Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sự điều chỉnh cần thiết với các chính sách hậu Covid

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sự điều chỉnh cần thiết với các chính sách hậu Covid

Phan Minh Ngọc

(TBKTSG) – Ngày 9-5-2020, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tìm ra các biện pháp vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Từ hội nghị này, toát lên mấy điểm đáng chú ý.

Chính sách kinh tế hậu dịch bệnh Covid-19

Kinh tế sẽ ra sao sau đại dịch?

Sự điều chỉnh cần thiết với các chính sách hậu Covid
Các cơ quan chức năng đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều trong “chiến dịch giải cứu” nền kinh tế. Ảnh minh họa Thành Hoa

Trước hết, có lẽ hội nghị này là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đề cập đến một chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) mới thấp hơn mức mục tiêu cần đạt được nêu ra hồi tháng 4-2020, thời điểm cả nước đang ở cao trào của dịch. Cụ thể hơn, Thủ tướng nhấn mạnh năm 2020 tăng trưởng Việt Nam phải đạt trên 5%. Đây là một sự điều chỉnh giảm đáng kể so với mục tiêu tăng trưởng 6,8% đặt ra trước đây.

Trong những tháng trước đây, người viết đã đôi lần đặt ra vấn đề Chính phủ cần phải giảm mục tiêu tăng trưởng trong vòng xoáy của đại dịch cùng với tất cả các sự bất trắc đi kèm, sản sinh từ nó. Khuyến nghị này chủ yếu được rút ra từ những bài học đối phó với khủng hoảng trong quá khứ, đặc biệt là giai đoạn 2009-2010.

Thời kỳ đó, sự “quyết liệt” thúc đẩy tăng trưởng qua các gói “kích cầu” mù quáng đã để lại di chứng nghiêm trọng cho nền kinh tế trong suốt những năm sau này, dù tăng trưởng GDP trong thời kỳ đó cũng “nhúc nhắc” tăng thêm được đôi chút.

Nếu giữ nguyên quyết định không điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng, sẽ đặt ra rủi ro đáng kể về sự lặp lại những sai lầm cũ, bởi đơn giản là để đạt được tốc độ tăng trưởng cao đến mức thành không tưởng như vậy trong bối cảnh nhìn đâu cũng thấy khó khăn thì sẽ chẳng có một giải pháp nào ngoài việc phải tung tiền ra hết cỡ một cách cũng mù quáng gần như trước đây để đạt được sự bứt phá ngắn hạn nào đó về tăng trưởng.

Từ những bài học đắt giá trong quá khứ, các cơ quan chức năng lần này đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều trong “chiến dịch giải cứu” nền kinh tế, dù vẫn còn nguyên đó áp lực phải góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng cao. Rõ thấy nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không còn (phải) tung ra những gói cho vay hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại.

NHNN dù cũng phải yêu cầu hệ thống ngân hàng thương mại tích cực và tăng cường hỗ trợ nền kinh tế, và NHNN cũng gián tiếp hỗ trợ qua việc cho vay tái cấp vốn, nhưng NHNN đã công khai lặp lại xuyên suốt một chủ trương nhất quán là kiên quyết không hạ chuẩn cho vay để tránh phát sinh nợ xấu, bất chấp đây đó có nhiều lời kêu gọi giải cứu từ phía các tổ chức hữu trách liên đới, hiệp hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thực tế này cho thấy tinh thần tăng trưởng kinh tế nhưng không phải là bằng mọi giá, tăng trưởng phải đi đôi với ổn định vĩ mô đã trở thành nhận thức chung hiện nay, chứ không chỉ dừng lại ở lời kêu gọi hay là khẩu hiệu bề ngoài nữa.

Vấn đề tiếp theo là sự phù hợp của mục tiêu tăng trưởng 5%. Mục tiêu này vẫn là cao hay đã đủ thấp, trong tầm tay mà không gây ra nguy cơ bất ổn lớn nào cho kinh tế vĩ mô (nhưng vẫn là mức cao lý tưởng cho kinh tế thế giới)? Vì ngay như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng chỉ dự báo, như Thủ tướng cho biết, tăng trưởng của Việt Nam năm nay chỉ là 2%.

Trong những khuyến nghị chính sách, trừ những cái “độc đáo” như kiểu đặt trần lãi suất tiền gửi dài hạn 5%/năm, còn thì phần lớn các khuyến nghị còn lại chung quy chỉ muốn Nhà nước mở hầu bao hỗ trợ cho, hoặc giảm thu ngân sách (thuế, phí…) từ đối tượng này, đối tượng kia.

Trong và ngoài hội nghị cũng có nhiều nhận định về cơ hội “hiếm có”, cơ hội “vàng” cho Việt Nam, sự “chuyển biến ngoạn mục”, gây “kinh ngạc” cho thế giới… thời hậu đại dịch, cũng như khuyến nghị chính sách này khác để Việt Nam khắc phục các khó khăn, trở ngại, tận dụng tốt các cơ hội trời cho này.

Nhưng tiếc là nhiều trong số nhận định lạc quan này vẫn mang hơi hướng suy diễn chủ quan, tạo nên ấn tượng Việt Nam là một thỏi nam châm mới của thế giới, tương tự như nhận định thời TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) trước đây rằng Mỹ rất thiết tha với TPP, tìm mọi cách lôi kéo Việt Nam vào TPP vì tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong thỏa thuận này.

Trong những khuyến nghị chính sách, trừ những cái “độc đáo” như kiểu đặt trần lãi suất tiền gửi dài hạn 5%/năm, còn thì phần lớn các khuyến nghị còn lại chung quy chỉ muốn Nhà nước mở hầu bao hỗ trợ cho, hoặc giảm thu ngân sách (thuế, phí…) từ đối tượng này, đối tượng kia.

Chắc chủ nhân của kiến nghị đặt trần lãi suất nói trên cũng biết rõ sự hữu hiệu cũng như khả năng thực thi của trần lãi suất suốt cả thời gian trước đây, nhất là mỗi khi có cuộc đua lãi suất của các ngân hàng thương mại, nên chắc cũng sẽ biết rõ khả năng phá sản của khuyến nghị của mình.

Với những khuyến nghị khác về việc Nhà nước tăng chi, giảm thu thì phải nói thẳng thắn là chẳng có gì mới mẻ, là “độc đáo Việt Nam” nên cũng khó mà hy vọng sẽ tạo ra một bước chuyển biến ngoạn mục hay gây kinh ngạc gì, nếu không muốn nói khác đi vì khả năng tăng chi, giảm thu của Việt Nam còn hạn hẹp hơn rất nhiều nước khác trên thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới