Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sức mạnh của thông tin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sức mạnh của thông tin

(TBKTSG) – Trong tuần qua, những thông tin mà các quan chức nhà nước chủ động đưa ra đã góp phần làm bình ổn tâm lý thị trường. Cho dù chưa có đủ dữ liệu để đánh giá sự bình ổn về mặt tâm lý này có tính bền vững hay không, sự chủ động cung cấp thông tin cho thấy một khi thông tin chính thức được phổ biến, các dạng tin đồn, phỏng đoán sẽ phải nhường bước.

Thị trường ghi nhận vào cuối tuần trước giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã giảm so với mấy ngày trước đó sau khi hàng loạt con số được công bố như dự trữ ngoại tệ ở mức 20,7 tỉ đô la, FDI sau sáu tháng đầu năm đạt mức kỷ lục 31,6 tỉ đô la (số giải ngân là gần 5 tỉ đô la, theo Cục Đầu tư nước ngoài), giá tiêu dùng tháng 6-2008 ước tăng 2,2%, nhập siêu tháng 6-2008 chỉ còn 1,3 tỉ đô la (so với mức 14,4 tỉ đô la trong năm tháng đầu năm)…

Cũng trong tuần trước, thông tin của các hãng tin nước ngoài về việc Việt Nam ký hợp đồng bán cho Philippines 600.000 tấn gạo với giá 940 đô la/tấn đã không làm biến động giá gạo trên thị trường trong nước là vì có sự phối hợp thông tin.

Ngày 19-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu gạo để tiêu thụ hết lúa hàng hóa của nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định tổng sản lượng lúa năm nay dự kiến đạt khoảng 37 triệu tấn, tăng khoảng hơn 1 triệu tấn so với năm 2007 và cho biết cả năm 2008 chúng ta có thể xuất khẩu tổng cộng khoảng trên 4,5 triệu tấn gạo trong khi từ đầu năm đến nay chỉ mới xuất hơn 2,2 triệu tấn gạo.

Ngay sau đó, ngày 20-6, Thủ tướng cũng đã quyết định giao Bộ Tài chính trích 440 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2008 để mua 70.000 tấn lương thực tăng dự trữ quốc gia.

Sau buổi trao đổi trực tuyến giữa lãnh đạo các bộ và các nhà đầu tư vào cuối tuần trước, Ngân hàng Credit Suisse, nơi phối hợp tổ chức diễn đàn này đã nhận xét: “Vào thời điểm này có lẽ cũng cần thận trọng với thị trường Việt Nam. Nhưng nếu Chính phủ tiếp tục sự minh bạch về chính sách và số liệu cho thấy nền kinh tế ổn định trong hai quý tới, khi đó mức khác biệt giữa độ tin cậy của Chính phủ và sự đồn đoán về lạm phát hay cán cân thanh toán có thể được giải quyết”.

Rõ ràng trong tình hình này, sự minh bạch về thông tin càng cần thiết hơn bao giờ hết để ổn định tâm lý của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, tạo điều kiện để các giải pháp đã đề ra phát huy tác dụng. Dĩ nhiên chỉ riêng thông tin sẽ không có ý nghĩa nếu chính sách đi kèm thiếu sự nhất quán và không đi đúng theo hướng thông tin đã gởi đến các nhà đầu tư.

Đối tượng chờ đợi thông tin chính thức cũng không chỉ có nhà đầu tư mà còn là người dân bình thường, từ người công nhân đang lo lắng thấy đồng lương teo tóp vì lạm phát đến người nông dân chờ đợi chính sách rõ ràng cho đầu ra sản phẩm của họ như lúa gạo hay thủy sản…

Vì thế, phương thức đưa thông tin đến người dân cũng cần được cân nhắc thấu đáo sao cho mọi người đều hiểu định hướng chính sách trong ngắn hạn và dài hạn để tạo ra sự đồng thuận cần thiết nhằm đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới