Thứ Bảy, 30/09/2023, 06:11
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Sự phản bội mơ hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sự phản bội mơ hồ

Nguyễn Quang Thiều

(TBKTSG) – Không có văn hóa thì không biết sống như thế nào. Khi những công dân không hiểu văn hóa của dân tộc mình thì đó là những công dân bất hạnh.

Khi tôi ra đời thì cái cổng làng tôi không còn nữa. Người ta đã phá cổng làng mấy tháng trước đó. Lên năm, tôi đã chứng kiến họ phá Tam quan ở ngay dốc đê làng tôi rồi phá toàn bộ ngôi chùa cổ kính. Sau này lớn lên và có chút hiểu biết, tôi đã tìm nhiều cách lý giải như thử ngụy biện về việc phá những di tích văn hóa đó để cho lòng tôi bớt đau đớn và xấu hổ. Nhưng bây giờ người ta vẫn tiếp tục phá hoại không ít những di sản văn hóa vô giá của dân tộc mà coi như chẳng có chuyện gì hệ trọng. Tôi không thể lừa dối mình một lần nữa với những lý do mơ hồ về chuyện phá hoại ấy. Chúng ta không còn con đường nào là phải nói ra sự thật.

Những di tích văn hóa ngày nay đang bị phá hoại vì lý do gì? Có hai lý do cơ bản: Một, phá hoại do không hiểu biết. Hai, phá hoại do lòng tham và vô trách nhiệm nếu không muốn nói là vô văn hóa. Có không ít những di tích ở một số địa phương đã và đang bị phá hoại. Những ai đã và đang phá hoại những di tích văn hóa này? Đó chính là những người quản lý ở những địa phương đó và những người trực tiếp phục chế hay trùng tu những di tích văn hóa đó.

Đối với tất cả các di tích hay các hiện vật văn hóa đều phải phục chế và trùng tu để lưu lại cho các đời sau. Bởi thời gian sẽ làm thay đổi và hủy hoại những di tích văn hóa. Nhưng việc phục chế và trùng tu những di tích văn hóa ở Việt Nam đối với không ít công trình lại đang trở thành kẻ thù của những di tích văn hóa đó.

Năm 2008, UBND thành phố Nha Trang đã cho phép phường Phương Sơn phá bỏ Văn chỉ Vĩnh Xương lấy mặt bằng xây dựng trạm y tế. Văn chỉ Vĩnh Xương là nơi thờ Khổng Tử và các bậc hiền triết, tôn vinh đạo học và đào tạo nhân tài cho đất nước. Người ta đã phá dỡ di tích văn hóa này và bán những cột, kèo, những liễn đối, hoành phi, khảm thờ Khổng Tử và nhiều hiện vật khác được chạm khắc tinh xảo, đầy sáng tạo, vô giá cùng khoảng 8.000 viên gạch cổ với nhiều hiện vật cổ khác với một cái giá rẻ như mua đồ phế thải của mấy người làm nghề đồng nát.

Chúng ta hãy tự hỏi xem có nơi đâu phá một di tích văn hóa như phá một cái lều vịt như ở nơi này không? Nếu hành động này là của một người nông dân thì chúng ta có thể hiểu được và có thể tha thứ vì sự hiểu biết của người nông dân ấy hạn chế. Nhưng đó là hành động của những người lãnh đạo một thành phố.

Cũng như mới đây người ta “phá” những cổng Thành Tuyên để xây thành những chiếc lò gạch không hơn không kém. Mới đây thôi, khi một kẻ điên rồ đã phóng hỏa một trong những cái cổng cổ bằng gỗ ở Seoul (Hàn Quốc) thì dân tộc này như có quốc tang. Hàng ngàn người Hàn Quốc đã đến trước cái cổng đã bị thiêu cháy òa khóc như tiễn biệt một người thân yêu nhất của mình. Trong một lần đi công tác ở một nước phương Tây, tôi thấy người ta lấy những tấm vải mền như một tấm chăn len bọc những thân cây bên đường. Hỏi ra mới biết, họ chuẩn bị sửa chữa đoạn đường đó và họ phải bảo vệ những cái cây ấy. Tôi thực sự choáng váng và thấy xấu hổ.

Chúng ta từng chứng kiến ở Việt Nam người ta đốn những cây cổ thụ hoặc xây dựng những công trình và làm chết những cây đó. Có nơi, người ta đã được chính quyền địa phương cho phép chặt một cây cổ thụ để dựng lên đó một quán bia hơi vó bò. Nghe thật kinh hãi. Một ngôi nhà 10 tầng có bị đổ thì chỉ cần ba năm người ta sẽ xây dựng lại. Nhưng một cây cổ thụ có tuổi 100 hay 200 năm thì ít nhất chúng ta phải mất từng đó năm để có lại nó. Họa sĩ Thành Chương kể rằng chính ông biết có những người được yêu cầu phục chế một chiếc bình gốm có tuổi chừng 500 năm bị sứt mẻ đã chụp ảnh chiếc bình đó đưa cho những người thợ gốm Bát Tràng làm lại còn chiếc bình kia thì đập đi.

Một lần đến thăm đền thờ Tô Hiến Thành ở Hà Tây cũ, họa sĩ Phạm Minh Hải đã phát hiện ra một bức tượng Phật trong đền có một phần đang bị hư hại. Ông vội gọi điện cho tổ chức UNESCO Việt Nam mà ông là thành viên và yêu cầu cử người có trách nhiệm đến xem xét và cấp kinh phí cho việc phục chế bức tượng Phật cổ đó.

Chúng ta đâu thiếu những người hiểu biết, có trách nhiệm và không vụ lợi trong việc gìn giữ, phục chế và trùng tu những hiện vật và những di tích văn hóa. Nhưng hình như người ta đã không dùng đến những con người này và cũng không thèm nghe họ nói. Người ta dùng những người sẽ mang lại cho họ những lợi lộc trong cái gọi là bảo vệ và gìn giữ những di tích văn hóa.

Chúng ta đều biết, kinh phí cho việc trùng tu nhiều di tích văn hóa không hề nhỏ. Thế là cơ hội làm ăn của người ta đã đến. Làm sao lại có thể để cho những kẻ khác cản trở những lợi ích vật chất của người ta cơ chứ. Và thế là một đội quân “trùng tu” những di tích văn hóa như một đội quân phá hoại tinh nhuệ làm cho di tích văn hóa vô giá kia tan nát có thể chỉ trong một ngày.

Một ví dụ nữa về sự phá hoại những di tích văn hóa của dân tộc. Đó là ở Long An, chính quyền cho phá bỏ “Dinh tổng Thận”, một công trình kiến trúc cổ được xây cách đây 116 năm. Dinh tổng Thận có kiến trúc châu Âu, từng là nhà của một vị cai tổng thời Pháp thuộc, được lực lượng khởi nghĩa Cách Mạng Tháng Tám lấy làm trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa và Ủy ban Hành chính sau khi khởi nghĩa giành thắng lợi ở tỉnh Tân An (nay là Long An) ngày 21-8-1945. Một lãnh đạo ở Long An giải thích việc phá bỏ công trình kiến trúc cổ này là do tỉnh không có kinh phí trùng tu di tích và vì tòa nhà làm mất mỹ quan khu trung tâm của tỉnh và khi nào có tiền sẽ làm lại tòa nhà di tích như cũ. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc cổ mà còn là một di tích lịch sử cách mạng.

Một tư duy “đáng sợ” khi người ta cho rằng đập tan một di tích văn hóa để khi nào có tiền thì xây lại.

Chuyện trên có thật mà còn hơn cả chuyện bịa. Một tư duy “đáng sợ” khi người ta cho rằng đập tan một di tích văn hóa để khi nào có tiền thì xây lại. Hiện thực chứng minh hùng hồn rằng: các nước trên thế giới có những năm tháng dằng dặc đói khát và chiến tranh nhưng họ chưa hề đập tan những di tích văn hóa của dân tộc mình để đợi khi giàu có thì xây lại. Trong khi đó, chúng ta bây giờ đang có một đời sống kinh tế phát triển. Đây không phải là vấn đề tiền. Đây là sự vô cảm và vô trách nhiệm với những di tích văn hóa dân tộc. Đây có thể nói là sự phản bội lại nền văn hóa của dân tộc cho dù sự phản bội này thật mơ hồ đối với không ít những người làm công tác quản lý.

Lại thêm một ví dụ nữa về sự phá hoại những di tích văn hóa: chuyện Đền Và. Người ta phá bỏ một phần di tích này để trùng tu. Nhưng có người lý luận rằng phá để đưa cái cần cẩu vào. Trời ơi! Sao lại có thể nói như thế được. Tôi cam đoan rằng đâu cứ phải cần đến cái cần cẩu máy kia mới có thể trùng tu được Đền Và. Chúng ta chỉ cần vào Internet là có thể biết được trên thế giới họ tiến hành trùng tu những di tích văn hóa khổng lồ như thế nào. Họ trân trọng cả từng cái mạch nữa, từng viên ngói, từng bậc đá… của những công trình đó. Việc làm ở Đền Và là hoàn toàn sai trái. Không một ai có thể dùng phép xảo ngôn để bảo vệ hành động đó được.

Quả thực, có những địa phương người dân tự quyên góp kinh phí để trùng tu những di tích văn hóa ở địa phương họ. Và vì họ thiếu hiểu biết mà vô tình đã làm mất đi giá trị của những di tích văn hóa. Thực sự họ rất hào hứng dùng tiền của mình để thay những viên gạch men hoa thời công nghiệp láng bóng vào những viên gạch nung có tuổi đến hàng trăm, hàng ngàn năm. Nhưng một câu hỏi đặt ra là: tại sao những người có trách nhiệm quản lý những di tích văn hóa lại để cho người dân làm việc đó.

Việc bảo vệ các di tích văn hóa hay lịch sử phải có quy chế, có luật chứ không thể bảo vệ một cách tùy tiện và thiếu hiểu biết. Việc trùng tu phải được giám sát nghiêm ngặt bởi các nhà quản lý và chuyên môn. Vì đâu phải cái chùa ở làng bạn là của bạn và bạn tùy tiện sửa chữa thành bất cứ thứ gì bạn muốn. Đó là tài sản vô giá của quốc gia. Nhưng thực tế hầu hết những di tích văn hóa được xếp hạng thì việc trùng tu hay phục chế những hiện vật thuộc di tích đó lại do chính những người quản lý và có trách nhiệm thực hiện gián tiếp hoặc trực tiếp. Và không ít người trong số đó được học hành chuyên môn và có hiểu biết về luật di sản. Nhưng chính họ đã phá hoại những di tích văn hóa mà họ đang bảo vệ như việc trùng tu chẳng hạn.

Những ví dụ tôi đưa ra ở trên chỉ là một số trong nhiều ví dụ đau lòng của sự phá hoại những di tích văn hóa của dân tộc. Tại sao họ lại làm như vậy? Câu trả lời chắc chắn đã có trong mỗi bạn đọc hiểu biết và có trách nhiệm với những di sản văn hóa của dân tộc. Mỗi bạn đọc hãy tự nguyện làm một người lính canh giữ trung thành những di tích văn hóa của dân tộc chúng ta. Cái cổng làng tôi bị đập phá giờ đã được xây lại. Người làng tôi xây cổng làng là để thực hiện khát vọng dựng lại bốn chữ viết trên cổng làng xưa. Bốn chữ ấy là: Vọng tự nhập xuất.

Tôi không biết chữ Hán. Những người già của làng tôi nói nghĩa của bốn chữ đó là: nhìn chữ để biết việc ra vào. Và tôi hiểu: chữ ở đây là Văn hóa. Việc “ra vào” ở đây là phép hành xử với cuộc đời. Không có văn hóa thì không biết sống như thế nào. Khi những công dân không hiểu văn hóa của dân tộc mình thì đó là những công dân bất hạnh. Nhưng khi những công dân phản bội lại văn hóa của dân tộc mình thì họ trở thành những tội phạm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới