Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sống ở đáy… sông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sống ở đáy… sông

Nguyên Anh

(TBKTSG) – Câu chuyện vui về ngôn ngữ dưới đây mang tựa đề “Ai hỏi ai?”. Một góc nhìn về chuyện chữa “nói ngọng”.

Trong giờ địa lý, thầy giáo đặt câu hỏi: Các em cho biết, Vientiane là thủ đô của nước “Lào”? Học sinh giơ tay trả lời: Thưa thầy, Vientiane là thủ đô của nước “nào” ạ!

Một sáng kiến mới của ngành giáo dục Hà Nội là chữa nói ngọng cho người dân thủ đô. Mục tiêu chương trình này nhằm giảm thiểu tình trạng nói ngọng phổ biến, cụ thể là vấn đề “luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu l, n”.

Nói không ngọng mới là sang trọng

Rõ ràng nói ngọng mang lại nhiều bất lợi cho người nói. Câu chuyện “Ai hỏi ai?” là ví dụ cho chuyện sai lạc cả thông tin lẫn kiến thức chỉ vì phát âm sai. Nhưng nếu chỉ coi “l, n” là hiện tượng bệnh lý duy nhất của sự lệch chuẩn trong phát âm (tạm gọi là “nói ngọng”) ở Hà Nội thì e rằng chưa đủ.

Hai dạng “nói ngọng” chủ yếu là ngọng phụ âm, và ngọng nguyên âm. Ở Hà Nội và miền Bắc, nổi trội là ngọng phụ âm. Điển hình là nhầm “lờ” thành “nờ” và ngược lại, tùy địa phương. Nhưng phổ biến nhất lại là các âm khác: sờ (s) thành xờ (x), trờ (tr) thành chờ (ch), rờ (r) và giờ (gi) thành dờ (d). Tách bạch các âm này xem chừng còn khó khăn hơn phân biệt l, n, tới mức… tưởng như người ta dần chấp nhận nó(?). Bằng chứng là chiến dịch chữa ngọng chỉ đưa “l, n” vào tầm ngắm.

Nguyên âm thì thường bị biến đổi ở các địa phương từ miền Trung đổ vào. Ví dụ như câu “Iêm đơi mờ” (Em đây mà) hay “Tui tốt ngợp trừng lụt” (Tôi tốt nghiệp trường luật).

Chữa lờ – nờ xong, phải chăng đất kinh kỳ thanh lịch sẽ hết người “nói ngọng”? Chẳng phải còn rất nhiều chữ “ngọng”, âm sắc địa phương ở Hà Nội vẫn văng vẳng hàng ngày?

Bản thân tiếng của người Hà Nội, gọi rộng ra hơn là người Bắc, cũng tạo nên một sắc thái đặc trưng khi được phát âm trong quá trình sinh sống trong Nam. Một chất giọng Bắc lơ lớ âm sắc phương Nam, cộng với những từ ngữ, lối nói của miền Nam giúp “giọng Hà Nội ở Sài Gòn” ngọt ngon mềm mượt, “nghe biết liền”.

Tương tự vậy, chữa ngọng lờ – nờ không giúp làm hết được âm sắc của giọng nói đặc trưng từ gốc gác địa phương, vốn xuất phát từ “nước ăn”, môi trường sống hay đơn giản là năng lực cá nhân.

Đối tượng chữa ngọng, về mặt ngôn ngữ học, rõ ràng là chưa đầy đủ.

Nếu trong 10 năm (1996-2005), Hà Nội chỉ tăng từ 2,4 lên 3,1 triệu người thì năm năm sau (2010), dân thủ đô đã lên tới 6,5 triệu(*). Dễ thấy sự bùng nổ nhập cư vào Hà Nội là nguyên nhân chính của hiện tượng này. Trong 15 năm tiếp theo, không ngạc nhiên nếu tình trạng di dân tiếp tục đóng góp cho tỷ lệ tăng dân số của Hà Nội.

Vấn đề chữa ngọng, về mặt nhân khẩu và xã hội học, rõ ràng là khó khả thi.

Nói ngọng để… hội nhập

Ở những thành phố mang tính “quốc tế” như Sydney hay New York, không phải dễ để tìm được một thứ tiếng Anh chuẩn mực kiểu Queen/King English. Người dân tóc vàng, tóc đen, tóc đỏ… đến từ mọi miền trên thế giới. Chuyện đặt ra ngôn ngữ nào là chuẩn cho một thành phố có lẽ dễ bị đặt dưới lăng kính “phân biệt đối xử”, vốn nhạy cảm ở những xứ này.

Chiếu theo tiêu chuẩn ngữ âm của tiếng Anh, người nhập cư hay du khách tới các thành phố nói tiếng Anh, đa số sẽ nói “ngọng”. Nếu suy luận theo tâm lý thiếu tự tin khi biết mình nói không chuẩn “tiếng thủ đô”, có những người chắc sẽ không dám giao tiếp với dân bản địa, nhất là khi lại nói một thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ?

Không. Hãy xem người Ấn Độ phát âm tiếng Anh. Nếu không quen, người nghe phải căng tai, căng mắt (để đoán khẩu hình). Thế giới cũng ghi nhận một thứ tiếng gọi là “Singlish” – thứ tiếng Anh của người Singapore. Người Nhật thì là bậc thầy của việc nói tiếng Anh… như tiếng Nhật. Nhưng đó đều là những quốc gia hàng đầu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với tầm ảnh hưởng lớn lao. Hạn chế về ngữ âm không đủ là rào cản bù đắp lại những giá trị lõi của họ, vốn nằm ở những lợi thế tri thức và năng lực cạnh tranh do họ tạo dựng.

Nỗ lực tìm kiếm thứ tiếng chuẩn của thành phố khiến người ta nghĩ đến một vấn đề khác: bức tường ru ngủ của “giá trị chuẩn” bao bọc lấy một vùng đất, nơi con người đóng khung chuẩn mực mình tự dựng nên. Khát khao chuẩn hóa đó khiến ai ai cũng tìm cách bám rễ lấy vùng đất ở “giữa sông”, quên mất rằng đã là dòng sông thì phải chảy, phải tiếp nhận lấy nhiều dòng nước, từ khắp nơi đổ về, và đi tiếp.

Một hiện tượng được nhiều người quan sát: ở những tổ chức quốc tế, ít thấy những chuyên gia hay doanh nhân đến từ Việt Nam (không tính Việt kiều). Trong khi đó, sự xuất hiện các chuyên gia hay giám đốc điều hành gốc Pakistan, Bangladesh, hay Ghana là không hiếm. Phải chăng đây cũng là hệ quả của một tâm thế không chịu rời xa mái nhà của mình, mà lý tưởng là tại đất thủ đô “ngàn năm văn vật”?

Cần nói thêm, nếu như vấn đề phát âm không quyết định thành bại của con người trong nhiều trường hợp, viết sao cho đúng là một yếu tố phổ biến để đảm bảo con người hiểu, chia sẻ hay bị thuyết phục bởi thông điệp của nhau. Truyền đạt bằng văn bản một cách cẩn thận, chính xác cũng là công cụ khắc phục điểm yếu khẩu ngữ của người Ấn Độ, Singapore hay Nhật Bản khi họ giong buồm ra biển lớn.

______

(*) Số liệu của Tổng cục Thống kê (www.gso.gov.vn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới