Chủ Nhật, 4/06/2023, 15:21
35 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Startup “tiền tệ hóa” khối vàng trị giá 1.000 tỉ đô la của người dân Ấn Độ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Startup “tiền tệ hóa” khối vàng trị giá 1.000 tỉ đô la của người dân Ấn Độ

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Rupeek, công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính ở Ấn Độ, đang cung cấp dịch vụ vay thế chấp vàng để tận dụng nguồn lực của khối vàng 25.000 tấn, trị giá 1.000 tỉ đô la đang được khóa chặt trong tủ như “tài sản chết” của người dân Ấn Độ.

Startup “tiền tệ hóa” khối vàng trị giá 1.000 tỉ đô la của người dân Ấn Độ
Bà Vanita Vivek Patre (giữa), vợ của ông Vijay Mhatre, ký các giấy tờ để làm thủ tục vay thế chấp vàng. Ảnh: Bloomberg

Khi ông Vijay Mhatre cần tiền để đóng học phí đại học cho con trai, ông nghĩ đến các món trang sức vàng của vợ ông, Vanita Vivek Patre, bao gồm các vòng cổ và vòng đeo tay.

Thay vì đi đến tiệm cầm đồ hay ngân hàng để cầm cố số vàng này, Mhatre gọi điện đến Công ty Rupeek, đề nghị làm thủ tục thế chấp vàng vay tiền. Chỉ trong vòng một tiếng, hai nhân viên của công ty này đã có mặt tại căn hộ của ông ở TP. Mumbai (Ấn Độ).

Ông lấy ra một ít vòng vàng để cho họ kiểm định độ tinh khiết của vàng bằng một thiết bị có sự hỗ trợ của công nghệ máy tính. Nhóm nhân viên tại văn phòng trụ sở Rupeek ở TP. Bangalore, cách Mumbai 965km, tiến hành phân tích các dữ liệu do thiết bị truyền về để kiểm tra chất lượng vàng và xử lý thủ tục giải ngân tiền vay tiền trực tuyến.

Khoảng 30 phút sau, khoản vay 200.000 rupee (2.800 đô la) được Ngân hàng Federal Bank, một đối tác của Rupeek, chuyển vào tài khoản của Mhatre.

Trong lúc đó, phòng điều hành của Rupeek kích hoạt hệ thống quản lý rủi ro, cho phép giám sát hai người nhân viên vừa mang số vàng nữ trang rời khỏi căn hộ của ông Mhatre để bảo đảm rằng họ sẽ chuyển số nữ trang này vào kho lưu trữ vàng gần nhất của Ngân hàng Federal Bank.

Người dân Ấn Độ có truyền thống cất giữ vàng để làm tài sản phòng thân hoặc để làm của hồi môn cho con gái. Nông dân và người lao động ở các vùng đô thị Ấn Độ thường mua vàng nữ trang để chưng diện vào các dịp lễ cưới. Với mức tăng giá 18% trong năm nay, vàng cũng được xem là tài sản phòng ngừa rủi ro và phục vụ kế hoạch dưỡng già ở một đất nước còn thiếu các hệ thống phúc lợi xã hội cũng như sự tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức từ ngân hàng.

Ông Mhatre, nhân viên thu ngân của một công ty dịch vụ tài chính, nói: “Chúng tôi không có nhiều vàng. Tôi tặng các món nữ trang này cho vợ tôi cách đây 5 năm. Tôi sẽ lấy số vàng này về lại cho vợ tôi trong 2 năm tới sau khi trả xong khoản vay”.

Người dân Ấn Độ tích lũy vàng nhiều hơn người dân của bất cứ nước nào trên thế giới. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), khối lượng vàng đang được cất giữ trong dân ở Ấn Độ ước tính khoảng 25.000 tấn, cao gấp 7 lần sản lượng vàng được khai thác trên toàn cầu trong năm 2018.

Giờ đây, Công ty Rupeek đang sử dụng công nghệ Internet để giúp người dân Ấn Độ tận dụng giá trị của khối vàng đang được cất giữ như “tài sản chết” này.

Được sự hỗ trợ tài chính từ hai công ty đầu tư vốn mạo hiểm quyền lực nhất Thung lũng Silicon, Sequoia Capital và Accel, Rupeek đã xây dựng một ứng dụng trực tuyến cho phép người dân Ấn Độ kết nối để làm thủ tục vay thế chấp vàng.

Các nhân viên của Rupeek đang cân trọng lượng các vòng vàng tại nhà của ông Vijay Mhatre ở TP. Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg

“Người dân Ấn Độ đang cất giữ khối lượng vàng lớn khủng khiếp với trị giá 1.000 tỉ đô la trong nhà của họ, lớn gấp nhiều lần giá trị của kho vàng dự trữ vàng lớn nhất thế giới của Mỹ ở Fort Knox, bang Kentucky”, Sumit Maniyar, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty Rupeek, cho hay.

Maniyar cho rằng thực tế, khối lượng vàng này giống như “tài sản chết”, đang kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Ông nói chỉ cần “tiền tệ hóa” 1/3 khối vàng cất giữ trong dân này có thể giúp GDP của Ấn Độ tăng trưởng thêm 2 điểm phần trăm. 

“Đó là đòn bẩy ẩn giấu có thể hỗ trợ tầm nhìn của chính phủ biến Ấn Độ thành nền kinh tế có quy mô 5.000 tỉ đô la vào năm 2025”, ông cho biết.

Rupeek bắt đầu ra mắt dịch vụ cho vay thế chấp vàng vào năm 2016 với mức lãi suất hàng năm dao động từ 10,6-20%, cao hơn mức lãi suất 10,5-12% của các ngân hàng Ấn Độ hiện nay. Tuy nhiên, dịch vụ cho vay của Rupeek có ưu điểm là phục vụ tận nhà và giải ngân tiền vay nhanh chóng.

Rupeek cũng không tính phí kiểm định chất lượng vàng của người vay như các ngân hàng. Trong khi đó, các tiệm cầm đồ tính lãi suất cao đến mức 48% đối với khách cầm cố vàng.

Cho đến nay, Rupeek là ứng dụng cho vay thế chấp vàng phục vụ tận nhà duy nhất ở Ấn Độ. Công ty này đang hợp tác với các ngân hàng lớn của Ấn Độ đang thiếu các nguồn lực và sự sáng tạo để tìm kiếm khách hàng vay thế chấp vàng.

Người dân Ấn Độ thường có thái độ nghi ngờ và dè chừng với những người lạ đến kiểm định chất lượng vàng của họ, do vậy, các nhân viên của Rupeek chỉ được mang vàng rời khỏi nhà của khách hàng sau khi tiền vay được chuyển vào tài khoản của họ.

Maniyar không tiết lộ lợi nhuận của công ty nhưng cho biết tổng giá trị giải ngân các khoản vay thế chấp vàng đã tăng từ mức 1,5 triệu đô la vào tháng 1 lên mức 16 triệu đô la vào tháng 9-2019.

Phần lớn những người vay thuộc tầng lớp trung lưu mới nổi ở Ấn Độ. Họ vay tiền để trang trải chi phí điều trị bệnh tật, chi phí học hành cho con cái. Ngoài ra, các chủ doanh nghiệp nhỏ cũng đang tận dụng nguồn tín dụng từ dịch vụ vay thế chấp vàng để phục vụ nhu cầu kinh doanh.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp ở Bangalore gần đây đã sử dụng hai túi đầy ắp vàng để làm tài sản thế chấp cho khoản vay 10 triệu rupee (140.500 đô la). Rupeek đã cử một nhóm nhân viên kiểm định đến công ty này trên một chiếc xe chở tiền vàng chuyên dụng.

Ngoài ra, khách hàng của Rupeek còn bao gồm các nhân viên trẻ của các công ty công nghệ, những người có nhu cầu vay thế chấp vàng để trả khoản tiền đóng lần đầu khi mua căn hộ trả góp hoặc đang cần tiền đi du lịch.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới