Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sự kiện PCI và quyết định ngưng cấp ODA của Nhật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sự kiện PCI và quyết định ngưng cấp ODA của Nhật

Một góc đại lộ Đông-Tây – Ảnh: Lê Toàn.

LTS: Đầu tuần này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự nhằm điều tra việc các quan chức của Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) khai đã đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông – Tây TPHCM.

Trước đó, tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ, Nhật Bản đã thông báo quyết định ngưng cấp ODA cho Việt Nam cho đến khi nào vụ án PCI được phía Việt Nam làm rõ.

TBKTSG giới thiệu ý kiến của hai chuyên gia kinh tế (giáo sư Trần Văn Thọ và tiến sĩ Lê Đăng Doanh) về vụ việc này mà theo đánh giá của nhiều người, có ảnh hưởng không chỉ đến dòng vốn ODA từ Nhật Bản trong ngắn hạn mà còn đến uy tín lâu dài của Việt Nam.

Sự kiện Công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) khai có đưa hối lộ cho quan chức Việt Nam đã làm hình ảnh Việt Nam xấu đi trong dư luận Nhật Bản và quốc tế. Cách phát ngôn của một số quan chức cấp lãnh đạo trước đó cũng mang tính đối phó. Cuối cùng thì Nhật đã phải đi đến quyết định tạm ngừng cấp ODA cho Việt Nam trong năm tới, đồng thời đóng băng lượng tài trợ khoảng 700 triệu đô la đã cấp trong năm nay.

Trong lịch sử cung cấp ODA gần nửa thập kỷ của Nhật, đã có vài sự kiện liên quan đến việc sử dụng bất chính vốn viện trợ ODA được phát giác tại một vài nước. Tuy nhiên chưa có sự kiện nào lớn bằng vụ PCI và chưa bao giờ dư luận Nhật Bản quan tâm theo dõi diễn tiến sự kiện sử dụng bất chính ODA như lần này.

Có lẽ nhiều người Nhật đã bàng hoàng khi thấy trong vụ PCI số tiền chi tiêu bất chính quá lớn (chỉ một dự án mà số tiền bất chính lên tới 820.000 đô la) và nhất là tiền hối lộ đó được cho là đưa cho quan chức của một nước mà GDP đầu người mới 850 đô la. Hơn nữa sự kiện lại xảy ra tại một nước mà bấy lâu nay họ thấy dân trí cao, thấy rất có cảm tình, thấy gần gũi về văn hóa và nhiều mặt khác. Chính phủ Nhật cũng đã xem Việt Nam là một đối tác quan trọng, cho đến nay đã dành cho Việt Nam nhiều ưu tiên trong quan hệ kinh tế đối ngoại.

Đối với tuyệt đại đa số người Nhật, việc nhận viện trợ nước ngoài là chuyện bất đắc dĩ trong một giai đoạn ngắn của quá trình phát triển, và giới lãnh đạo của nước nhận viện trợ phải có ý thức trách nhiệm trong việc dùng tiền viện trợ. Từ năm 1946-1951, Nhật đã nhận viện trợ không hoàn lại từ Mỹ, số tiền này được quản lý chặt chẽ và chỉ dùng để nhập khẩu những nguyên liệu cần thiết cho sản xuất. Từ năm 1949-1961, Nhật vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Mỹ, để dùng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng và để phát triển một số ngành công nghiệp. Trong thời gian đó, quan chức cao cấp khi đi công du ở nước ngoài phải thuê khách sạn rẻ tiền, phải ở chung phòng để tiết kiệm ngoại tệ.

Lấy lại uy tín và thể diện không phải chỉ bằng chính sách, cơ chế liên quan việc tiếp nhận ODA mà phải đi đôi với sự trân trọng đối với đồng vốn trong nước

Do bối cảnh như vậy, sự kiện PCI đã gây sốc trong dư luận Nhật. Theo bảng xếp hạng về cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố tháng 9 năm nay, trong 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam xếp tới thứ 121. Bây giờ qua sự kiện này, người dân bình thường ở Nhật cũng biết. Hình ảnh Việt Nam xấu đi trong lòng người Nhật là điều không tránh được.

Bây giờ Việt Nam phải làm sao để gỡ lại thể diện, tạo lập lại uy tín của Việt Nam trên vũ đài quốc tế. Tôi thấy có ba vấn đề sau:

Thứ nhất, giải quyết triệt để vụ PCI và kết quả điều tra, xử lý phải được chính dư luận, dân chúng Việt Nam chấp nhận. Không nên xem chuyện này là của Nhật và đòi Nhật đưa chứng cớ. Tình trạng tham nhũng, thất thoát trong xây dựng cơ bản ở Việt Nam ai cũng biết, phía Nhật nêu đích danh quan chức được cho là nhận hối lộ mà đương sự vẫn giữ yên lặng trong nhiều tháng.

Điểm đáng chú ý trong vụ này là quyết định ngưng cấp ODA của Chính phủ Nhật rất được dân chúng Việt Nam đồng tình. Do đó, giải quyết đúng đắn vụ này là trách nhiệm của Nhà nước đối với dân chúng Việt Nam hơn là trách nhiệm đối với Nhật. Ngoài ra, cần nhận thức rằng sự kiện PCI và quyết định của Chính phủ Nhật ảnh hưởng đến thể diện của đất nước, và đó là một tổn thất lớn. Tổn thất này rất lớn không thể so với chuyện bị ngưng cung cấp ODA. Do đó, lấy lại hình ảnh tốt cho đất nước không phải là để được tiếp tục nhận ODA.

Thứ hai, Việt Nam cần rà soát lại các cơ chế xử lý những sự kiện tương tự như vụ PCI và cho dân chúng cũng như dư luận thế giới thấy Việt Nam là nước dân chủ pháp trị. Cơ quan an ninh, cơ quan tư pháp phải được quyền chủ động vào cuộc khi có nghi án. Vì thế, quyết định khởi tố vụ án vào đầu tuần này chính là điều dư luận đang chờ đón.

Ngoài ra, cần cho thấy sẽ có biện pháp hữu hiệu trong việc phòng chống tham nhũng. Không thể chỉ cam kết mà phải có biện pháp cụ thể. Chẳng hạn, trong Ủy ban phòng chống tham nhũng cần có tiếng nói độc lập với các cơ quan hành chính (có sự tham gia của các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu uy tín, lãnh đạo doanh nghiệp…) và cần để báo chí phát hiện những tiêu cực.

Thứ ba, nhận dịp này cũng cần suy nghĩ lại vai trò của ODA trong quá trình phát triển kinh tế. ODA chỉ có vai trò giúp cho quá trình phát triển tiến nhanh chứ không phải có tính cách quyết định cho công cuộc phát triển, và ODA chỉ phát huy tác dụng khi những tiền đề về cơ chế, về quản lý được bảo đảm.

Những nước phát triển trước 1945 hầu như không nhận ODA. Sau Thế chiến thứ hai, nhiều nước nhận ODA nhưng thành quả phát triển thì rất khác nhau. Chẳng hạn, Thái Lan và Philippines đều nhận nhiều ODA từ Nhật, nếu tính gộp từ năm 1960-1995, tổng ngạch ODA của Nhật rót vào hai nước này hầu như ngang nhau, mỗi nước khoảng 2.000 tỉ yen. Nhưng Thái Lan thì phát triển mạnh mẽ còn Philippines thì trì trệ. Tính theo giá cố định năm 2000 thì vào năm 1960, GDP đầu người của Philippines (612 đô la) gần gấp đôi Thái Lan (317 đô la), nhưng đến năm 1995 thì Philippines (912 đô la) chỉ bằng nửa (Thái Lan là 2.086 đô la).

Ta cần phải đặt ODA trong tổng thể các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, không thể có tình trạng vốn nước ngoài thì phải có cơ chế sử dụng hiệu quả còn vốn trong nước thì lãng phí. Nhân sự kiện PCI, cần tiến hành mạnh mẽ chống tiêu cực, chống lãng phí trong việc sử dụng mọi nguồn vốn chứ không phải chỉ chú ý đến vốn ODA.

Như nhiều ước tính cho thấy, Việt Nam thất thoát tới khoảng 30% ngân sách trong các công trình xây dựng cơ bản. Vấn đề tiên quyết của Việt Nam bây giờ là cải thiện tình trạng này trước khi tính chuyện vay mượn ODA. Tại Việt Nam, ODA chỉ chiếm độ 25% trong tổng đầu tư của khu vực công. Do đó, nếu con số thất thoát 30% là đúng thì, nói một cách hơi cực đoan, dù không có ODA, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển như bây giờ nếu tình trạng thất thoát hoàn toàn được khắc phục.

Lấy lại uy tín và thể diện không phải chỉ bằng chính sách, cơ chế liên quan việc tiếp nhận ODA mà phải đi đôi với sự trân trọng đối với đồng vốn trong nước.

Dân chúng Việt Nam, dư luận Nhật Bản và dư luận thế giới đang theo dõi diễn tiến điều tra, xét xử vụ PCI và xem Việt Nam có khả năng đưa ra các biện pháp, cơ chế phòng chống tiêu cực trong việc sử dụng đồng vốn trong và ngoài nước hay không.

TRẦN VĂN THỌ – Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới