(KTSG Online) – Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng thu hút nhiều nhà sáng lập khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng chịu ảnh hưởng mạnh khi dòng vốn đầu tư toàn cầu gặp biến động lớn. Thách thức cho họ là cần có kế hoạch sử dụng vốn rõ ràng hơn.
Đây là những thông tin được hai nhà đồng sáng lập Công ty đầu tư mạo hiểm Ascend Vietnam Ventures (AVV) chia sẻ trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây.
Hiện nay, trong bối cảnh lãi suất đồng đô la Mỹ tăng lên cũng như xu hướng “xét lại” các khoản đầu tư vào các công ty công nghệ, dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp dường như cũng có tín hiệu chững lại.
Theo ông Eddie Thái, nhà đồng sáng lập AVV, các startup gọi vốn sớm bằng cổ phần chứ không phải bằng khoản vay nên trước mắt sẽ chưa gặp thách thức về lãi vay. Tuy nhiên, trên thực tế thì dòng vốn đầu tư mạo hiểm cũng đang chịu sự điều chỉnh lớn, không còn dồi dào như trước kia. “Thách thức cho các nhà sáng lập lúc này là lên kế hoạch sử dụng vốn rõ ràng hơn”, ông Eddie Thái cho biết.
Dù vậy, quan điểm lạc quan về thị trường được AVV chia sẻ. Theo ông Bình Trần, nhà đồng sáng lập AVV, thông thường trong những cuộc khủng hoảng toàn cầu, như năm 2008 chẳng hạn, là khoảng thời gian ấp ủ và sản sinh ra những “kỳ lân” công nghệ như hiện nay.
Còn với thị trường Việt Nam hiện vẫn thu hút nhiều nhà sáng lập với một thị trường sôi động và dễ tiếp cận, chi phí sinh hoạt thấp và nguồn nhân lực công nghệ chất lượng dồi dào.
Thách thức mà thị trường Việt Nam gặp phải cũng như hành vi khách hàng ở đây có nhiều điểm tương đồng với các nước đang phát triển khác. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các giải pháp công nghệ ở Việt Nam có tiềm năng tiếp cận các thị trường khác trên thế giới. “Các nhà sáng lập startup sẽ tiếp tục coi Việt Nam là cái nôi lý tưởng để xây dựng những công ty dẫn đầu khu vực và toàn cầu”, ông Bình nhận định.
Cũng tại buổi chia sẻ sự kiện, AVV cho biết đã huy động thành công vượt kế hoạch con số 50 triệu đô la Mỹ cho quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn hạt giống AVV Alpha, nhằm tìm kiếm các gương mặt khởi nghiệp công nghệ triển vọng mới.
Quỹ này dự tính đầu tư vào khoảng 25 công ty khởi nghiệp ở giai đoạn hạt giống với số vốn đầu tư lên tới 2 triệu đô la, có thể tăng lên 5 triệu đô la trong các vòng gọi vốn tiếp theo. Theo ông Eddie Thái, số lượng startup ít hơn (so với danh mục trước đây mà hai người quản lý tại quỹ 500 startups), cho phép đội ngũ quỹ tập trung nhiều thời gian, sức lực và nguồn vốn hơn vào từng doanh nghiệp.
Mục tiêu của quỹ mới là tìm kiếm các startup công nghệ phần mềm ở giai đoạn hạt giống, đặc biệt là các ứng dụng có khả năng mở rộng thị trường khu vực và thế giới. Các lĩnh vực được đại diện AVV đánh giá cao về tiềm năng bao gồm fintech, edtech (công nghệ giáo dục), blockchain và “tương lai của công việc” (future of work).
Trong 9 tháng vừa qua, AVV Alpha đã rót vốn vào 10 startup. Một số tên tuổi có thể kể đến như Kilo (phần mềm SaaS và sàn giao dịch marketplace cho hơn 30.000 cho các nhà bán lẻ doanh nghiệp vừa và nhỏ), Virtual Internship (nền tảng quản lý chương trình thực tập từ xa dành cho sinh viên), T&C Logistics (nền tảng quản lý đơn hàng cho các giao dịch thương mại điện tử) và Mandu (nền tảng hỗ trợ bán lẻ trực tuyến).
Ông Bình Trần và ông Eddie Thái là hai chuyên gia bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 2015, với quỹ 500 startups được đánh giá là khá năng động. Trong danh mục đầu tư có một số tên tuổi nổi tiếng như Axie Infinity (lĩnh vực game NFT, được quỹ a16z và Accel rót vốn1), ELSA (ứng dụng học tiếng Anh sử dụng công nghệ AI, được quỹ AI của Google rót vốn2) và Trusting Social ( fintech chấm điểm tín dụng được Sequoia rót vốn).