Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Sửa đổi luật cần tạo cú huých để thị trường bảo hiểm phát triển’

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chính phủ đã trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại phiên họp của ủy ban diễn ra vào ngày 13-9. Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh việc sửa đổi luật cần tạo cú huých để thị trường bảo hiểm phát triển chứ không chỉ đơn thuần là sửa vài chỗ vướng mắc.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13-9. Ảnh: Quốc hội

Vì sao cần sửa đổi

Trình bày về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập, không còn thống nhất, đồng bộ.

Cụ thể với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ…

Bên cạnh đó, một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như quy định về phòng, chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro…

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 Chương, 156 Điều (sửa đổi 81 Điều, bổ sung 58 Điều, bãi bỏ 33 Điều và giữ nguyên 17 Điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành). Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia; phân chia các loại hình bảo hiểm thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Dự kiến, sau khi được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022), luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2023.

Cần rà soát, đánh giá kỹ để tránh chồng chéo

Tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc cần sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, đồng thời cho rằng nội dung của dự thảo luật cần được rà soát, đánh giá kỹ để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật trên, ông  Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng thời gian có hiệu lực như quy định của dự thảo luật là quá chậm, các luật khác thường chỉ sau khoảng 6 tháng kể từ thời điểm Quốc hội thông qua, trừ các dự án luật có tính phức tạp. Ông Thanh cũng cho rằng cơ quan soạn thảo luật cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn. Nhưng cũng không quy định quá chi tiết, cụ thể những nội dung có thể có biến động, ảnh hưởng đến tính ổn định của luật.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng việc bổ sung nội dung “Trong trường hợp có quy định khác nhau giữa quy định của luật này với luật khác cùng nội dung thì thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm” là quá rộng, chồng chéo với Luật Ban hành văn bản quy phạm luật. Do đó các quy định, áp dụng ưu tiên phải được xây dựng rất cụ thể. Đồng thời, việc áp dụng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm cần thiết nhưng phải bảo đảm quyền bí mật riêng tư, thông tin cá nhân được Hiến pháp bảo vệ.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng tài liệu hợp đồng bảo hiểm hiện nay đang rất nhiều. Do đó nên có quy định nội dung tài liệu bắt buộc, là những tài liệu phải có, quan trọng, có tính chất giao kết, khẳng định rõ các vấn đề liên quan đến các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm.

Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội, nhận định thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển nhanh nhưng thấp so với tiềm năng và mặt bằng thế giới. Do đó sau khi ban hành luật sửa đổi này có tạo ra cú húych để thị trường phát triển không là điều rất quan trọng chứ không phải chỉ sửa một vài chỗ vướng mắc. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần chú trọng ý kiến của cơ quan liên quan, tổng kết thực tiễn và áp dụng các khuyến nghị quốc tế. Đồng thời cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh của dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc việc sáu chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm còn mang tính khẩu hiệu, ban hành luật xong thì vẫn nằm trên luật, chưa đi vào thực tiễn. Ông cũng yêu cầu rà soát kỹ hợp đồng dân sự bởi ông cho rằng hợp đồng bảo hiểm nặng về bảo vệ lợi ích, rủi ro cho doanh nghiệp, còn người mua, người thụ hưởng bảo hiểm chưa được chú trọng đúng mức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo luật lưu ý các điều khoản của luật cần bảo đảm rõ ràng, cụ thể. Trường hợp vừa áp dụng luật này vừa áp dụng luật khác cần quy định cụ thể để dễ dẫn chiếu với các luật khác. Đồng thời cần tiếp tục rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của luật này với các luật khác theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 3. Theo đó, nội dung tại phiên họp gồm 5 nhóm vấn đề chính. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu vào 6/7 dự án luật trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật Cảnh sát cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.Bên cạnh đó tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về nhiều báo cáo quan trọng như: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội; Báo cáo công tác năm 2021 và kế hoạch kiểm toán năm 2022; Báo cáo công tác năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021…Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa; xem xét, quyết định việc thành lập thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; cho ý kiến về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 8/2021).Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;  cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới