Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sử dụng vốn nhà nước, đại biểu băn khoăn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sử dụng vốn nhà nước, đại biểu băn khoăn

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết qua chất vấn mới biết hiện tại Thủ tướng cũng chưa can thiệp được vào việc đầu tư của các Tập đoàn.

(TBKTSG Online) – Các thành viên chính phủ đứng đầu các ngành đầu tư, tài chính đã phải đứng lên, ngồi xuống nhiều lần trong các cuộc chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 30-5, xoay  quanh những vấn đề gai góc.

Các nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm nhất gồm: Điều chỉnh tăng trưởng kinh tế như thế nào? Các tập đoàn nhà nước đầu tư ra ngoài ngành và vốn, tài sản của nhà nước ở các doanh nghiệp đang đuợc sử dụng ra sao?

Tăng trưởng GDP dưới 7%

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc không phải là người nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất (30 câu hỏi) nếu so với 35 vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (người sẽ trả lời vào thứ Bảy, 31-5) nhận được. Nhưng ông Phúc là người đăng đàn đầu tiên vì bộ do ông quản lý, hiện là cơ quan tham mưu đầu ngành cho Chính phủ về mục tiêu điều chỉnh tăng trưởng kinh tế, vấn đề được quan tâm nhất hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) và một số người khác tỏ ra rất băn khoăn về cơ sở giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống 7%. “Giảm xuống có tránh được lạm phát không?”, ông nói. Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) thì chất vấn “nếu giảm thấp hơn mức đề xuất 7% thì trách nhiệm của Chính phủ thế nào?”.

Ông Phúc nói rằng Chính phủ chỉ đề ra mức tăng trưởng 7% và nếu điều kiện thuận lợi thì tăng hơn 7%, “chứ không phải chốt 7%” – ông nhắc lại – “Giải trình của tôi có nêu vì sao là con số đó. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tùy mức độ thắt chặt tiền tệ và tùy tình hình lạm phát mà tăng trưởng dao động khoảng trên 6,5% đến dưới 7%”. Bộ này cũng tính toán các phương án giúp Chính phủ cố gắng có con số lạm phát thấp nhất là 22%, dù phải quyết tâm cao mới có được con số cũng… rất cao này (so với mức CPI hơn 19% của năm trước).

Ông Phúc nói rằng, các nước trên thế giới cũng điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Và mức độ điều chỉnh của nền kinh tế nước ta được đưa ra trên các con số cụ thể. Ví như nông nghiệp quí 1 chỉ tăng mức 2,6% (dự kiến là trên 3%); gia tăng của dịch vụ là 8%; của công nghiệp là 8,1%. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái công nghiệp là 9,1%. Dự báo quí 2 dù mới qua 2 tháng, nhưng nông nghiệp có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xấp xỉ năm 2007, còn công nghiệp và dịch vụ sẽ giảm sút. Như vậy, dự kiến cả năm, các mức tăng của ba ngành trên theo thứ tự sẽ là 3%, 8% và 8% nữa.

Nhưng đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) và đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) tỏ ra không hài lòng với các câu trả lời rất nhanh và chắc chắn của ông Phúc. Theo ông Tâm thì ông Phúc đã trả lời không đúng các câu hỏi: có điều chỉnh các mục tiêu khác không? con số điều chỉnh về tỷ lệ lạm phát? và nếu không điều chỉnh thì vì sao?

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà cũng cho rằng người đứng đầu Bộ Kế hoạch – Đầu tư trả lời chưa thỏa đáng. Vì ông cho rằng việc bộ này tham mưu, dự báo cho Chính phủ để làm cơ sở hoạch định chính sách cũng bị sai lệch và việc sử dụng các công cụ dự báo đến đâu?

Trước đó, Bộ trưởng Phúc nói rằng từ cuối tháng 2-2008, Bộ đã đưa ra nhận định dựa trên nhiều nguồn: các tổ chức, ngân hàng nước ngoài và các chuyên gia kinh tế cảnh báo nhận định chỉ số tổng phương tiện thanh toán tăng 46,7%, dư nợ cho vay của nền kinh tế tăng 57%.

“Hai con số này khiến Thủ tướng giật mình”, ông Phúc nói. Sau đó, các bộ ngành kiểm tra lại, con số cuối chốt ra là tổng phương tiện thanh toán tăng ở mức 43,7%, dư nợ tín dụng tăng ở mức 53,88%.

“Con số này nguy hiểm vô cùng”, ông Phúc nói. Bởi theo dự kiến của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) dự báo khi làm việc với Việt Nam thì tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng dưới mức 20%, dư nợ tín dụng chỉ dưới 22%.

Ông Vũ Hoàng Hà không đồng tình với ông Phúc và cho rằng, giải thích của ông Phúc sẽ gây hiểu lầm cho các đại biểu là Bộ Kế hoạch – Đầu tư đã dự báo tương đối chính xác, còn việc không nghe là các thành viên Chính phủ khác, đồng nghĩa với đổ lỗi trách nhiệm.

“Nếu thấy các dự báo của mình tương đối chính xác thì phải thuyết phục và phải đưa ra các cơ sở dữ liệu mang tính tương đối chính xác để các thành viên Chính phủ phải nghe. Chứ không thì bây giờ lại đổ cho các thành viên Chính phủ và Thủ tướng”, ông Hà nói ngay sau khi ông Phúc dứt lời.

Chậm xây dựng quy chế hoạt động các tập đoàn kinh tế

Vấn đề các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước đầu tư ra ngoài ngành là trọng tâm của phiên chất vấn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và nhiều đại biểu khác cho rằng các bộ này quản lý việc đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn đến đâu và mức độ dàn trải là như thế nào trước đồng vốn của nhà nước và tăng mức độ nguy hiểm cho nền kinh tế. Ông Phúc thừa nhận rằng, nếu các tập đoàn đi đầu tư ra nhiều lĩnh vực không đúng ngành  nghề sẽ gây các hậu quả có ảnh hưởng xấu đến cân đối vĩ mô chung. Các tập đoàn hình thành đa ngành nghề, đa sở hữu, tuy nhiên đa sở hữu phải kèm thêm việc giám sát của các thành phần kinh tế khác.

Song, theo cơ chế hiện nay, việc quyết định đầu tư ở các tập đoàn này được hội đồng quản trị của họ quyết định do phân cấp: “Thủ tướng Chính phủ cũng không can thiệp, căn cứ trên quy hoạch thì doanh nghiệp tự đầu tư và quyết định đầu tư”, theo lời ông Phúc. 

Nhưng ông cũng nói rằng đây là vấn đề bộ phải khắc phục bằng cách soạn thảo một nghị định, dự kiến tháng 7 sẽ trình Chính phủ thông qua về quy chế hoạt động của các tập đoàn nhà nước. Còn hiện trạng, ông Phúc bổ sung là: Nhà nước không thẩm định, bộ chủ quản cũng không thẩm định, Bộ Kế hoạch – Đầu tư không thẩm định thì ngân hàng phải thẩm định. “Nhưng nếu họ lập ngân hàng tức là mang tiền của nhà nước đầu tư thì rất nguy hiểm vì đó là tiền của nhà nước”.

Ông cho các đại biểu biết thêm rằng sắp tới, trong dự thảo nghị định mới trình Chính phủ sẽ đưa những cơ chế này để nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực huy động vốn đầu tư và kinh doanh ở các ngành, nghề, lĩnh vực khác. Rồi ông kể một ví dụ: Các nước tư bản có thị trường, không phải ai cũng có thể kinh doanh bất động sản cả. “Chẳng hạn, điện lực Pháp (EDF) không không bao giờ biết bất động sản cả, họ làm chính ngành điện của họ thôi.

Ông Thuyết chất vấn tiếp rằng ông thấy hai vấn đề nổi cộm khi nghe ông Phúc nói: Một là, mô hình của các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn là chưa rõ ràng. Hai là, hội đồng quản trị tự quyết định đầu tư chứ Thủ tướng cũng không can thiệp vào được.

“Nhưng đây là vốn nhà nước chứ không phải vốn của cá nhân các vị trong hội đồng quản trị, cho nên phải có người kiểm soát. Vậy tôi xin hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng và Bộ Kế hoạch – Đầu tư đến đâu trong việc kiểm soát vốn đầu tư này, hay đây là trách nhiệm của Bộ Tài chính, để chúng tôi sẽ hỏi Bộ Tài chính về quản lý vốn nhà nước hay trách nhiệm của trên nữa, vì chưa định được mô hình của các tập đoàn này”, ông Thuyết đặt câu hỏi. Vị phó chủ nhiệm Ủy ban giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng Quốc hội có nhắc lại rằng, năm trước, ông chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh về trách nhiệm của bộ trong đề án 112 thì bộ trưởng nói là bên A, bên B mà người thống nhất với nhau thì bộ không kiểm soát nổi. ”Còn bây giờ chất vấn bộ trưởng thì bộ trưởng nói vốn này do hội đồng quản trị tự quyết định, Chính phủ không kiểm soát, nếu tiêu tiền Nhà nước như thế thì tôi không biết sẽ dẫn đến đâu”, ông Thuyết chất vấn.  

Trong phần trả lời chất vấn sau đó cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh có nói rằng: theo báo cáo của 76/104 tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, kết quả sản xuất, kinh doanh của năm 2007 của các tập đoàn này là 96% làm ăn có lãi. Vốn chủ sở hữu tăng 18%, huy động vốn tăng 1,36 lần, tổng tài sản tăng 26%, tổng doanh thu tăng 24%, tổng lợi nhuận tăng 23%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đạt 17%, tăng 1% so với năm 2006.

Nhưng ông cũng thừa nhận, trong năm qua có một số tập đoàn và các tổng công ty nhà nước đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, đặc biệt là đầu tư vào một số lĩnh vực nhảy cảm như ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Cũng theo báo cáo của 76 tập đoàn, trị giá đầu tư vào những lĩnh vực này bằng 1,85% vốn chủ sở hữu và bằng 0,78% giá trị tổng tài sản. “ Với một mức đầu tư nói trên, về tình hình chung mà nói thì chưa có vấn đề gì nguy hiểm và rủi ro”.

Tuy nhiên cũng có một số tập đoàn, một số tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực có khả năng rủi ro lớn. Ví dụ đầu tư vào chứng khoán. Quỹ đầu tư chứng khoán chính là đầu tư vào kinh doanh chứng khoán, cho nên có thể có rủi ro. “Tổng mức đầu tư hiện nay chúng tôi nắm được là 1.061 tỉ đồng, chiếm 0,31% vốn chủ sở hữu và bằng 0,13% giá trị tài sản” – người đứng đầu Bộ Tài chính nói. Cũng như ông Phúc, ông Ninh nhắc lại việc  sắp tới Chính phủ sẽ ban hành chính sách để khống chế và kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực này.

Rút vốn nhà nước về có thực hiện được không?

Các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm đến việc đầu tư công và sử dụng đồng vốn nhà nước ở các doanh nghiệp, vấn đề quản lý vốn ở các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hoá. Một đại biểu chất vấn Bộ trưởng Phúc về việc giảm tổng cầu đầu tư công để chống lạm phát và ông không thấy con số giảm 4000 tỉ đồng mới đây nói lên đuợc gì nhiều. Ông Phúc giải trình rằng con số 4.000 tỉ đồng là tổng hợp trên của 34 tỉnh, 27 bộ, ngành, còn 30 tỉnh chưa tổng hợp và nếu tập hợp đủ sẽ nhiều hơn. Còn ông Ninh nói rằng, Bộ Tài chính cùng Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ quản lý chặt nguồn vốn của nhà nước sau quá trình cổ phần hoá, dù quá trình này đang bị chậm do những tác động của thị trường tài chính và chứng khoán suy giảm thời gian qua.

Ông Ninh lấy ví dụ ở tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Việt Nam) đầu tư 14 ngàn tỉ đồng ra ngoài thì có 8 ngàn tỉ đầu tư vào thuỷ điện bên Lào theo hướng hợp tác hai quốc gia nên chưa đến mức độ nguy hiểm: “Nếu nguy hiểm chúng tôi sẽ chỉ đạo rút vốn về”- ông nói. Các đại biểu quan tâm đến việc rút vốn như thế nào thì ông Ninh phát biểu sẽ có quy định khống chế mức độ đầu tư đến đâu phải xin phép chủ sở hữu (sửa nghị định 199 về việc doanh nghiệp huy động vốn), các hình thức rút vốn về có thể thông qua chuyển đổi .

Đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hoà) thẳng thắn nói rằng ông không tin những biện pháp mà ông Ninh nói có thể phát huy tác dụng vì hình thức chủ sở hữu không rõ ràng và cơ cấu kinh tế còn chậm cổ phần hóa, còn đầu tư cho các tập đoàn thì khó mà khắc phục được. Còn đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TPHCM) nói rằng qua chất vấn mới biết việc phối hợp điều hành giữa các bộ, ngành còn chồng chéo, lúng túng và bất cập nên việc quản lý các tập đoàn mới xảy ra tình trạng như vậy mà không được đánh giá đúng mức.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới