Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Startup hãy tận dụng cơ hội hiếm có từ Covid 19’

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Startup hãy tận dụng cơ hội hiếm có từ Covid 19’

Vũ Dung thực hiện

(TBKTSG Online) – Dòng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp có phần chậm rãi hơn so với trước khi có dịch Covid-19 nhưng vẫn tìm về những công ty nào có những ứng dụng giải quyết được các vấn đề liên quan đến đại dịch.

'Startup hãy tận dụng cơ hội hiếm có từ Covid 19'
Ông Douglas Abrams, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Expara, một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore

Các startup ngày càng khó gọi vốn hơn sau khi Vision Fund, một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới liên tục thua lỗ và bị mắc kẹt vốn tại các công ty công nghệ, như công ty công nghệ tập trung vào lĩnh vực chia sẻ văn phòng làm việc Wework hay chuỗi khách sạn Oyo tại Ấn Độ… Dòng vốn tiếp tục trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết trước diễn biến bất định của Covid 19. Ông Douglas Abrams, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Expara, một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore đã chia sẻ với TBKTSG Online về cách các startup nên làm tại thời điểm này để mau chóng vượt qua đại dịch.

– TBKTSG Online: Là người có nhiều năm tư vấn và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, ông đánh giá như thế nào về tác động của đại dịch tới các startup Việt Nam cũng như trong khu vực?

– Ông Douglas Abrams: Chưa bao giờ startup bị ảnh hưởng nặng nề như vậy, cả về sự vận hành lẫn việc gọi vốn. Lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các startup hoạt động trong mảng du lịch, F&B (thực phẩm và đồ uống) và thanh toán điện tử.

Mọi người nghĩ rằng hoạt động thanh toán điện tử sẽ được hưởng lợi từ đại dịch nhưng không hẳn vậy. Thanh toán điện tử liên quan tới các hoạt động thương mại trực tuyến có thể tăng nhưng không thể bù đắp được số lượng sụt giảm quy mô thanh toán thông qua các công ty lớn. Đây là đại dịch toàn cầu nên tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này dù mức độ nhẹ hơn do Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch.

– Sự sụp đổ của hàng loạt startup hàng đầu đã khiến các nhà đầu tư cảnh giác nhiều hơn trong các dự án đầu tư vào startup. Cú sốc dịch Covid-19 càng khiến họ thắt chặt hầu bao trong việc đầu tư. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Tôi đã nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo của các quỹ đầu tư mạo hiểm và thấy rằng đúng là sau hai sự kiện nói trên, nhà đầu tư trở nên cẩn trọng hơn bao giờ hết. Các nhà đầu tư có xu hướng giữ vốn và không vội vàng đầu tư vào thời điểm này khi dịch Covid-19 có diễn tiến khó lường. Họ không biết dịch bệnh sẽ kéo dài tới khi nào cũng như mức độ thiệt hại mà nó gây ra cho nền kinh tế trong dài hạn. Do đó, họ có xu hướng “bất động" trong việc rót vốn, hoặc đầu tư vào những doanh nghiệp đã biết rõ từ trước.

Tuy nhiên, đối với Expara, triết lý kinh doanh của chúng tôi khác khi đây là cơ hội để chúng tôi đổ vốn nhiều nhất có thể. Tại thời điểm này, sẽ có rất nhiều công ty được thành lập để giải quyết các vấn đề do đại dịch gây ra. Vì vậy, chúng tôi vừa công bố chương trình có tên Virtech, hướng tới các startup và doanh nghiệp đưa ra các giải pháp và dịch vụ giúp thế giới vượt qua đại dịch và có cuộc sống tốt hơn. Dĩ nhiên, chúng tôi không tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ như bộ xét nghiệm (test kit) hay vaccine phòng ngừa Covid 19 vì đã có nhiều tổ chức đầu tư. Chương trình của chúng tôi tập trung vào các khâu, như phát hiện, thông tin, phòng tránh và giảm nhẹ dịch bệnh.

Chúng tôi sẽ tìm ra khoảng 30 công ty tham gia khóa học chuyên sâu trong vòng ba tháng, cũng như dành một khoản đầu tư lên tới 50.000 đô la Mỹ cho mỗi công ty. Khoản đầu tư này sẽ được ghi nhận như một khoản vay chuyển đổi (convertible note) mà không phải là cổ phần (equity) trong công ty. Giá trị khoản đầu tư sẽ được chuyển đổi thành số cổ phần trong lần gọi vốn sau của startup.

Tất cả các hoạt động đào tạo đều được thực hiện trực tuyến. Hiện nay, đã có khoảng 60 đối tác là các cá nhân, tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu tham gia hoạt động đào tạo chuyên sâu này với chúng tôi.

Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư trọng yếu của chúng tôi trong năm năm qua. Tôi hy vọng sẽ có nhiều startup Việt tham gia chương trình này.

Việt Nam lần đầu tiên vượt Singapore về thu hút vốn vào startup năm 2019. Đồ hoạ: VD

Ông có lời khuyên gì cho những startup đang vật lộn để tồn tại trong thời điểm này?

Thứ nhất, hãy cắt giảm thật mạnh tất cả các khoản chi phí để tồn tại lâu nhất có thể, ví dụ như giảm lương, giảm chi phí marketing, hoãn kế hoạch thâu tóm và sáp nhập để cố gắng giữ tiền mặt, tồn tại qua cuộc khủng hoảng này. Bên cạnh đó, vết thương mà đại dịch Covid gây ra cho nền kinh tế toàn cầu sẽ khó có thể chữa lành, ít nhất là tới hết năm nay. Do đó, ngoài cắt giảm chi phí, hãy nghĩ tới cách nào đó có thể kiếm được tiền duy trì sự sống.

Thứ hai, nếu có cơ hội hãy gọi thật nhiều vốn đầu tư từ các nhà đầu tư quen biết để chuẩn bị cho các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Tôi biết nhiều startup chưa có kế hoạch gọi vốn thời điểm này nhưng đã đẩy nhanh tiến độ gọi vốn sớm hơn dự kiến. Ngoài ra, các gói hỗ trợ của chính phủ với lãi suất thấp và nhiều ưu đãi cũng là một nguồn quan trọng để các startup tiếp cận.

Thứ ba, nếu mục thứ nhất và thứ hai là những biện pháp phòng vệ (defensive), startup cũng có thể thực hiện các biện pháp chủ động tấn công (offensive), bởi trong khủng hoảng luôn tạo ra cơ hội.

Tôi nghĩ startup đang có lợi thế hơn so với các công ty lớn trong thời Covid-19. Thông thường, startup thường rất khó cạnh tranh với các công ty lớn vì họ không quen với môi trường kinh doanh hiện có của các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, Covid 19 đã phá vỡ môi trường kinh doanh quen thuộc đó của các doanh nghiệp lớn và giờ đây là lúc các startup có thể tạo ra sự bứt phá nhờ có quy mô nhỏ gọn và dễ thích ứng với cái mới – một cơ hội mà họ hiếm khi có được khi không có dịch bệnh.

Còn nhớ 65 triệu năm trước, loài khủng long đã tuyệt chủng do môi trường sống thay đổi gây ra bởi vụ va chạm giữa thiên thạch và trái đất. Nhưng cũng vào thời điểm đó, những loại động vật nhỏ bé lại có thể tồn tại. Họ sống sót vì họ nhỏ, thích ứng nhanh hơn với môi trường sống mới. Bối cảnh kinh tế hiện nay cũng vậy, những doanh nghiệp lớn là những doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại về kinh tế nhiều hơn.

Hơn nữa, khủng hoảng kinh tế cũng khiến nhiều người mất việc. Một vài trong số họ sẽ khởi nghiệp. Tôi cho rằng trong ba năm tới, sẽ có nhiều câu chuyện thành công bởi các startup đang rất nỗ lực của ngày hôm nay.

Xin cảm ơn ông!

Mời đọc thêm:

Doanh thu về 0 đồng, startup đứng giữa thách thức và cơ hội

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới