Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sử dụng hàng Việt Nam và bản sắc văn hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sử dụng hàng Việt Nam và bản sắc văn hóa

ThS. Đỗ Thanh Năm (*)

Đưa hàng Việt về nông thôn. Ảnh: TT Online.

(TBKTSG) – Người tiêu dùng luôn có xu hướng lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ mang lại giá trị gia tăng lớn nhất cho họ. Giá trị gia tăng là phần chênh lệch giữa giá trị nhận được (giá trị sử dụng, giá trị nhân lực…) và chi phí bỏ ra. Như vậy, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” suy cho cùng cũng nhằm đóng góp vào việc gia tăng giá trị nhận được cho người tiêu dùng và là nguồn động viên rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu sau một thời gian dùng hàng Việt Nam (do vận động), nếu người tiêu dùng nhận thấy giá trị gia tăng mang lại không cao hơn sản phẩm nước ngoài, thì họ sẽ quay lại sử dụng sản phẩm nước ngoài. Như thế, cuộc vận động chỉ có ý nghĩa trong ngắn hạn.

Xuất phát điểm của các công ty thành công trên thế giới cũng giống như các công ty Việt Nam hiện nay. Chỉ có điều các công ty nước ngoài luôn trung thành với chiến lược phát triển, các nhà lãnh đạo nối tiếp nhau luôn hướng đến việc làm ăn bài bản, đi vào chiều sâu, quan tâm tới lợi ích của khách hàng, chính sách kinh doanh nhất quán. Từ đó, theo thời gian, những sản phẩm của họ có chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, và giá cả phù hợp hơn với khách hàng mục tiêu. Cũng từ đó, họ vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, hướng đến thị trường toàn cầu.

Từ thực tế trên, theo tôi, trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng ta nên vận động các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới sự phát triển bền vững, xem trọng lợi ích của khách hàng, tối đa hóa giá trị gia tăng cho khách hàng. Từ đó, doanh nghiệp khuyến khích cán bộ nhân viên hướng tới việc phục vụ khách hàng tốt hơn, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành.

Lâu dài hơn, phương thức này sẽ khuyến khích doanh nghiệp xây dựng một chiến lược kinh doanh linh động hướng về khách hàng, mô hình quản lý tinh gọn với một sứ mệnh rõ ràng. Như thế, từng bước, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được cải thiện, sẵn sàng đối đầu với các sản phẩm nước ngoài.

Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần làm gương sử dụng hàng Việt Nam và tác động tới hành vi tiêu dùng của tất cả nhân viên. Đến một lúc nào đó, phần rất lớn nhân viên đều dùng hàng Việt Nam và việc sử dụng hàng ngoại là đi ngược lại với xu hướng chung của tập thể, sẽ bị thu hẹp dần.

Từ đó, việc sử dụng hàng Việt Nam trở thành yếu tố cấu thành bản sắc văn hóa, niềm tự hào của mỗi doanh nghiệp. Đến lượt mình, thói quen dùng hàng Việt Nam của mỗi người sẽ lan tỏa từ doanh nghiệp về gia đình và trở thành bản sắc văn hóa của người Việt Nam.

_________________________________________________

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win Win.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới