Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sự vô lý của tỷ giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sự vô lý của tỷ giá

Lưu Hảo

(TBKTSG) – Khó nhất khi giao dịch với các ngân hàng Việt Nam là gì? Mua đô la Mỹ. Câu hỏi cũng như câu trả lời này vốn dĩ tồn tại từ nhiều năm trước và vẫn tiếp tục phát huy hiệu lực trong năm 2010. Không chỉ doanh nghiệp khó mua đô la Mỹ, mà cả người dân đi du lịch nước ngoài, có nhu cầu cũng không thể nào mua được với tỷ giá niêm yết của ngân hàng.

Cái tỷ giá ấy neo giữ cố định ở 19.500 đồng/đô la Mỹ và chẳng thay đổi. Không bù cho tỷ giá giữa đồng Việt Nam và những ngoại tệ khác như euro, yen, bảng Anh, đô la Úc, đô la Singapore… biến động xoành xoạch. Có ngày bảng tỷ giá, trừ đô la Mỹ – tiền đồng, của ngân hàng thay đổi 20-30 lần, chạy đua với sự lên xuống của giá vàng.

Từ sự “lép vế” của đô la Mỹ…

Thế nhưng nhờ sự biến động mau lẹ ấy mà nhu cầu mua bán các ngoại tệ khác của doanh nghiệp cũng như người dân lúc nào cũng thực hiện được. Mua ngoại tệ mặt khác trong mức quy định của Nhà nước (tối đa 7.000 đô la Mỹ quy đổi) thì ai cũng chỉ cần có hộ chiếu, vé may bay là ngân hàng bán cho ngay. Giá niêm yết minh bạch, rõ ràng, không cần trả phí gì cả.

Sao dễ thế nhỉ? Vì người mua mua đắt. Thí dụ với đồng đô la Úc. Ngày 31-12-2010 giá bán đô la Úc của Vietcombank TPHCM niêm yết ở mức 21.264 đồng, trong khi trên thị trường hối đoái thế giới một đô la Úc bằng khoảng 1,02 đô la Mỹ. Nếu tính qua tỷ giá đô la Úc/đồng thì tỷ giá đô la Mỹ/đồng phải là 20.847 đồng/đô la Mỹ. So với giá niêm yết cùng ngày cũng của Vietcombank thì một đô la Mỹ mua dạng này đắt hơn tới 1.347 đồng, tương đương 6,9%. Hèn gì cứ có người hỏi mua là ngân hàng đáp ứng liền.

Ngân hàng nghe vậy “phản pháo”: “Giá mua vào của chúng tôi cũng cao lắm, chỉ thấp hơn mức giá bán ra chút đỉnh, gọi là có lợi nhuận. Không tin khách hàng cứ mang các ngoại tệ khác vào bán xem, chúng tôi mua ngay”. Bằng chứng là một đô la Úc ngày cuối năm 2010 được Vietcombank mua vào ở mức 20.880 đồng và một đô la Mỹ tính qua tỷ giá đô la Úc/đồng là 20.470 đồng, cao hơn gần 1.000 đồng so với giá mua đô la Mỹ. Hóa ra ngân hàng cũng mua đắt!

Sự vô lý này của các loại tỷ giá, cả xã hội nhìn thấy và nhìn vào mối quan hệ của các đồng tiền thì rõ ràng tiền đồng Việt Nam đang lên giá so với đô la Mỹ. Hiện giá trị một đô la Mỹ và một đô la Canada tương đương nhau ở mọi quốc gia, nhưng riêng ở Việt Nam thì không. Với một đô la Mỹ bán cho ngân hàng, bạn nhận được 19.500 đồng, trong khi bạn bán một đô la Canada Vietcombank trả cho bạn 20.515 đồng. Thành ra ở Việt Nam, cứ căn cứ vào tỷ giá chính thức để giao dịch, đô la Mỹ đúng là “lép vế”!

…Đến tiện ích tỷ giá của thẻ

Tuy nhiên, cái sự “lép vế” của đô la Mỹ so với tiền đồng lại gây ra nhiều phiền phức. Bây giờ đi nước ngoài ít người mang tiền mặt, phần vì đề phòng mất mát, phần vì không tiện lợi. Họ thường làm thẻ tín dụng cho chắc ăn.

Thông thường, người ta mở một tài khoản thẻ ở ngân hàng. Số tiền có trong tài khoản thẻ đảm bảo cho hạn mức tín dụng của thẻ. Giả sử bạn nộp vào tài khoản 220 triệu đồng, hạn mức sử dụng thẻ của bạn lên tới 10.000 đô la Mỹ quy đổi. Khi ở nước ngoài bạn có thể tiêu xài thẻ trong hạn mức đó.

Ở Việt Nam ngân hàng căn cứ theo tỷ giá tiền đồng và đồng tiền nơi quốc gia bạn xài mà tính ra số tiền chủ thẻ phải trả. Tỷ giá quy đổi biến động hàng ngày, thậm chí sáng khác, chiều khác, nên nếu tiền đồng lên giá so với ngoại tệ bạn sử dụng, bạn có lợi và ngược lại. Một người Việt đi du lịch nhiều rút ra kinh nghiệm thế này: trước khi mua sắm, bà nhìn tỷ giá của đồng tiền nước sở tại so với đô la Mỹ rồi mới quyết định mua nhiều ít. Cái thẻ bây giờ, do đó, chở trên mình nó cả tiện ích tỷ giá.

Trong trường hợp chủ thẻ sang Mỹ, giao dịch qua thẻ bằng đồng đô la Mỹ , mọi sự không đơn giản như khi chủ thẻ ở những nước khác. Lý do là tỷ giá cố định 19.500 đồng/đô la Mỹ kia không “hoạt động”. Trên giấy tờ, ngân hàng vẫn tính theo tỷ giá đô la Mỹ – tiền đồng niêm yết chính thức, nhưng cộng thêm các loại phí khác nhau.

Sự không minh bạch và công khai chính là ở các loại phí này vì nó biến tướng dưới các hình thức khác nhau, nó gây cho chủ thẻ sự ấm ức, không thông suốt. Niêm yết công khai tỷ giá thật đô la Mỹ – tiền đồng như niêm yết tỷ giá tiền đồng và các ngoại tệ khác có phải đơn giản hơn không? Và công khai như thế thì chẳng ai so bì, tỵ nạnh. Ngoài chất lượng dịch vụ, khách hàng sẽ nhìn vào tỷ giá công khai mà quyết định mở thẻ. Tỷ giá của ngân hàng nào càng cạnh tranh, càng dễ thu hút người ta làm thẻ.

Khi đời sống khấm khá hơn, người ta đi du lịch nước ngoài thường xuyên hơn và đây là nguyên do giải thích vì sao số lượng thẻ quốc tế phát hành và doanh số thanh toán bằng các loại thẻ quốc tế của ngân hàng đang gia tăng mạnh mẽ. Ở các nước phát triển, nơi thanh toán tiền mặt không còn được ưa chuộng, chiếc thẻ còn là văn hóa tiêu dùng. Nếu bạn mua sắm những món đồ có giá trị hàng ngàn đô la Mỹ trở lên mà trả bằng tiền mặt, thì người bán hàng đôi khi tỏ thái độ e dè.

“Giải phóng” tỷ giá khỏi những cái “ách” vô lý đang có sẽ là đòn bẩy cho công nghiệp dịch vụ thẻ phát triển, đưa chiếc thẻ trở thành một trong những mục tiêu cạnh tranh về nâng cao chất lượng phục vụ của ngân hàng. Trong số các ước vọng của người tiêu dùng và giới kinh doanh trong năm mới 2011, xóa bỏ cơ chế hai tỷ giá được đặt ở vị trí hàng đầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới