Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Standard Chartered: “Kinh tế Việt Nam vừa thoát đáy”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Standard Chartered: “Kinh tế Việt Nam vừa thoát đáy”

Thanh Thương

Standard Chartered:
Dự án chung cư tại huyện Bình Chánh của Công ty Quốc Cường Gia Lai. Các dự án nhà ở có mức giá thấp đang được tiêu thụ tốt. Ảnh: Đình Dũng.

(TBKTSG Online) – Báo cáo mới nhất về kinh tế vĩ mô Việt Nam của Standard Chartered toàn cầu cho rằng kinh tế Việt Nam vừa thoát đáy, song chưa thể phục hồi sớm được.

Theo Standard Chartered, lạm phát đã giảm xuống còn 6%/năm sau khi tăng lên mức 20% trong năm 2011; xuất khẩu đã đạt hai con số trong 10 tháng đầu năm, trong khi thị trường tài sản đã bớt đóng băng, các nỗ lực của chính phủ giải quyết nợ xấu, và tái cơ cấu nền kinh tế đã phát huy tác dụng dù chưa lớn, .

Báo cáo cho rằng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đã tăng tốt hơn trong quí 3, tốc độ tăng của GDP trong quí 3 vào khoảng 5,54%, cao hơn mức 4,9% của 6 tháng đầu năm. Đây là những dấu hiệu ban đầu của việc kinh tế Việt Nam đã thoát đáy.

Nhờ nhiều vào dòng vốn FDI

Theo báo cáo, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam nhờ rất nhiều vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Standard Chartered cho rằng nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đầu tư và duy trì sản xuất tại Việt Nam bất chấp những thách thức về tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo báo cáo, nhà đầu tư nước ngoài cho rằng ngoài việc là nước có chi phí sản xuất thấp thì Việt Nam còn là thị trường rộng lớn. “Chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát khách hàng đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, đang xem xét di dời và đầu tư trong khu vực sông Mekong. Những lý do chính mà họ trích dẫn cho khả năng di dời là chi phí lao động cùng với chi phí vận hành nhà máy ở Trung Quốc tăng cao, và tình trạng thiếu lao động ở quốc gia này. Các khách hàng của chúng tôi bao gồm các nhà xuất khẩu hàng dệt, may mặc, hóa chất, sắt thép, xe đạp, giày dép, lốp xe… Chúng tôi tin rằng chi phí lao động tăng cao của Trung Quốc sẽ khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển thêm nữa sang khu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam, trong vài năm tới”, theo báo cáo của Standard Chartered.

"Chúng tôi tin rằng chi phí lao động tăng cao của Trung Quốc sẽ khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển thêm nữa sang khu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam, trong vài năm tới"

Ngân hàng Standard Chartered

Tuy vậy, báo cáo này cho rằng khách hàng của Standard Chartered vẫn ngại ngần với công tác hậu cần và cơ sở hạ tầng kém của các nước khu vực sông Mekong. Việt Nam thuận lợi hơn một số nước xung quanh nhờ lợi thế có cảng biển tại các thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội, nhưng công tác hậu cần vẫn chưa phải là tốt. Standard Chartered cũng cho rằng sự cung cấp điện ổn định lại là lợi thế của Việt Nam so với một số nước láng giềng.

Cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu để tăng trưởng

Standard Chartered cho rằng từ cuối năm ngoái, các nhà quản lý Việt Nam đã có sự tiến bộ đáng kể trong việc tạo được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể là chính phủ đã tìm cách vá các lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng và tạo nên thị trường tài chính ổn định. Tuy vậy, báo cáo này không đánh giá cao các chương trình tái cơ cấu của Việt Nam, như lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và bất động sản.

“Trong khi tốc độ tăng trưởng đang được cải thiện, những thiếu sót về cơ cấu có thể sẽ cản trở tăng trưởng bền vững. Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu để lấy lại đà tăng trưởng và mang lại tăng trưởng bền vững hơn”, báo cáo viết.

Báo cáo trên cho rằng thị trường bất động sản đang chạm đáy và đang bắt đầu có dấu hiệu dự kiến phục hồi. Standard Chartered dẫn lời CBRE cho rằng các giao dịch thành công tại TPHCM tăng gần gấp đôi trong 9 tháng đầu năm 2013 so với một năm trước đó. Và nhiều hàng hóa giá cả phải chăng đã xuất hiện, cùng với lực cầu tăng ở khu vực này. Trong khi phân khúc cao cấp nhu cầu còn yếu.

Gói 30.000 tỉ đồng cũng giúp cho một bộ phận các doanh nghiệp bất động sản sẽ được hưởng lợi khi người vay tiền mua nhà có thể vay với lãi suất thấp hơn thị trường. Chính phủ cũng đang xem xét việc thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản, thông qua việc cho phép cá nhân nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam. Đây là các động thái hỗ trợ tốt cho thị trường này.

“Việc thoát đáy của thị trường bất động sản là tin tốt cho nền kinh tế. Mặc dù sẽ mất thời gian để thị trường có thể hồi phục hoàn toàn, nhưng sự ổn định của khu vực bất động sản sẽ tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng”, báo cáo viết

Tuy vậy, Standard Chartered cho rằng Việt Nam cần tập trung vào tăng cường quản trị doanh nghiệp nhà nước, cho phép thị trường cạnh tranh hơn, và loại bỏ các rào cản cho nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước gia nhập vào các lĩnh vực nhất định.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới