Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sông Mêkông kêu cứu!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sông Mêkông kêu cứu!

Trong nhiều thế kỷ sông Mê-kông nuôi dưỡng vùng Đông Nam Á, song liệu nó có sống sót được trước những tham vọng kinh tế của Trung Quốc?

Sông Mêkông kêu cứu!Suốt ngày quăng lưới nhưng Bun Neang không bắt được con cá nào, cũng giống như hôm qua, hôm kia. Đã nhiều thế hệ gia đình anh ngư dân Campuchia 30 tuổi này sống nhờ vào sự hào phóng của hồ Tonle Sap. Mới hai mươi năm trước, cha anh có thể bắt được mỗi ngày chừng 30 ki lô gam cá, đủ nuôi sống gia đình. Nhưng ngày nay, mỗi khi quăng lưới xuống mặt nước hồ đục ngầu, Bun Neang chỉ hy vọng kiếm được vài chú cá nhỏ bằng ngón tay. Một phần do nạn đánh cá quá mức. Nhưng Bun Neang còn biết một nguyên nhân khác làm cho Tonle Sap trở nên cạn kiệt: Trung Quốc. “Thay vì chia sẻ dòng sông Mê kông, họ ngăn sông xây đập và giữ dòng sông cho riêng họ”, anh nói.

Sông Mêkông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, xuôi về biển Đông qua lãnh thổ của Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trong lịch sử, Trung Quốc ít khi đụng chạm đến dòng sông nhưng trong vài năm qua, họ bắt đầu những kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến dòng sông lớn thứ 12 trên địa cầu thành một “thương lộ” và một nguồn thủy điện. Chỉ trên đoạn sông chảy qua tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã hoàn thành hai đập thủy điện, đang xây hai đập và lập kế hoạch xây thêm bốn đập nữa; trong đó đập Xiaowan, dự kiến hoàn thành năm 2010, được coi là công trình thủy điện lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau đập Tam Hợp. Các nhà khoa học lo ngại rằng, đập nước này sẽ là cái nút chặn khống chế lượng nước và từ đó kiểm soát số phận hàng chục triệu nông dân ở phía hạ nguồn sông Mêkông. Các tổ chức môi trường ước tính đập Xiaowan sẽ chặn mất khoảng 35% lượng phù sa vẫn theo dòng nước xuôi về Nam bồi bổ các cánh đồng lúa; sự thay đổi lưu lượng dòng chảy sẽ phá hoại tập quán di trú và sinh sản của các loài cá. Mạng lưới sông Đông Nam Á – một tổ chức không vụ lợi có trụ sở tại Bangkok, cảnh báo trữ lượng cá ở đoạn sông biên giới Lào-Thái Lan đã giảm hơn một nửa do các hoạt động của Trung Quốc. Cần lưu ý rằng, sông Mêkông và các hồ nước của nó cung cấp 17% lượng cá nước ngọt toàn thế giới. Sự thay đổi của dòng sông còn tác động nghiêm trọng đến trồng trọt; mùa nước nổi nước cạn không còn diễn ra theo chu kỳ tự nhiên như trước khiến cho khoảng 70 triệu nông dân của bốn quốc gia vùng hạ nguồn sông Mêkông không chủ động được kế hoạch canh tác. Vì các con đập phía thượng nguồn mà mực nước sông Mêkông tụt giảm thê thảm, tạo điều kiện cho nước mặn từ biển Đông thâm nhập sâu vào châu thổ sông Cửu Long, tàn phá ruộng đồng và các khu vực nuôi thủy sản; có khi nước mặn lan vào tận huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre, cách bờ biển hơn 50 cây số.

* * *

Không chỉ xây đập ngăn sông, với sự đồng ý của các chính phủ Lào và Campuchia, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo lòng sông cho tàu bè qua lại. Từ năm 2001, các kỹ sư và công nhân Trung Quốc bắt đầu nổ mìn phá đá, xóa sạch các thác ghềnh, các cù lao trên đoạn sông chảy qua đất Lào. Lòng sông được nạo vét và thông thương cũng là lúc tàu thuyền Trung Quốc tấp nập xuôi xuống phương Nam, chở theo cơ man nào là sản phẩm Trung Quốc, từ hàng điện tử rẻ tiền đến rau quả và hàng nhựa đủ loại. Tháng 12 năm ngoái, chuyến tàu dầu đầu tiên của Trung Quốc chở dầu thô ngược sông Mêkông đến Vân Nam đã khiến cho các tổ chức môi trường quốc tế gióng hồi chuông báo động trên khắp thế giới.

Sự thông thương trên sông Mêkông góp phần làm sống lại một số thành phố đô thị ven sông. Bộ mặt của thủ đô Vientiane của Lào và Phnôm Pênh của Campuchia thay đổi hẳn với những con đường, những cao ốc được xây cất bằng tiền viện trợ hoặc tiền vay của Trung Quốc. Điển hình cho sự thay đổi này là thị trấn Chiang Saen của Thái Lan, nơi biên giới ba nước Lào-Thái Lan – Myanmar giao nhau thành vùng Tam giác vàng. Khi các thác ghềnh trên đoạn sông Mêkông gần thị trấn bị phá hủy, trọng tải của tàu thuyền được nâng từ 100 tấn lên 300 tấn, bến thuyền Chiang Saen trở nên nhộn nhịp. Hàng hóa và khách du lịch từ Vân Nam đổ xuống, người từ Tam giác vàng kéo đến tìm việc và cái thị trấn ngái ngủ bỗng chốc trở nên sầm uất: một sòng bài khổng lồ vừa mới khai trương, các nhà hàng lẩu Tứ Xuyên chiếm hết bờ sông còn người dân thì đua nhau đi học tiếng Quan thoại! Ở Lào cũng vậy, trong lúc tại Vientiane các công nhân Trung Quốc xây dựng siêu thị, công viên thủ đô, cung văn hóa quốc gia và sân vận động chuẩn bị cho Á vận hội 2009 thì tại các tỉnh, doanh nghiệp Trung Quốc ra sức thâu tóm đất đai với giá rẻ mạt để mở đồn điền trồng cao su, bắp, trái cây cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Ở Lào hiện có khoảng 20.000 người Trung Quốc định cư, tăng gấp trăm lần so với vài trăm người chỉ cách đây một thập niên. Làn sóng di cư từ Trung Quốc sang các nước đất rộng dân thưa như Thái Lan, Lào và Campuchia dự kiến sẽ bùng nổ khi xa lộ Vân Nam-Bangkok dài 1.800 ki lô mét, song song với sông Mêkông, do Trung Quốc xây dựng, hoàn thành vào năm tới.

Làn sóng di cư và du lịch từ Trung Quốc đang làm biến dạng về văn hóa xã hội nhiều làng mạc, phố thị ven sông và để lại những hậu quả chưa lường hết được. Carl Middleton, chuyên gia tư vấn của Mạng lưới Sông quốc tế tại Bangkok, nhận xét: “Ngày nay không thể nói tới sông Mêkông mà không nói tới Trung Quốc. Quá nhiều chuyện xảy ra trên dòng sông này, dù là kinh tế, xã hội hay môi trường, đều có liên hệ tới sự nổi lên của Trung Quốc”.

* * *

Trong công cuộc khai thác sông Mêkông, Trung Quốc bất chấp sự phản đối của các lân bang, thậm chí không thèm hỏi ý kiến của họ. Trung Quốc không tham gia Ủy ban Sông Mêkông – một tổ chức quốc tế ra đời 12 năm trước quy tụ các nước có dòng sông đi qua để thống nhất kế hoạch hợp tác sao cho có lợi nhất. Khi nước lớn phía thượng nguồn không có mặt, ủy ban mặc nhiên biến thành một tổ chức chẳng có quyền lực gì; chưa kể rằng, từng nước trong ủy ban lại có những thỏa thuận riêng với Trung Quốc để mưu lợi cho riêng mình, bất chấp lợi ích của các nước khác. Tháng 6 vừa qua, Chính phủ Lào đã chính thức phê chuẩn dự án xây dựng đập thủy điện trên đoạn sông Mêkông trên đất Lào có vốn 1,6 tỉ đô la Mỹ do hai công ty Trung Quốc thực hiện với sự tài trợ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Một dự án tương tự cũng đang hình thành tại Campuchia.

Rõ ràng, tham vọng khai thác dòng sông về thương mại và điện năng của Trung Quốc đang đe dọa chính sự tồn tại của dòng Mêkông vĩ đại; nếu chẳng may ngày nào đó “có một dòng sông qua đời” thì những tham vọng ấy cũng sẽ thành ảo vọng!

Huỳnh Hoa

(Theo Time)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới