Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sức mạnh nhà nước và sức mạnh vô hình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sức mạnh nhà nước và sức mạnh vô hình

Hội nhập sâu rộng với thế giới, Việt Nam không thể tránh được cơn bão giá toàn cầu mà chỉ có thể tiếp cận cách làm của các cường quốc để vượt qua nó – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Lạm phát lương thực thực phẩm đang là đề tài nóng bỏng trên toàn thế giới. Ở nước ta, bốn tháng đầu năm nay, giá lương thực đã tăng tới 25,12%, thực phẩm tăng 33,63%.

Cùng thời gian, theo Chương trình Lương thực Liên hiệp quốc (WFP), giá lương thực thế giới cuối tháng 3 đã tăng tới 70% so với cùng kỳ năm trước; trong đó giá bột mì tăng 88%, bắp tăng 65%, gạo 63%, đậu tương tăng 71%. Chỉ số trên tại Đức đối với bột mì là 34%, sữa 31%, pho mát 26% và mì sợi là 26%.

Nhiều chuyên gia, tổ chức cho rằng, trước năm 2005, công nghiệp hóa nông nghiệp đã giúp giữ giá lương thực thực phẩm rẻ tới 30 năm, nhưng bây giờ mức giá đó buộc phải thay đổi theo mặt bằng mới, bảo đảm tỷ lệ hợp lý đối với các mặt hàng giá luôn tăng khác. Có thể nhận thấy điều đó qua kim ngạch xuất khẩu gạo trong một năm của hàng chục triệu nông dân Việt Nam không bằng giá của dăm chiếc Boeing hay Airbus.

Điều đó cũng giải thích phần nào cho cuộc biểu tình của nông dân nuôi bò sữa ở Đức đòi tăng giá sữa vào đầu tháng này và lan sang các nước Áo, Bỉ, Hà Lan, Pháp. Tuy thu nhập năm 2007 của một nông dân Đức đã tăng 12%, lên 25.300 euro/năm, mức cao kỷ lục trong 10 năm nay, nhưng yêu sách của họ cũng đã được thỏa mãn. Các tập đoàn bán lẻ của Đức buộc phải nâng giá mua sữa thêm 10 cent/lít, pho mát 20 cent/250 gam, dẫn đến giá bán lẻ tiếp tục tăng.

Giá lương thực thực phẩm tăng còn được lý giải do yếu tố cung cầu. Lấy ví dụ người Trung Quốc, cách đây 20 năm chỉ tiêu dùng hết 20 ki lô gam thịt/người/năm thì nay lên tới 50 ki lô gam. Để sản xuất 1 ki lô gam thịt đó, đối với heo cần 3 ki lô gam lương thực, còn bò tới 8 ki lô gam, khiến nhu cầu lương thực tăng lên gấp cùng số lần tương tự.

Yếu tố tác động tiếp theo nằm ở chương trình sản xuất nhiên liệu sinh học của Mỹ, tiêu tốn tới hai phần ba sản lượng bắp của nước này suốt từ năm 2005 đến nay. Năm 2008 con số đó được dự báo có thể lên tới 138 triệu tấn và trong 15 năm tới, sản lượng bắp phải đáp ứng được một nửa nhu cầu nhiên liệu của nước Mỹ.

Theo tính toán của Viện International Food Policy Research, 70% mức tăng giá lương thực hiện nay bắt nguồn từ nguyên nhân nói trên. Ngoài ra, góp phần đẩy giá lương thực thực phẩm lên còn do dân số thế giới tăng nhanh, mỗi năm tới 80 triệu người, và thiên tai dịch bệnh gây mất mùa ở nhiều nước.

Trong khi đó, một số trường phái khác lại cho rằng, lạm phát giá lương thực thực phẩm không phải do tình trạng khan hiếm. Bằng chứng được Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) đưa ra là sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2007 tăng tới 5% so với năm trước đó và, cho dù thiên tai xảy ra ở nhiều nơi, năm 2008 con số trên có thể sẽ còn tăng nữa. Trong khi đó, dân số thế giới chỉ tăng 1,2% mỗi năm.

Theo trường phái này, nguyên nhân chính khiến giá tăng cao là do giới đầu tư chứng khoán chuyển hướng nhắm vào lĩnh vực sản xuất lương thực thực phẩm. Năm 2007, ở Mỹ 84% lúa mì và 59% sản phẩm đậu tương nằm trong tay các quỹ đầu tư chứng khoán. Giá chứng khoán của các hãng sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc nông nghiệp chỉ bùng nổ sau khi thị trường bong bóng nhà đất ở Mỹ bị vỡ.

Theo tạp chí “Money Week”, năm 1998 Mỹ chỉ có 10 tỉ đô la đổ vào chứng khoán thuộc lĩnh vực lương thực – thực phẩm, nhưng năm 2007 con số đó tăng gấp hơn chục lần, đạt 142 tỉ đô la. Lương thực thực phẩm trở thành đối tượng để các tập đoàn tài chính đầu tư, giống như dầu thô và vàng, gây nên cơn bão giá hiện nay.

Ông Jacques Diouf, Tổng giám đốc FAO, cảnh báo giá lương thực thực phẩm tăng có thể dẫn đến bất ổn toàn cầu và thực tế đã xảy ra tại không ít quốc gia. Cách phản ứng của Ngân hàng Thế giới là tuyên bố chi 1,2 tỉ đô la để đối phó khẩn cấp. Trong số đó có 200 triệu đô la trợ giúp ngay cho những nước đặc biệt nghèo như Liberia, Haiti, Djibouti, Togo, Yemen, Tagikistan. Số tiền này được dùng để mua giống, phân bón và làm thủy lợi… Từ năm tới, ngân khoản viện trợ cho nông nghiệp toàn cầu sẽ được tăng gấp đôi, lên  6 tỉ đô la mỗi năm.

Ở Việt Nam, bên cạnh các biện pháp tài chính, tiền tệ, ngoại hối, xuất nhập khẩu… nhằm  đối phó với nạn lạm phát, có hai biện pháp can thiệp trực tiếp vào kinh doanh đáng chú ý: chống đầu cơ, và giữ giá các mặt hàng quan trọng như điện, chất đốt, xi măng, thép… Đó là những biện pháp vốn quen dùng trong mô hình kinh tế tập trung.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, nơi mọi hoạt động kinh doanh (dù của tư nhân hay Nhà nước) đều do quy luật theo đuổi lợi nhuận tối đa chi phối, thì hai biện pháp trên cũng không thể vượt ra khỏi sức mạnh vô hình đó. Bởi các mặt hàng chỉ có khả năng giữ giá, một khi những mặt hàng quan trọng liên quan đến chúng được Nhà nước giữ giá không thời hạn, còn ngắn hạn chỉ gây ra sự chuyển dịch lợi nhuận từ mặt hàng cưỡng giá sang siêu lợi nhuận cho những mặt hàng khác thả giá, do sức mạnh vô hạn của quy luật lợi nhuận tối đa tác động.

Nhưng Nhà nước lại không thể giữ giá vô hạn cho bất cứ một mặt hàng nào, vượt quá ngân sách bù lỗ cho phép. Sức mạnh Nhà nước can thiệp vào kinh doanh (nếu được phép) vì vậy có giới hạn. Các cường quốc kinh tế cũng chỉ dám đề cập đến kiểm soát giá, hiểu theo nghĩa không cho phép giá siêu lợi nhuận chứ không thể thay doanh nghiệp ấn định giá; hoặc họ bù giá, trợ giá trong khả năng ngân sách, để bảo đảm an toàn xã hội.

Một khi đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì nước ta không hy vọng tránh được các cơn bão toàn cầu, chỉ có thể vượt qua nó nếu tiếp cận được cách làm của các cường quốc, bằng không sẽ bị đẩy vào sát tâm bão nhất.

Giải pháp khẩn cấp của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ đầu tư mua giống, phân bón, làm thủy lợi… hay luật kiểm soát giá chống siêu lợi nhuận ở các nước phát triển, nâng các quỹ trợ cấp xã hội, nâng lương tối thiểu theo giá, tạo lập hành lang pháp lý kinh tế thị trường cùng chính sách nhất quán giữa tuyên bố và thực thi để xây dựng niềm tin trong dân chúng là những cách làm tốt để đối phó với cơn bão giá hiện nay!

TS. NGUYỄN SỸ PHƯƠNG (Đức)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới