Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sửa luật để thay đổi cách Nhà nước bồi thường cho dân?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sửa luật để thay đổi cách Nhà nước bồi thường cho dân?

Quang Chung

Sửa luật để thay đổi cách Nhà nước bồi thường cho dân?
Vì pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước chưa đề cao quyền con người, quyền công dân nên dù ông Huỳnh Văn Nén (phải – Bình Thuận) đã được minh oan sau gần 20 năm ngồi tù oan nhưng thủ tục bồi thường cho ông rất chậm chạp – Ảnh: tuoitre.vn

(TBKTSG Online) – Các quy định của Luật bồi thường nhà nước đã không còn phù hợp trước xu thế đề cao quyền con người, quyền công dân của bốn bộ luật “trụ cột” – Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự – vừa được Quốc hội thông qua.

Sáu năm nhìn lại…

Tuần rồi, Bộ Tư pháp đã tổng kết sáu năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước. Theo Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, dù luật đã tạo ra cơ chế cho người dân, doanh nghiệp – bị thiệt hại do hành vi sai trái của công chức gây ra – thực hiện quyền yêu cầu nhà nước bồi thường, nhưng quá trình thực hiện có khó khăn, bất cập.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy, sau sáu năm thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường chỉ thụ lý, giải quyết được 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, có 204 vụ việc đã có Quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực với số tiền bồi thường hơn 111 tỉ đồng, nhưng mới chi trả được gần 49 tỉ đồng cho 142 vụ việc.

Riêng trong lĩnh vực tòa án (bồi thường oan, sai), bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án Tòa án tối cao, cho biết đã thụ lý 27 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án, và đã giải quyết được 17 trường hợp thông qua thương lượng và bồi thường hơn 10,7 tỉ đồng; hai trường hợp đang trong quá trình thương lượng, giải quyết; đình chỉ giải quyết 8 trường hợp…

Theo bà Hiền, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước hiện nay có nhiều bất cập nên công tác bồi thường gặp khó khăn. Vấn đề mấu chốt trong việc yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại là căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường được luật quy định rất phức tạp và khó khăn cho người bị thiệt hại.

Cụ thể, điều 6 về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường quy định phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật; có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại; có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường; có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại.

Như vậy, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bắt buộc phải có hai điều kiện là có văn bản của cơ quan Nhà nước, trong đó xác định rõ hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc bản án, quyết định trong tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại được bồi thường, và điều kiện thứ hai là phải có thiệt hại thực tế xảy ra.

Theo Bộ Tư pháp, đây là một quy định rất khó khăn trong thực tế thi hành luật, đặc biệt đối với người bị thiệt hại, bởi trong mối quan hệ bồi thường này là quan hệ bất bình đẳng giữa một bên là Nhà nước và một bên là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Để có văn bản xác định hành vi sai trái của người thi hành công vụ là cả một vấn đề, thậm chí các cơ quan còn né tránh không ra văn bản hoặc có ban hành văn bản thì mang nội dung chung chung mà không ghi nhận sự sai trái đó.

Điều 9 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rằng người bị thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh về thiệt hại thực tế đã xảy ra. Việc chứng minh có thiệt hại thực tế xảy ra cũng là một vấn đề khó khăn, bởi người bị thiệt hại là cá nhân, tổ chức nhưng không có công cụ gì trong tay mà chứng minh là có thiệt hại thực tế xảy ra.

Chưa hết, ngay điều 1 của luật quy định đối tượng được bồi thường là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; nhưng lại không quy định rõ đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài thì được điều chỉnh ra sao và việc bồi thường thực hiện như thế nào cũng gây khó khăn cho công tác giải quyết bồi thường.

Hay về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, luật quy định rõ phạm vi thuộc trách nhiệm bồi thường, nhưng thực tiễn còn nhiều trường hợp khác đặt ra không được bồi thường mặc dù cũng bị thiệt hại, như: việc giữa cơ quan Nhà nước ký hợp đồng với cá nhân, tổ chức mà gây thiệt hại; những trường hợp các công trình xây dựng hoặc biến cố khác của cơ quan Nhà nước mà gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức (các công trình đang xây dựng do sập bê tông vào người đi đường, chết đuối do rơi vào hố đang thi công chẳng hạn…).

Ngoài ra, luật hiện hành chưa bao quát được các thiệt hại thực tế phát sinh do hành vi của người thi hành công vụ gây ra. Như vụ thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho dân vẫn chưa rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, địa phương thế nào, thiệt hại về tinh thần do ngồi tù oan tính toán ra sao…

Thay đổi cách bồi thường

Ông Nguyễn Văn Bốn, Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, cho biết Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước đã trở nên lạc lõng trước xu thế đề cao quyền con người, quyền công dân của bốn bộ luật “trụ cột” – Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự – vừa được Quốc hội thông qua.

Vì vậy, bà Nguyễn Thúy Hiền cho rằng cần phải sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước ngay trong năm 2016 theo hướng đề cao quyền công dân, quyền con người. Tại buổi tổng kết sáu năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, cho biết sẽ trình dự luật sửa đổi tháng 10-2016 tới…

Bàn về giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế của luật này, Bộ Tư pháp cho rằng Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước cần có quy định rõ hơn, đồng thời hoàn thiện trong việc hợp tác quốc tế đối với hoạt động trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Ngoài phạm vi trong ba lĩnh vực là quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án thì cần mở rộng hơn, đặc biệt là những trường hợp thực tiễn xảy ra nhiều, hoặc trường hợp cơ quan Nhà nước ký hợp đồng mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân hoặc ban hành văn bản pháp luật sai trái gây thiệt hại…

Nhưng điều quan trọng là cần phải sửa căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường. Luật hiện hành “yêu cầu” phải có đủ hai điều kiện là văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và chứng minh có thiệt hại thực tế xảy ra là rất khó. Do đó, cần sửa theo hướng có thể dùng các văn bản hoặc tài liệu, chứng cứ khác để so sánh, chứng minh việc sai trái của người thi hành công vụ trong cơ quan có thẩm quyền gây thiệt hại mà không nhất thiết phải chờ văn bản nhận sai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đó.

Bà Hiền còn cho rằng luật mới phải bao quát được các thiệt hại phát sinh, kể cả chi phí phát sinh trong quá trình khiếu nại, tố cáo, thiệt hại về tiền lãi, tài sản hình thành trong tương lai. Đối với nghĩa vụ chứng minh khi có thiệt hại xảy ra, theo bà, phải chuyển trách nhiệm chứng minh sang cho nhà nước. Người bị thiệt hại chỉ cần nêu là có thiệt hại, còn nhà nước phải có trách nhiệm chứng minh để giảm bớt gánh nặng chứng minh cho người dân.

“Cần nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan giải quyết bồi thường tập trung, việc giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước tập trung về một cơ quan chuyên trách, cơ quan đó sẽ đại diện cho nhà nước để tham gia tố tụng”, bà Hiền đề xuất.

Theo bà, đây là mô hình giải quyết trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Theo đó, cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không trực tiếp giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại; khi phát sinh quyền yêu cầu bồi thường nhà nước, người bị thiệt hại có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan chuyên trách giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trường hợp hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định của cơ quan chuyên trách giải quyết bồi thường thì có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định chung của pháp luật tố tụng dân sự.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới