Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sức mua giảm, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Quốc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Đến tháng 6, đơn hàng mới vẫn ở tình trạng dồi dào, doanh nghiệp các ngành dệt may, da giày và đồ gỗ còn lo không đủ nhân công để thực hiện. Sang tháng 8, tình hình quay ngoắt 180 độ khi các thị trường châu Âu và Mỹ – nơi nhập hàng lớn của Việt Nam – suy yếu.

Chỉ mới cách đây hai tuần, số doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành dệt may, da giày, đồ gỗ còn ung dung với chuyện đồng euro sụt giá so với đồng đô la Mỹ. Nhiều doanh nghiệp dệt may nói rằng đơn hàng có sụt giảm nhưng không chịu ảnh hưởng nhiều do vẫn giao dịch dựa trên đồng đô la Mỹ. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên ngành đồ gỗ còn vui mừng vì có cơ hội đưa hàng hóa của họ tiến sâu vào thị trường châu Âu. Nhưng thị trường thế giới hai tháng vừa qua không ngừng biến động theo chiều xấu đi, không còn thuận lợi cho nhà xuất khẩu.

Đồng loạt kêu “thiếu hụt đơn hàng”

Sự dồi dào đơn hàng trong quãng thời gian sau Tết Nguyên đán đến tháng 6 trong chớp mắt đã biến mất khi thị trường bước sang tháng 8. Cũng các doanh nghiệp đó trong ngành dệt may, da giày, đồ gỗ… kêu “thiếu hụt đơn hàng” và cho hay đang phải sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh để kịp thích ứng với diễn biến thị trường đảo chiều đột ngột.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, lo lắng việc đồng euro giảm giá so với đô la Mỹ đã làm người tiêu dùng châu Âu càng thắt chặt chi tiêu hơn, và nếu tình trạng này còn kéo dài thì nhu cầu nhập hàng yếu đi sẽ gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu quốc tế, trong đó có Việt Nam. Đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu của Việt Thắng Jeans giảm gần 20%. Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang thì lo ngại điều này sẽ khiến các nhà xuất khẩu hàng dệt may nước ngoài, để cố đưa hàng vào châu Âu, sẽ giảm giá để gia tăng sức cạnh tranh với nhau.

Các doanh nghiệp da giày, đồ gỗ… xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) cũng đứng ngồi không yên khi người tiêu dùng châu Âu ngày càng thắt chặt hầu bao. Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) nói rằng lạm phát tăng cao thì người dân có khuynh hướng chỉ mua những mặt hàng thiết yếu. Việc tiêu thụ các sản phẩm đồ gỗ sẽ chững lại, trong khi các nhà nhập khẩu có thể yêu cầu giảm giá sản phẩm.

Tương tự châu Âu, thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ cũng đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, người tiêu dùng có khuynh hướng giảm mua ở nhóm hàng hóa không thiết yếu như may mặc, giày dép, đồ gỗ nội thất…

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, dự báo May 10 trong sáu tháng cuối năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ lạm phát tăng cao, nền kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng chậm trong quí 3 và 4 dẫn đến nhu cầu mua sắm mặt hàng thời trang giảm. “Đơn hàng trong mới hai quí 3 và 4 có dấu hiệu chững lại, thậm chí chững lại trong thời gian khá dài từ 3-6 tháng, do tỷ lệ hàng tồn kho của thị trường Mỹ cao và nhà nhập khẩu sẽ không đặt tiếp đơn hàng cho các mùa tiếp theo”, ông Việt.

Không còn là dự báo, cảnh báo

Việc sụt giảm đơn hàng đã và đang xảy ra chứ không còn là dự báo hay cảnh báo. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho hay, sau nửa đầu năm tăng trưởng tốt, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sang tháng 7 chỉ đạt khoảng 1,41 tỉ đô la, giảm 5,5% so với tháng trước đó và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo kết quả cuộc khảo sát hai tuần vừa qua của Viforest với 52 doanh nghiệp làm đồ gỗ xuất khẩu, có 33 trong số 45 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi Mỹ thừa nhận mức doanh thu hiện tại giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp có mức doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên tỷ lệ tăng trưởng không cao (11%).

Tương tự ở thị trường EU, có tới 24 trong số 38 doanh nghiệp bán hàng vào khu vực này ghi nhận mức doanh thu hiện tại giảm hơn 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%. Ở Anh, 17 trong số 25 doanh nghiệp có nguồn thu giảm, ở mức hơn 41%. Đáng chú ý, khoảng 71% số doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp dự báo rằng nguồn thu sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

“Các con số này cho chúng ta thấy một bức tranh thị trường rất ảm đạm. Các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào”, ông Lập nói. Ông nói thêm rằng nhiều doanh nghiệp đang tiến hành các biện pháp khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường…

Tương tự ông Võ Quang Hà, Phó chủ tịch Hội Gỗ và Thủ công Mỹ nghệ Đồng Nai, cho biết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ tại địa phương cũng đang gặp tình trạng đơn hàng sụt giảm. Trong tháng 7, giá các sản phẩm gỗ xuất khẩu giảm 30%, hàng đưa ra thị trường nội địa cũng giảm. Doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm một nửa, thậm chí một vài doanh nghiệp đóng cửa.

Đối với ngành dệt may, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Phạm Xuân Trình, cũng xác nhận tập đoàn đã hoàn thành tốt mục tiêu đặt ra trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, từ tháng 7 trở đi, sức mua xuống thấp, đơn hàng giảm vì các khách hàng phải tập trung giải quyết hàng tồn kho. “Lạm phát xảy ra trên toàn cầu, chiến sự tại Nga – Ukraine, giá nguyên vật liệu tăng cao, nhu cầu hàng may mặc giảm khiến tình hình xuất khẩu nửa cuối năm của các doanh nghiệp gặp khó”, ông Trình nói.

Có cùng quan điểm, ông Phạm Văn Việt cho hay dự báo xấu cũng sẽ xảy ra ở thị trường Nhật Bản, mức nhập khẩu vào nước này sẽ giảm mạnh vào quí 1-2023. Trước tình hình nói trên, nhiều doanh nghiệp dệt may phải cắt giảm hoạt động sản xuất.

Báo cáo của SSI Research gần đây cũng dự báo doanh thu và biên lợi nhuận doanh nghiệp dệt may có thể bị ảnh hưởng xấu nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra trong sáu tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Mức tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất dệt may tại Việt Nam trong quãng thời gian này sẽ giảm do đơn hàng ít. Mặt khác, cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có hồi kết trong khi giá xăng dầu, chi phí vận tải biển liên tục tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp đội lên, giá các loại nguyên liệu đã tăng gần 30% so với trước là những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt.

Xoay chuyển để thích ứng

Trước bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp cho biết họ đang chia kế hoạch theo từng chu kỳ ngắn để có biện pháp thích ứng linh hoạt. Trước mắt, các doanh nghiệp tập trung giải pháp quản trị chi phí, quản trị năng suất, linh hoạt trong quá trình hoạt động, tổ chức sản xuất khi có đơn hàng gấp, giao hạn đúng hàng. Lúc không có đơn hàng, bố trí cho người lao động nghỉ bù.

“Chúng tôi luôn cân bằng cho các thị trường lớn, cố gắng tìm kiếm khách hàng mới, thay vì làm sản lượng lớn thì làm trình độ cao hơn, giá trị cao hơn, phân khúc cao hơn, mang tính thời trang hơn. Với mục tiêu này, chúng tôi có thể sắp xếp các đơn hàng tốt hơn”, ông Thân Đức Việt nói.

Ngoài ra, tình trạng kim ngạch xuất khẩu dệt may cao nhưng giá trị gia tăng thấp cũng là vấn đề nan giải của dệt may. Do đó, để cải thiện tình hình, ngành này cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, tham gia mạnh vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, nhất là tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), nêu nguyện vọng của các doanh nghiệp ngành gỗ mong ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới