Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sử dụng thảo dược trong hỗ trợ điều trị Covid-19, hiệu quả đến đâu?

TS. Tạ Thanh Sơn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hiện không có một loại thuốc điều trị Covid-19 cho tất cả mọi người. Ngay cả khi điều trị tại nhà, việc sử dụng các loại thuốc thảo dược tưởng chừng như dễ dàng nhưng cũng cần có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Đặc biệt, với thảo dược xuyên tâm liên, dù đây là một vị thuốc tốt, thường dùng trong y học cổ truyền nhưng loại thuốc này không phải là “thần dược” để điều trị Covid-19. Vì vậy, người dân không nên dùng chỉ một vị thuốc này để tự điều trị Covid-19 mà cần phải kết hợp với các vị thuốc khác và sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hiện nay các phương pháp trị liệu tự nhiên từ thảo dược chưa nhận được ủng hộ từ nhiều y, bác sĩ hiện đại vì thiếu các kiểm nghiệm lâm sàng về tác dụng, cũng như độc tính. Tuy nhiên tác dụng của các loại thảo mộc và thực vật trong việc chữa bệnh là không thể phủ nhận bởi đã có một số nghiên cứu được thực hiện về tác dụng của thảo dược giúp hỗ trợ điều trị Covid-19 và rất nhiều thuốc trên thị trường có thêm thành phần phụ là chiết xuất của các loại thảo dược.

Tác dụng của thảo dược trong hỗ trợ điều trị Covid-19

Đối với dịch bệnh Covid-19 gây ra bởi virus SARS-CoV-2, hiện vẫn chưa có bất kỳ công bố khoa học nào liên quan tới tác dụng của thảo dược trong việc điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thảo dược có chứa tinh dầu để điều trị các triệu chứng như ho, sổ mũi hay các loại thực phẩm chức năng để tăng cường sức đề kháng cũng có thể giúp ích cho quá trình điều trị và hồi phục.

Trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 chỉ có các triệu chứng nhẹ, có thể dùng thuốc thông thường để điều trị các triệu chứng như paracetamol hay aspirin để giảm sốt; dextromethorphan giúp trị ho khan; acetylcystein để điều trị ho có đờm; thuốc xịt mũi có thành phần là xylometayolin điều trị nghẹt mũi…

Nếu bệnh nhân có những triệu chứng nặng, việc chỉ sử dụng các loại thực phẩm chức năng hay thảo dược sẽ không đủ tác dụng. Vì lúc này, bệnh nhân cần được thăm khám và theo dõi bởi các bác sĩ điều trị. Các loại thuốc đã được cấp phép để điều trị như corticoid, molnupiravir, thuốc chống đông máu… sẽ được các bác sĩ xem xét sử dụng tùy theo mức độ và triệu chứng của từng bệnh nhân.

Hiệu quả của các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 hiện nay

  • Thực phẩm chức năng Kovir

Trong thời gian vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của một công ty dược phẩm tại Việt Nam. Nội dung giới thiệu khiến người dùng hiểu lầm sản phẩm này có công dụng như hiệu quả cao đối với các bệnh virus từ sau lần uống đầu tiên, hỗ trợ điều trị Covid-19. Vậy thực phẩm chức năng Kovir có thực sự hiệu quả?

Trong thành phần của thuốc Kovir được công bố bởi nhà sản xuất có chứa thành phần chính là chiết xuất của tỏi. Tỏi có tên khoa học là Allium sativum, thuộc họ Hành.

Ngoài carbohydrate dự trữ (đặc biệt là fructan), củ tỏi còn chứa các hợp chất chứa lưu huỳnh như allicin không mùi và tiền chất của nó. Allicin là nguyên liệu ban đầu cho một số hợp chất chứa lưu huỳnh khác, đặc biệt được hình thành khi tỏi được đun nóng. Chúng bao gồm diallyl disulfide, diallyl thiosulfonate và trên hết là ajoene, một chất có đặc tính ngăn chặn sự kết tụ của các tiểu cầu và do đó có tác dụng chống huyết khối.

Một số các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thành phần trong tỏi có thể làm giảm mức lipid trong máu và do đó có tác dụng ngăn ngừa chống lại những thay đổi xơ vữa trong mạch máu.

Ngoài ra, tỏi có tác dụng kháng khuẩn nhưng không có bằng chứng về việc ngăn ngừa hoặc điều trị cảm lạnh. Vì vậy, người dân không tự tìm mua các sản phẩm dù là thuốc nói chung, kể cả sản phẩm y học cổ truyền vì những sản phẩm này đều phải sử dụng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Nhiều người lầm tưởng xuyên tâm liên như một loại “thần dược” có khả năng chữa được Covid-19. Ảnh: Thailand.prd
  •  Xuyên tâm liên

Xuyên tâm liên có tên khoa học là Andrographis Paniculata, thuôc họ Acanthaceae. Theo truyền thống, xuyên tâm liên thường được sử dụng để chữa sốt và cảm cúm, nhưng cũng có thể chữa bệnh tiêu chảy và đường ruột. Theo y học cổ truyền, xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, xếp vào nhóm các dược liệu có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Xuyên tâm liên vì vậy được sử dụng nhiều trong các bài thuốc của y học cổ truyền Trung Quốc và Việt Nam.

Các nghiên cứu khoa học gần đây về xuyên tâm liên cho thấy tác dụng tích cực trong điều trị cảm lạnh. Khi bị cảm, Rhinovirus liên kết với phân tử kết dính tế bào thụ thể (ICAM-1) trên biểu mô của vòm họng. Các tế bào bị nhiễm theo cách này giải phóng interleukin-8, giải phóng chất trung gian gây viêm. Sự hiện diện của kinin và prostaglandin (các chất trung gian gây viêm) dẫn đến các triệu chứng cảm lạnh.

Nguyên nhân của các triệu chứng cảm là do sự giãn nở của các mạch, tính thấm của thành mạch lớn hơn và sự gia tăng hoạt động của các tuyến bài tiết. Xuyên tâm liên theo y học cổ truyền được cho là có tác dụng chống viêm.

Trong các mô hình tế bào, sự ức chế của các chất trung gian gây viêm như lipoxygenase, prostaglandin E2, leukotrienes B2, interleukin-1β và những chất khác đã được chứng minh. Các tác dụng đối với ho, đờm, xổ mũi, nhức đầu, sốt, đau họng, đau tai, mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ đã được thử nghiệm trong một số nghiên cứu và cho kết quả khả quan. Một trong những nghiên cứu gần đây nhất đã được công bố trên tạp chí khoa học Phytomedicine.

Về tác dụng phụ của xuyên tâm liên, bệnh nhân cần tham khảo trước thông tin từ nhân viên y tế để biết được liều lượng sử dụng thích hợp. Các chế phẩm xuyên tâm liên tương đối an toàn nếu được sử dụng với liều lượng thích hợp.

Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn ở một vài bệnh nhân. Nếu sử dụng cây trong thời gian ngắn, tác dụng phụ có thể xảy ra như chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nhức đầu, mệt mỏi. Với lượng cao và trong thời gian dài, xuyên tâm liên có thể gây phát ban, sưng tấy hoặc có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa và dẫn đến khó chịu. Các tác dụng phụ của xuyên tâm liên cho đến nay vẫn còn rất ít nghiên cứu.

Bệnh nhân cần phải thận trọng khi mang thai, cho con bú và đã biết dị ứng với các loại cây thuộc họ Acanthaceae. Trong mọi trường hợp, các chế phẩm làm từ xuyên tâm liên không được sử dụng theo đường tĩnh mạch vì có khả năng gây sốc phản vệ nhất định khi dùng thuốc này.

Việc sử dụng xuyên tâm liên trong hỗ trợ điều trị Covid-19 đã được hướng dẫn sử dụng trong công văn số 1306/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền ngày 17-3-2020 của Bộ Y tế.

Dù đây là một vị thuốc tốt nhưng người dân không nên dùng chỉ một vị thuốc này để tự điều trị Covid-19. Xuyên tâm liên cần phải kết hợp với các vị thuốc khác và sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Vì vậy, người dân không nên tự mua hoặc tích trữ để sử dụng tại nhà.

(*) Viện Công nghệ Dược sinh học, Đại học Marburg, Đức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới