Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sửa đổi ba luật liên quan đến kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sửa đổi ba luật liên quan đến kinh tế

(TBKTSG Online) – Kỳ họp thứ ba (Quốc hội khoá XII) khai mạc ngày 6-5 tới sẽ xem xét, thông qua 13 dự luật, trong đó sửa đổi ba luật quan trọng liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và bổ sung phần liên quan đến lãi suất huy động và cho vay vốn của tổ chức tín dụng vào Bộ luật Dân sự.

Tất cả những nội dung sửa đổi nhằm mục đích thích ứng với tình hình kinh tế mới, giúp các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có hành lang pháp lý rõ ràng và thuận tiện hơn.

Theo thông báo của Văn phòng Quốc hội, kỳ họp thứ ba bắt đầu từ ngày 6-5 và dự kiến sẽ làm việc trong khoảng một tháng. Thời gian này để các đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế vĩ mô, đồng thời dành khoảng 2/3 thời gian cho việc xây dựng văn bản pháp luật (xem xét, thông qua 13 dự luật và cho ý kiến về bảy dự luật khác).

Trong số các dự luật sẽ được thông qua trong kỳ họp này, có ba dự luật sẽ có những sửa đổi quan trọng liên quan đến kinh tế. Đó là Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và phần liên quan đến lãi suất huy động, cho vay vốn của tổ chức tín dụng trong Bộ luật Dân sự.

Về thuế GTGT, dự án luật sửa đổi sẽ thu hẹp đối tượng chịu thuế từ 28 xuống còn 25 nhóm hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó, ba nhóm hàng hóa khác, dịch vụ khác từ đối tượng không chịu thuế sẽ được bổ sung vào danh mục chịu thuế gồm: thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho doanh nghiệp; vận tải quốc tế, hàng hóa, dịch vụ cung cấp trực tiếp cho vận tải quốc tế; hoạt động văn hóa, triển lãm và thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim và các điều tra, thăm dò địa chất, đo đạc, lập bản đồ thuộc loại điều tra cơ bản nhà nước. Luật bổ sung cũng sẽ không đưa “chuyển nhượng vốn các dịch vụ tài chính phái sinh” vào diện chịu thuế GTGT.

Thuế suất cũng được điều chỉnh trong luật cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế sang chịu thuế với mức thuế suất 5% hoặc 10%, nâng thuế suất một số nhóm hàng từ 5% lên 10%. Đồng thời, để đơn giản và dễ áp dụng, dự luật không liệt kê các nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế suất 10% mà sử dụng phương pháp loại trừ. Theo đó, các loại hàng hóa áp dụng mức thuế 10% là các loại không thuộc diện chịu thuế suất 0% hay 5% nữa.

Bên cạnh đó, luật sẽ bổ sung quy định về thuế đầu vào cho tài sản cố định dùng đồng thời cho sản xuất và kinh doanh hàng hóa chịu thuế GTGT và nếu không chịu thuế GTGT thì được khấu trừ toàn bộ. Đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ mua vào đuợc khấu trừ thuế đầu vào thì phải thanh toán qua ngân hàng,..

Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi sẽ quy định đối tượng nộp loại thuế này chỉ bao gồm tổ chức. Còn các thành phần kinh tế như cá nhân, hộ kinh doanh sẽ chuyển sang nộp thuế theo Luật Thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1-1-2009. Luật sửa đổi cũng sẽ giảm mức thuế suất chung từ 28% xuống còn 25% để tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp tăng tích lũy và đầu tư nguồn lực. Các doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động tại địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hoặc các lĩnh vực mũi nhọn, công nghệ cao sẽ được hưởng ưu đãi thuế cao nhất (thuế suất 10% trong 15 năm và miễn thuế tối đa trong 4 năm, giảm 50% số thuế tối đa trong 9 năm tiếp theo)…

Phần sửa đổi quan trọng nhất trong dự thảo Bộ luật Dân sự liên quan đến mức lãi suất trần, nâng mức khống chế lãi suất trần không vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay (so với mức 150% hiện hành). Lãi suất nợ quá hạn được sửa bằng 150% lãi suất tại hợp đồng vay.

Ngoài ra, tại kỳ họp lần này, Quốc hội cũng xem xét điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống còn 7% như đề xuất của Chính phủ (thay cho 8,5% đến 9% như trước). Trong đó, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 3%, ngành công nghiệp và xây dựng khoảng 8,1% và ngành dịch vụ 8% để ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát.

Cũng theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, dự kiến vấn đề lạm phát sẽ chiếm nhiều thời gian chất vấn của các đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới