Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sửa luật để hạn chế tranh chấp lao động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sửa luật để hạn chế tranh chấp lao động

Hội thảo “xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa người lao động và người sử dụng lao động” – Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong Bộ luật lao động và Luật công đoàn nhằm hạn chế tình trạng tranh chấp lao động đang diễn ra ngày càng nhiều.

Đó là phát biểu của ông Lê Xuân Thành, Vụ phó Vụ Lao động tiền lương của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tại hội thảo “Xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa người lao động và người sử dụng lao động” do bộ và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức ngày 19-3.

Ông Lê Xuân Thành cho rằng pháp luật về lao động Việt Nam còn nhiều bất cập khiến nhiều cuộc đình công xảy ra không đúng tình tự pháp luật. Cụ thể, cuộc đình công không do công đoàn cơ sở lãnh đạo và hầu hết đều xuất phát từ việc người lao động yêu cầu người sử dụng lao động bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Phần lớn các cuộc đình công đều xuất phát từ tranh chấp về lợi ích nên việc giải quyết phức tạp, thời gian diễn ra đình công kéo dài, có nhiều cuộc được giải quyết sau từ 3 đến 5 ngày, đặc biệt như tại Công ty Huê Phong ở TPHCM, đình công kéo dài đến 25 ngày.

Các cuộc đình công ngày càng diễn ra nhiều, chủ yếu do doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động và các cam kết đã thỏa thuận với người lao động như về thời gian làm việc, lương, bảo hiểm xã hội, sa thải lao động vô cớ, điều kiện làm việc không bảo đảm.

Nhiều doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn, chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân, vì thế cũng không có cơ chế đối thoại thường xuyên giữa người sử dụng lao động và lao động. Trong 302 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại TPHCM thì có đến 61,6% doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn, và tỷ lệ này với doanh nghiệp Đài Loan là 70%.

Ở các công ty có tổ chức công đoàn, theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì có đến 95% cán bộ công đoàn kiêm nhiệm, phụ thuộc nhiều vào chủ doanh nghiệp nên chưa có tiếng nói đại diện cho người lao động.

Bên cạnh đó, Luật công đoàn cũng đặt ra những nhiệm vụ vượt quá khả năng của công đoàn cấp cơ sở trong khi trình độ cán bộ công đoàn còn yếu, chưa có quy định cụ thể về cơ chế tài chính cũng như hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ công đoàn một khi tranh chấp lao động xảy ra.

Năm 2007, số cuộc đình công tăng 41% so với năm 2006; năm 2008 lại tăng thêm 30,6% so với năm 2007. Các cuộc đình công này xảy ra chủ yếu trong ngành dệt may, chiếm hơn 38%. Trong tình hình suy thoái kinh tế như hiện nay thì việc đình công có thể sẽ diễn ra nhiều hơn, ông Thành dự báo.

THANH THƯƠNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới