(KTSG Online) – Trong những năm qua, nhiều công ty khởi nghiệp (startup) lao vào cuộc đua sản xuất nhiên liệu sạch cung cấp cho máy bay, tàu biển và xe tải. Thế nhưng, hiện nhiều công ty rơi vào tình cảnh bí bách vì chi phí sản xuất quá lớn mà nguồn vốn tài trợ thì cạn kiệt.
- Nhật Bản huy động 33 tỉ đô la để phát triển máy bay vận hành bằng nhiên liệu sạch
- Các startup chạy đua phát triển công nghệ sản xuất hydrogen sạch, giá rẻ
Đóng cửa, phá sản vì hết tiền
Được thành lập vào năm 2007, Fulcrum BioEnergy, startup sản xuất nhiên liệu bền vững đã huy động được hơn 1 tỉ đô la Mỹ từ nhiều nhà tư bao gồm BP, United Airlines, Cathay Pacific và Japan Airlines. Fulcrum vận hành một nhà máy ở bang Nevada, nơi rác thải sinh hoạt được xử lý thành nhiên liệu bền vững để cung cấp cho máy bay thương mại và xe tải. Công ty đã phát triển quy trình công nghệ này trong hơn 15 năm qua.
Hiện tại, công ty đang bên bờ vực sụp đổ. Năm ngoái, Fulcrum vỡ nợ lô trái phiếu 289 triệu đô la Mỹ được sử dụng để trang trải chi phí xây dựng nhà máy ở Nevada. Hồi tháng 5, công ty sa thải gần hết trong số 100 nhân viên và đóng cửa nhà máy.
Công ty này đã vấp phải hàng loạt thách thức về kỹ thuật khiến nhà máy ở Nevada nhiều lần dừng hoạt động. Trong quá trình vận hành, nhà máy thải ra quá nhiều axít nitric, ăn mòn nhiều thiết bị, gây thiệt hại nhiều triệu đô la. Nhà máy cũng tạo ra một lượng lớn khí thải nitơ oxit, một trong những loại khí nhà kính mạnh nhất.
Hồi tháng 7, Universal Hydrogen, startup phát triển hệ thống đẩy sử dụng nhiên liệu hydro lỏng cho máy bay, tuyên bố phá sản sau khi “đốt sạch” 100 triệu đô la của các nhà đầu tư bao gồm Airbus, JetBlue và GE Aerospace.
Trong khi đó, các tập đoàn dầu khí Chevron, BP và Shell cũng đang thu hẹp quy mô các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học từ mỡ và dầu ăn phế thải, phụ phẩm nông nghiệp.
Andy Marsh, CEO của Plug Power (Mỹ), startup mới khai trương nhà máy đầu tiên sản xuất hydro xanh, cho biết sự hào hứng đầu tư nhiên liệu bền vững trong những ngày đầu đã biến mất. Trong quí 2, Plug Power lỗ ròng 262 triệu đô la Mỹ, tăng so với mức lỗ 236 triệu đô la vào cùng kỳ năm ngoái. Vấn đề của công ty là chi phí sản xuất cao nhưng nhu cầu nhiên liệu hydro sạch tăng chậm.
Cổ phiếu của Plug Power giảm giá hơn 90% kể từ khi Mỹ ban hành Đạo luật giảm lạm phát (IRA) cách đây hai năm. Đạo luật này trợ cấp hàng trăm tỉ đô la cho công nghệ sạch và nhiên liệu sạch. Trong khi đó, cổ phiếu của startup sản xuất nhiện liệu sinh học Gevo cũng giảm giá khoảng 80% trong khoảng thời gian đó.
Những sự cố về kỹ thuật và trì hoãn sản xuất ở các startup nhiên liệu sạch đã dập tắt sự lạc quan ban đầu sau khi IRA được thông qua. Chi phí đội lên, đẩy lùi tiến độ của dự án, khiến các startup này gặp khó khăn hơn trong nỗ lực huy động vốn. Sự chậm trễ của chính phủ Mỹ trong việc hoàn tất các hướng dẫn về tiêu chí nhận tín dụng thuế cho nhiên liệu sạch từ Đạo luật IRA làm tăng thách thức.
Nếu thiếu nhiên liệu sạch, lượng khí thải tại nhiều công ty dự kiến tiếp tục tăng, đe dọa các mục tiêu khí hậu của Mỹ và toàn cầu. Nhiều ngành công nghiệp phát thải cao gồm hàng không và vận tải biển đang trông cậy vào nhiên liệu sạch để hướng đến mục tiêu đưa phát thải ròng carbon về zero (Net-Zero).
Do không chắc chắn về sự phát triển của nhiên liệu xanh nên Maersk (Đan Mạch), hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới vừa cho biết sẽ đặt đóng 60 tàu mới có thể chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu nhiên liệu. Trong khi đó, hồi tháng 6, hãng hàng không Air New Zealand cũng tuyên bố từ bỏ mục tiêu Net-Zero vào năm 2030 với lý do là nguồn nhiên liệu sạch thay thế còn hạn chế.
Dự án nhiên liệu sạch tiêu thụ lượng điện năng quá lớn
“Phát triển thành công công nghệ mới để thực hiện những gì ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đã làm trong hơn 80 năm qua thực sự là thách thức lớn”, Jimmy Samartzis, CEO của LanzaJet (Mỹ), startup sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) nói.
LanzaJet đang chuẩn bị sản xuất SAF tại một nhà máy ở bang Georgia. Chi phí xây dựng nhà máy này tốn kém hơn rất nhiều so với dự kiến. Nếu không được trợ cấp thông qua tín dụng thuế, nhiên liệu của LanzaJet, được làm từ ethanol, có giá cao gấp đôi so với nhiên liệu máy bay truyền thống
United Airlines, một trong những công ty hàng không hậu thuẫn lớn nhất cho các starup nhiên liệu sinh học và hydro đã đầu tư chậm lại trong năm nay.
Theo Andrew Chang, giám đốc đơn vị đầu tư mạo hiểm của United Airlines, điều đó phản ánh sự không chắc chắn về chính sách trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Cùng với đó, nhiều startup nhiên liệu sạch đang đối mặt vớithách thức về dòng tiền và hoạt động huy động vốn.
Nhiều dự án nhiên liệu sạch trở thành “hố nuốt tiền”, một phần vì lượng điện năng tiêu thụ quá lớn. Lãi suất cao, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí nâng cấp lưới điện tốn kém đã đẩy giá điện tăng cao.
Các nhà sản xuất nhiên liệu hydro xanh cũng đang cạnh tranh mua điện tái tạo với các tập đoàn công nghệ lớn vận hành hàng loạt trung tâm dữ liệu để phát triển các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI). Những tập đoàn này sẵn sàng đưa ra giá cao hơn để mua các nguồn cung năng lượng tái tạo sẵn có.
“Cách duy nhất để khắc phục vấn đề này là giảm chi phí điện xanh”, Andrew Forrest, doanh nhân tỉ phú người Úc, một trong những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vự nhiên liệu hydro nói.
Ông cho biết, Fortescue Metals, công ty khai khoáng do ông sáng lập, sẽ không đạt được mục tiêu sản xuất 15 triệu tấn hydro xanh mỗi năm vào năm 2030. Fortescue đang có kế hoạch sản xuất điện sạch riêng để phục vụ các dự án hydro xanh ở Úc.
Các lãnh đạo trong ngành cho rằng, vấn đề mấu chốt là các startup nhiên liệu sạch phải tìm ra các mô hình kinh doanh có thể giảm chi phí đủ lâu để giúp vượt qua những điều kiện khó khăn hiện nay.
Moji Karimi CEO của Cemvita Factory, startup sử dụng vi sinh vật để chuyển hóa dầu sót lại trong các giếng cũ thành carbon và hydro, cho biết ưu tiên hàng đầu của công ty là tạo ra tiền mặt. Điều đó có nghĩa Cemvita Factory sẽ linh hoạt phát triển các sản phẩm nhiên liệu đa dạng để kinh doanh thay vì chỉ nhắm đến mục tiêu phát triển loại nhiên liệu thân thiện nhất với môi trường.
Theo WSJ