Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Startup du lịch châu Á xoay sở vượt khủng hoảng Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Startup du lịch châu Á xoay sở vượt khủng hoảng Covid-19

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Chuyển sang bán đồ ăn, hàng lưu niệm là cách mà một số startup (công ty khởi nghiệp) du lịch ở châu Á đang áp dụng trong cuộc chiến đấu sinh tồn giữa lúc giới đầu tư rút lui do tác động của đại dịch Covid-19.

Trước khi Covid-19 ập đến, mọi thứ đang tốt đẹp với KKday, một nền tảng đặt phòng du lịch trực tuyến ở Đài Loan với doanh thu tăng vọt trong liên tục ba năm. Nhờ thu hút hàng chục triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư lớn bao gồm Alibaba và Line, công ty khởi nghiệp này mở chiến dịch xâm nhập vào một loạt thị trường mới.

Chuyển hướng kinh doanh

Giờ đây, KKday phải sáng tạo để vượt qua đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch quốc tế tê liệt. Do đơn đặt phòng bị hủy, doanh thu của KKday lao dốc 90% trong đầu tháng 4. Tình hình nguy cấp buộc công ty chuyển hướng sang một ngành kinh doanh hơi xa lạ: bán hàng lưu niệm và đồ ăn trực tuyến.

Bánh dứa Đài Loan, nước sốt kem cua, ly thủy tinh núi Phú Sĩ (ly có đáy dày tạo hình ngọn núi Phú Sĩ) là một trong những mặt hàng giúp doanh thu của KKday tăng cao gấp 3 lần so với hồi đầu tháng 4 và đạt 50% doanh thu đặt phòng của nền tảng này vào thời kỳ cao điểm. “Chúng tôi ngạc nhiên vì hướng kinh doanh mới thực sự hiệu quả”, Yuki Huang, Giám đốc tiếp thị KKday, nói.

Startup du lịch châu Á xoay sở vượt khủng hoảng Covid-19
Nền tảng đặt phòng trực tuyến KKday (Đài Loan) trụ vững trong thời kỳ dịch bệnh nhờ chuyển sang bán hàng lưu niệm và đồ ăn. Ảnh: Nikkei Asian Review

Nhiều nhà sáng lập startup du lịch khác ở châu Á cũng đang chuyển hướng kinh doanh theo kiểu “trái nghề” này.
Trong vài tháng qua, Sun Hongbo, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điếu hành startup thương mại điện tử chuyên bán hàng miễn thuế Bonflite, tất bật với việc thuê gia công khẩu trang và thiết bị y tế. Đây là một bước đi “chữa cháy” để giảm nhẹ thiệt hại doanh thu khi dịch Covid-19 khiến ngành bán lẻ du lịch tê liệt.

Theo Công ty phân tích dữ liệu hàng không Cirium, tính đến đầu tháng 6, hơn 50% máy bay chở khách trên thế giới vẫn còn nằm “đắp chiếu”. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO), có đến 75% quốc gia trên thế giới đóng cửa hoàn toàn với du khách nước ngoài.

“Cơn bùng phát dịch Covid-19 đã khiến chúng tôi và mọi công ty khác trong ngành du lịch, không kịp trở tay”,
Sun Hongbo nói. Khẩu trang của Bonflite, thuê gia công từ Trung Quốc, đã bán ra ở hơn 10 nước ở Trung Đông, châu Âu và Mỹ. Startup này cũng hợp tác với các cửa hàng miễn thuế để giao các mặt hàng như hàng mỹ phẩm và rượu đang kẹt ở các nhà kho ở sân bay đến tận nhà khách hàng.

Trong khi đó, nền tảng đặt phòng trực tuyến Klook (Hồng Kông), được Tập đoàn đầu tư SoftBank (Nhật Bản) hậu thuẫn tài chính và là đối thủ của KKday, giờ đây nhảy vào lĩnh vực đặt chỗ nhà hàng, giao đồ ăn và nguyên liệu nấu nướng tại nhà.

Eric Gnock Fah, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc hoạt động Klook, bắt đầu tính đến việc điều chỉnh hoạt động lâu dài để thích nghi với tình hình thị trường đang thay đổi do tác động của đại dịch Covid-19.“Chúng ta không thể thoát ra khỏi thực tế rằng dịch Covid-19 sẽ làm thay đổi cách chúng ta đi du lịch”, Fah nói. Trước đại dịch, du khách không ngần ngại gia nhập các đám đông nhưng giờ đây, họ thích đi du lịch một mình hoặc với nhóm gia đình, Fah dự báo.

Dịch bệnh tạo ra nhu cầu mới

Ngành du lịch vốn là “con cưng” của các quỹ đầu tư tư nhân và đầu tư mạo hiểm trong những năm qua nhờ việc bùng nổ du lịch từ tầng lớp trung lưu tăng nhanh ở châu Á.
Hàng loạt startup du lịch trong khu vực này mọc lên và phát triển nhanh chóng nhờ nhu cầu du lịch bùng nổ đó.
Nhưng khi nhiều nhà đầu tư đang thận trọng hơn trong các quyết định rót tiền vào mảng kinh doanh liên quan đến du lịch, giới phân tích dự báo ngành này sẽ mất nhiều năm để hồi phục và các startup du lịch sẽ đối mặt với một cuộc chiến sinh tồn thực sự.

“Ngành kinh doanh du lịch sẽ không phải là trọng tâm của chúng tôi trong ngắn hạn”, Wang Daoping, đối tác ở Công ty đầu tư vốn mạo hiểm China Growth Capital, chuyên đầu tư sớm vào các startup Trung Quốc, nói. Tuy nhiên, Daoping dự báo các cơ hội mới sẽ xuất hiện trong tương lai. Ông nhận định: “Khi đại dịch Covid-19 tạo ra những thay đổi trong ngành du lịch, nhu cầu mới sẽ được tạo ra, bao gồm hạ tầng du lịch trực tuyến và các dịch vụ nhắm đến thi trường ngách”.

Trước đại dịch Covid-19, du lịch là ngành thu hút dòng tiền đầu tư mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2013-2019, vốn đầu tư mạo hiểm rót vào ngành du lịch và dịch vụ đi lại trên toàn cầu tăng vọt 22 lần từ 1,4 tỉ đô la Mỹ lên 30,3 tỉ đô la Mỹ, theo Công ty phân tích dữ liệu Lufthansa Innovation Lab. Tỉ trọng phân bổ vốn của tất cả các quỹ đầu tư mạo hiểm vào ngành du lịch và dịch vụ đi lại tăng từ 2% lên 18% trong giai đoạn 2013-2018.

Nền tảng đặt phòng trực tuyến Klook (Hồng Kông), giờ đây nhảy vào lĩnh vực đặt chỗ nhà hàng, giao đồ ăn và nguyên liệu nấu nướng tại nhà. Ảnh: Nikkei Asian Review

Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá trị giao dịch và đầu tư trong ngành du lịch và giải trí toàn cầu giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái với số thương vụ đầu tư giảm từ 70 xuống còn 56, theo dữ liệu của Công ty Mergermarket. Tình hình này buộc một số startup bắt đầu bước lĩnh vực kinh doanh xa lạ khi thị trường du lịch suy thoái. Một số startup cũng bắt đầu thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh du lịch mới.

Gần đây, Walk in Hong Kong, một công ty chuyên về tour đi bộ thăm viếng các địa điểm văn hóa ở Hồng Kông, đã tổ chức cho hơn 700 sinh viên tham gia các tour du lịch ảo (virtual tour) các công trình biểu tượng ở thành phố này qua video và hình ảnh.

Chương trình du lịch ảo này nhận được sự hỗ trợ tài chính từ một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Hồng Kông và đã giúp Walk in Hong Kong tăng doanh thu sau khi công ty này bị cấm tổ chức các tour du lịch đông người trong nhiều tháng để tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Olivia Tang, Giám đốc Walk in Hong Kong, cho hay thành công ban đầu của các tour du lịch ảo này đã truyền cảm hứng để công ty tiếp tục cung cấp thêm nhiều sản phẩm du lịch ảo khác.

Theo Nikkei Asian Review

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới