Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sự sẻ chia ấm áp trong ngày mưa rét giữa mùa dịch

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sự sẻ chia ấm áp trong ngày mưa rét giữa mùa dịch

Trúc Diễm

(TBKTSG Online) – Từ sáng sớm, thời tiết rét mướt và việc thực hiện quy định giãn cách xã hội nhằm thực hiện biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cũng không làm cho hoạt động của UBND phường Phúc Xá (số 57 Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội) trở nên ảm đạm. Tại đây, hàng trăm suất quà được đóng gói sẵn xếp trên một chiếc bàn rộng, mỗi suất gồm 2 gói mì tôm, 2 chiếc xúc xích, 2 quả chuối và một ít rau xanh dành tặng cho những người khó khăn.

Hành trình của gạo, mì, mắm, muối… và yêu thương

Phía trên chiếc bàn êể quà tặng có căng một chiếc băng-rôn với dòng chữ: “Điểm tặng thực phẩm hàng ngày. Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn hãy đến lấy 1 gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Dù trời mưa nhưng nhiều người dân vẫn xếp hàng trật tự theo khoảng cách quy định để đến lượt nhận quà. Với sự hỗ trợ từ nhiều nhà hảo tâm, mỗi một ngày mỗi điểm phát quà trao đi khoảng 1.000 phần, có những lúc hết quà mà vẫn còn người đến nhận thì nhóm điều phối sẽ liên hệ tiếp tế từ kho. Có những điểm chỉ sau 1 giờ đồng hồ đã phát được 700-800 phần.

Sự sẻ chia ấm áp trong ngày mưa rét giữa mùa dịch
Một cụ già tới UBND phường Phúc Xá nhận lương thực. Ảnh: HK

Thầm lặng thắp ánh sáng của niềm tin

Điểm phát quà tại UBND phường Phúc Xá chỉ là một trong hàng chục điểm phát quà do anh Nguyễn Phan Huy Khôi và một số người bạn lập ra để hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn trong mùa địch bệnh. Là một doanh nhân, công việc của anh Huy Khôi cũng đang bị tác động của dịch Covid-19, nhưng việc chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của những người bất hạnh, khiếm khuyết khiến anh quyết tâm thực hiện một chương trình thiện nguyện.

Anh Huy Khôi cùng các bạn đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua lương thực, thực phẩm phát cho người nghèo, những người dễ bị tổn thương nhất trong dịch bệnh. Với những người khuyết tật, không thể đến các điểm nhận lương thực, nhóm hoạt động của anh sẽ tình nguyện mang đến tận nơi và luôn áp dụng nguyên tắc giữ khoảng cách an toàn.

Hoạt động của anh Huy Khôi và nhóm bạn là một phần của các hoạt động thiện nguyện đang diễn ra thầm lặng tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình nghèo, các bán bộ y bác sĩ tại một số bệnh viện tại Hà Nội. Sự chung tay của những tấm lòng hảo tâm đã góp một phần công sức trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Cầm túi quà trên tay, anh Nguyễn Việt Phong, quê ở Nghệ An, nhân viên bảo vệ một quán ăn trên đường Nguyễn Tuân, chia sẻ: “Mất việc làm, không có nguồn tích lũy dự phòng. Hai vợ chồng lại phải gửi tiền về quê cho ông bà nuôi con nhỏ, chúng tôi gần như không có tiền để mua thức ăn. Phần quà này sẽ giúp hai vợ chồng chúng tôi tiết kiệm được 50.000 đồng mỗi ngày”.

Người khuyết tật tới nhận lương thực mùa dịch – Ảnh: HK

Theo anh Huy Khôi, trong giai đoạn dịch bệnh đang căng thẳng như hiện nay, anh và các bạn sẽ cố gắng thực hiện việc phát quà đến khi nào dịch được kiểm soát, sinh hoạt trong xã hội trở lại bình thường. “Việc sẻ chia là truyền thống của người Việt mình rồi, việc làm này cũng cho tôi có cảm giác ấm áp”.

Sau 5 ngày thực hiện hoạt động thiện nguyện, phát quà miễn phí một cách tự phát. Anh Huy Khôi cho biết ban tổ chức cũng ghi nhận được tình trạng nhiều người đến lấy quà không thực sự có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có trường hợp lấy nhiều lần trong ngày, hoặc lấy rồi bán lại cho những người khác. Chưa kể, việc phát quà tự phát cũng gây ra tình trạng tụ tập đông người, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh và không đúng với quy định về giãn cách xã hội.

“Chúng tôi đã thay đổi cách hoạt động, thay vì hoạt động tự phát, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương để tìm hiểu, lên danh sách những người khó khăn cần trợ giúp, từ đó thực phẩm sẽ đến được đúng người", doanh nhân này nói. “Chúng tôi không quan trọng về chi phí phải bỏ ra, điều quan trọng nhất là hoạt động thiện nguyện có hiệu quả và ý nghĩa”.

Lan tỏa những thông điệp lạc quan

Có nhiều cách để mọi người có thể sẻ chia, cùng nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Đồng hành và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai sau khi Bộ Y tế ban hành quyết định phong tỏa bệnh viện, chị Bùi Kim Oanh ở quận Hoàng Mai, Hà Nội đã cùng bạn bè và người thân đóng góp tiền mua 3.000 chai nước uống, khẩu trang tặng các y bác sĩ.

Không chỉ tặng bệnh viện Bạch Mai, chị Oanh tiếp tục các hoạt động khác ủng hộ công tác phòng chống dịch. Chị cho biết nhiều người không dư dả về mặt tài chính  nhưng khi nghe được lời kêu gọi chung tay ủng hộ các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, họ vẫn nhiệt tình đóng góp theo khả năng của mình.

“Đây là điều tôi rất cảm kích”, chị Oanh nói. “Chúng tôi đã chuyển hàng trăm hộp khẩu trang, nước, giấy ướt và khăn tới các bác sĩ và bệnh nhân".

Các nồi và bếp cỡ lớn liên tục được gửi tới bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: TL

Những ngày qua, bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội gần như quá tải khi phải cung cấp thực phẩm cho hàng trăm người cách ly. Thấy vậy, chị Thành Thu Lương đã kêu gọi bạn bè trên facebook quyên tiền ủng hộ mua bếp điện nấu được hàng trăm cân gạo một lúc, cùng một số vật dụng bếp công nghiệp khác. Mục đích để hỗ trợ một phần gánh nặng cung cấp bữa ăn cho bệnh nhân và người bị cách ly.

“Khi dịch bệnh bùng phát thì mọi người đều mong muốn góp một phần nào đó để hỗ trợ”, chị Thành Thu Lương nói" “Chúng tôi cần làm một cái gì đấy góp phần cùng cộng đồng. Điều đó cũng là giúp cho mình chứ không phải chỉ giúp cho các y bác sĩ. Sau đại dịch này mọi người biết yêu thương nhau hơn, gắn kết với nhau hơn và cùng chung tay để lo cho cộng đồng hơn trước rất nhiều”.

Trong 5 ngày vừa qua, Công ty Green Plastic và Chùa Kim Quy đã cho ra hơn 23.000 mặt nạ ngăn giọt bắn phân phát và trao tặng đến các bệnh viện, các sở y tế và nhiều ban ngành, chính quyền địa phương ở nhiều tỉnh, thành phố, giúp các y bác sĩ, lực lượng quân đội, biên phòng, lực lượng kiểm soát các chốt chặn, nơi tuyến đầu phòng chống dịch CoVid-19 có thể bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Theo ông Nguyễn Thế Lộc, phật tử chùa Kim Quy, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, ông và nhiều phật tử khác cùng nhà chùa kêu gọi các phật tử tại địa phương đóng góp mua hàng nghìn chiếc khẩu trang vải và khẩu trang y tế trao tặng những y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Hiện tại, phật tử chùa Kim Quy tiếp tục ngày đêm làm mặt nạ chống giọt bắn, mang tặng những nơi đang cần

“Sự nguy hiểm cũng như nguy cơ lây lan của dịch bệnh rất lớn nên nên thầy trò chùa Kim Quy động viên các phật tử, cán bộ, công nhân viên Công ty Green Plastic ngày đêm, làm sao để cho ra nhiều sản phẩm kịp thời đưa đến những nơi cần thiết, như các chiến sĩ, y bác sĩ trong điều trị cũng như thực hiện công tác phòng chống dịch”, đại đức Thích Minh Tường, Trụ trì chùa Kim Quy, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội nói.

Sản phẩm mũ kính chắn giọt nước được gửi tới bộ đội, biên phòng trên khắp cả nước. Ảnh: KO

“Đóng góp vì mục tiêu chung khi đất nước cần” không còn là khẩu hiệu mà đã biến thành hành động dễ nhận thấy trong xã hội những ngày qua. Những việc làm thiện nguyện, những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân trên cả nước kể hết trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid 19. Chỉ biết rằng, những hành động đó đang ngày càng lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc.

 

Danh sách các điểm phát quà tại Hà Nội của nhóm anh Đặng Như Quỳnh và chị Trương An Xinh (nhóm XQ), hoạt động từ 9h sáng đến 4h chiều hàng ngày:

– Điểm 1: Phía trước Quán Cafe N2F, đầu ngõ 54 Lê Văn Lương – Thanh Xuân, Hà Nội (gần ngã tư Lê Văn Lương – Hoàng Minh Giám).

– Điểm 2: Gara Auto 568, số 420 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội.

– Điểm 3: Số nhà 74 – liền kề 6A, Phố Nguyễn Văn Lộc, quận Hà Đông, Hà Nội.

– Điểm 4: Số 6 Phố Phan Kế Bính, quận Ba Đình, Hà Nội.

– Điểm 5: Số 31 Lương Khánh Thiện – Tượng đài Hoàng Văn Thụ, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Điểm phát quà hỗ trợ của nhóm anh Trần Hoàn, ngày 7-4 đến 10-4, từ 8h sáng đến 6h chiều:

– Số 72 phố Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Danh sách điểm phát quà của nhóm anh Nguyễn Phan Huy Khôi, từ 8h sáng đến 5h chiều:

– UBND phường Trung Văn, số 76 đường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

– UBND phường Phúc Xá, số 57 Nghĩa Dũng, quận Ba Đình, Hà Nội.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới