Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sống với … “hố tử thần”?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sống với … “hố tử thần”?

Trần Trung Thanh

(TBKTSG Online) – Một chuyên gia địa chất công trình nhận định, “hố tử thần” ở TP.HCM sẽ tiếp tục xuất hiện vào mùa mưa năm 2011.

“Hố tử thần thứ 50”, “Lại thêm một hố tử thần”… Điệp khúc “hố tử thần” ở TP.HCM vẫn chưa có hồi kết. Nỗi ám ảnh của người dân về nguy cơ sụp “hố tử thần” mỗi khi đi ra đường ngày càng tăng; mọi người vẫn phập phồng theo những cơn mưa.

Các chuyên gia địa chất, cho biết, hiện tượng lún sụp mặt đường ở TP.HCM đã từng xảy ra vào những năm 1990 – 1995 nhưng rất ít, chỉ vài ba nơi.

Vì sao từ đầu mùa mưa 2010 đến nay các vụ lún sụp mặt đường lại xảy ra liên tục, hiện đã vượt quá 50 hố?.

Hiện tượng bất thường này được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM giải thích rất … bình thường: nguyên nhân chính là do cống thoát nước, ống cấp nước cũ bị xì, bể, cuốn trôi đất cát, tạo ra các lỗ hổng… Do xác định “thủ phạm” như thế nên Sở Giao thông Vận tải thành phố đã giao cho Công ty Thoát nước Đô thị TPHCM đưa rô bốt vào các đường cống thoát nước dò tìm “hố tử thần”.

Khi nghe thông tin này, nhiều chuyên gia địa chất công trình ở TP.HCM đã phì cười. Họ thừa biết các con rô bốt kia chỉ có thể phát hiện những khuyến tật, hư hỏng trong lòng cống thoát nước còn nguyên nhân gây ra “hố tử thần” lại nằm ở chỗ khác.

“Các vụ lún sụp mặt đường ở TP.HCM là do sự cẩu thả trong thi công các công trình ngầm, nhất là công trình lắp đặt ống cấp nước, cống thoát nước” PGS – TS Đặng Hữu Diệp, một chuyên gia về địa chất công trình tại TPHCM nhận định.

Thực tế, các vụ lún sụp mặt đường trên địa bàn TP.HCM xảy ra sau khi các công trình hạ tầng, công trình ngầm được thi công ồ ạt, hàng loạt tuyến đường bị đào xới.

“Hết mùa mưa năm nay, các vụ lún sụp mặt đường sẽ giảm nhưng sang năm “hố tử thần” sẽ lại xuất hiện”, PGS – TS Đặng Hữu Diệp, cảnh báo.

Ông Diệp giải thích thêm: “Các vụ lún sụp xảy ra tập trung vào mùa mưa, là hiện tượng xói ngầm. Nguyên nhân là khi chôn ống cấp nước, cống thoát nước, đơn vị thi công đã không lấp đất đúng kỹ thuật (loại đất lấp không phù hợp, độ nén không chặt). Sau khi tái lập mặt đường, xe cộ chạy qua, sức nặng đè xuống làm cho lớp đất bên dưới các đường ống, đường cống sụt xuống, các chỗ đấu nối bị hở ra. Nước từ đường cống, đường ống xì ra, cộng với nước thấm qua các kẻ hở trên mặt đường (do tái lập không tốt) làm xói đất, tạo ra các lổ hổng bên dưới mặt đường. Với tác động của xe cộ, các vụ sụp lún có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Cách nào phát hiện, ngăn chặn không để xảy ra các vụ sụp lún mặt đường trong thời gian tới? Nhiều chuyên gia về địa chất công trình lắc đầu khi phóng viên đặt câu hỏi này.

“Đáng lẽ ra khi chôn lấp các công trình họ phải lấy mẫu đất phân tích xem loại đất đó có đảm bảo độ nén chặt không; sau đó phải nén đất thật chặt và đúng kỹ thuật. Đằng này tôi thấy họ làm quá ẩu, đất đá xà bần thậm chí cả rác rến họ cũng lấp tuốt. Vì thế, lún sụp là tất yếu. Thậm chí ở các chỗ đã lún sụp nếu tiếp tục tái lập mặt đường như phương thức cũ thì nguy cơ gây ra “hố tử thần” vẫn còn đó”, ông Diệp nói.

“Hố tử thần” cái tên của nó đã nói lên sự nguy hiểm mà người dân TP.HCM đang phải đối mặt. Để hạn chế hiểm hoạ này, trước mắt phải ngăn chặn được sự cẩu thả, gian dối trong lề lối làm việc của các đơn vị thi công. Mà điều này, không một con rô bốt nào có thể làm được.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới