Thứ Hai, 7/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Sự trỗi dậy của ngân hàng Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sự trỗi dậy của ngân hàng Trung Quốc

Ngân hàng ICBC của Trung Quốc hiện là ngân hàng lớn nhất thế giới về giá trị thị trường.

(TBKTSG) - Căn bệnh kinh tế đã làm suy yếu cả hệ thống tài chính quốc tế nhưng ngành ngân hàng Trung Quốc vẫn tỏ ra vững mạnh cho dù chỉ mới một thập niên trước họ đã ngấp nghé bờ vực phá sản.

Ông Pieter Bottelier, cựu quan chức Ngân hàng Thế giới và nay là Giáo sư Đại học John Hopkins (Mỹ), nhận xét: “Điều khôi hài là trong 10 năm qua, ngân hàng Trung Quốc thuộc loại yếu kém nhất thế giới còn hôm nay họ nằm trong số vững mạnh nhất, bất chấp hệ thống của họ vẫn còn sơ khai”.

Trung Quốc có hai trong ba ngân hàng lớn nhất thế giới hiện nay về thị giá,  Ngân hàng Công Thương (ICBC) xếp thứ 1 và Ngân hàng Xây dựng (CCB) xếp thứ 3. Họ đã làm thế nào để xoay chuyển tình hình?

Câu trả lời ngắn gọn là Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các nguyên tắc thị trường giống y những nguyên tắc được áp dụng ở phương Tây.

Trong 10 năm qua chính quyền đã cải thiện luật lệ điều hành và giám sát, ban hành các yêu cầu về quản lý rủi ro, siết chặt nợ xấu và các tiêu chuẩn về dự phòng. Đồng thời các ngân hàng được niêm yết trên thị trường chứng khoán, nghĩa là họ phải báo cáo hoạt động theo các chuẩn mực kế toán phương Tây.

Từ năm 1998, Chính phủ Trung Quốc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng và vài năm trước Trung Quốc đã bỏ ra 60 tỉ đô la từ quỹ dự trữ ngoại tệ để hoàn tất việc này. Các ngân hàng có thể chuyển nợ xấu cho những công ty của nhà nước được lập ra để mua nợ, đổi lại ngân hàng được trả bằng trái phiếu của Bộ Tài chính, an toàn hơn nhiều.

Ngày trước, theo hệ thống đánh giá rủi ro của Trung Quốc, ngân hàng được quyền công bố rằng những khoản cho các doanh nghiệp nhà nước vay có độ rủi ro bằng không, giúp cho sổ sách của ngân hàng luôn “đẹp” và không phản ánh đúng thực tế; tiền lãi không trả đúng hạn được tự động cộng thêm vào tiền vốn và các món nợ xấu cứ phình to ra. Nhưng rồi, việc xử lý nợ xấu đã thay đổi nhanh chóng. Nợ xấu hiện nay được quy định là những món nợ mà người vay không trả tiền lãi 90 ngày sau ngày đến hạn; và nợ xấu phải được chuyển cho công ty mua bán nợ.

Lúc đầu, tỷ lệ nợ xấu tăng lên nhanh, nhưng đến ngày 30-9-2008 vừa qua, tỷ lệ này chỉ còn bằng 2% trên tổng số nợ, thấp hơn mức 2,3% ở Mỹ. Tỷ lệ an toàn vốn bình quân ở các ngân hàng Trung Quốc vào ngày 30-9-2008 cũng đạt 13%, cao hơn mức quy định 8% của chính phủ.

Hệ thống dự phòng rủi ro cũng thay đổi. Trước cải cách, ngân hàng Trung Quốc không dành ra khoản dự phòng thất thoát do nợ xấu, bất kể chất lượng danh mục các món vay như thế nào. Nay thì ngân hàng nào cũng phải có quỹ dự phòng; và đến ngày 30-9 vừa qua, quỹ dự phòng bình quân của các ngân hàng niêm yết ở Trung Quốc là 123% so với tổng số nợ xấu.

Năm 2003, cơ quan điều hành ngân hàng Trung Quốc bắt đầu cho phép nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các ngân hàng Trung Quốc từ 15% lên 20%; chính sách này giúp các ngân hàng có thêm vốn và uy tín, đồng thời tiếp thu được phần nào công nghệ ngân hàng phương Tây, chuẩn bị cho các đợt bán cổ phần ra công chúng vào đầu năm 2005.

Chính sách này đã mang lại kết quả: đến cuối quí 3-2008, lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết của Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng bình quân 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Và điều quan trọng hơn là hệ thống ngân hàng Trung Quốc gần như né tránh được thảm họa cho vay dưới chuẩn đã làm sụp đổ nhiều ngân hàng lớn ở phương Tây trong năm qua. Theo ông Nicholas Lardy, chuyên gia cao cấp của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), ngân hàng Trung Quốc chỉ bị mất chưa tới 0,1% tài sản do mua “cổ phiếu độc” của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Lardy cũng cảnh báo rằng, tình hình chưa hẳn đã hoàn toàn sáng sủa vì sự co lại của kinh tế Trung Quốc dứt khoát sẽ tác động đến ngành ngân hàng. “Giờ đây kinh tế chậm lại, chẳng bao lâu nữa lợi nhuận sẽ biến mất và khi ấy chúng ta sẽ biết chất lượng các món vay như thế nào”, ông Lardy nói.

Các khoản nợ xấu chắc chắn sẽ tăng lên và khủng hoảng là khó tránh. Nhưng Chính phủ Trung Quốc hiện có nhiều “bài” để chống lại cuộc suy thoái kinh tế, như gói kích cầu 585 tỉ đô la được công bố gần đây chẳng hạn. Và ngân hàng Trung Quốc hiện cũng có khả năng xử lý nợ xấu tốt hơn nhiều so với một thập niên về trước. Chính vì thế, ông Bottelier nhận định: “Có những rủi ro tiềm ẩn và quy mô của chúng chưa thể xác định được nhưng tôi không thấy nguy cơ nào lớn đến mức gây vấn đề cho hệ thống ngân hàng Trung Quốc”.

THÁI BÌNH (theo Newsweek)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới