tỉ đô la Mỹ mỗi năm nhưng không hề tin cậy lẫn nhau. Bà Elizabeth C. Economy, chuyên gia về Trung Quốc trong Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nhận định: “Quan hệ Mỹ-Trung thực tế được đánh dấu bằng một sự không tin cậy, một nền tảng hợp tác yếu ớt, thiếu sự chia sẻ các giá trị và thiếu cam kết về một sự thỏa hiệp”.

Tuy vậy, nhiều nhà quan sát nhận định, cần chú ý là đối với Chính phủ Trung Quốc, lời nói và việc làm không đi đôi với nhau, họ thường cao giọng phản đối để giữ thể diện, chứng tỏ mình không làm theo sức ép của nước ngoài nhưng lại âm thầm thực hiện điều mà họ phản đối công khai đó. Bề ngoài, Trung Quốc cực lực lên án việc các lãnh tụ nước ngoài tiếp đón Đạt Lai Lạt Ma nhưng tháng trước họ khôi phục lại cuộc đàm phán với đại diện của vị lãnh tụ tinh thần này và công bố dành 60 tỉ đô la để phát triển Tây Tạng, mặc nhiên thừa nhận rằng người Tây Tạng đã không được chia sẻ thành quả phát triển kinh tế như người Hán. Mặc dù công bố cấm vận các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, song Trung Quốc không thực thi nghiêm chỉnh công bố đó, vì nếu hãng Boeing chẳng hạn, bị cấm bán hàng vào Trung Quốc thì đội máy bay thương mại của nước này sẽ phải nằm ụ vì không có phụ tùng, nhiều hãng hàng không sẽ phá sản. Mặc dù tuyên bố hùng hồn rằng sẽ ngừng quan hệ quân sự với Mỹ, vừa qua Trung Quốc đã lặng lẽ cấp phép cho tàu sân bay USS Nimitz cập cảng Hồng Kông để thủy thủ đoàn ăn Tết phương Đông dù trước đây họ từng cấm cửa tàu sân bay USS Kitty Hawk khi có bất đồng giữa hai nước. Hành động bán trái phiếu chính phủ Mỹ của Trung Quốc cũng được coi là việc “rung cây nhát khỉ”, Trung Quốc không có khả năng bán tháo khối tài sản này vì nếu đồng đô la Mỹ mất giá thì người chịu thiệt hại nặng nề nhất và trước nhất chính là Trung Quốc.

Các nước, nhất là Mỹ, cần nhận ra tính chất hai mặt đó trong lối hành xử của chính quyền Trung Quốc để có đối sách thích hợp và không lộ liễu. Trong vấn đề tỷ giá chẳng hạn, theo Giáo sư Michael Pettis – người Mỹ dạy ở Đại học Bắc Kinh – Trung Quốc chắc chắn sẽ nâng giá đồng tiền nhưng đừng ép họ làm điều đó thật nhanh vì nó có thể khiến hàng loạt nhà máy bị sập tiệm. “Trung Quốc phải nhận ra sức ép mà các nước khác phải chịu, nhưng các nước khác cũng phải nhận ra rằng Trung Quốc không có khả năng thay đổi nhanh [chính sách tỷ giá]”, ông Pettis nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới