Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sức mua yếu kìm giữ giá hàng hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sức mua yếu kìm giữ giá hàng hóa

Minh Tâm

Sức mua yếu kìm giữ giá hàng hóa
Người tiêu dùng vẫn chưa mở rộng hầu bao. Ảnh: Minh Tâm

(TBKTSG Online) – Xăng giảm được 3.200 đồng/lít kể từ tháng 4 tới nay nhưng điện lại vừa tăng 5% từ ngày 1-7 đã tạo ra những áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua thị trường đang rất yếu, giá hàng hóa được dự báo sẽ không có những đợt tăng ồ ạt như trước đây.

>> CPI giảm, lo ngại lớn về sức mua

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 3-7, ông Phạm Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, ở thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa rồi, sức mua tại hệ thống siêu thị Co.opmart có nhích lên so với cuối tháng 5, đầu tháng 6.

Tuy nhiên, phần tăng không đáng kể. Theo ông Nhân, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự nới lỏng chi tiêu, vẫn tập trung vào hàng thiết yếu và hàng khuyến mãi bởi bên cạnh tin xăng giảm giá lại có tin tăng giá điện, nước.

Với việc tăng giá điện ở thời điểm này, theo ông Nhân sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh sức mua đang yếu như hiện nay, sẽ không có nhiều doanh nghiệp dám tăng giá bán để bù đắp chi phí mà sẽ cố gắng tiếp tục gồng gánh.

“Theo quan điểm của cá nhân tôi, trong thời gian tới sẽ không xảy ra tình trạng tăng giá hàng hóa ồ ạt như đã từng xảy ra với các đợt tăng giá điện trước đây. Có chăng chỉ rơi vào các ông lớn có sản phẩm độc đáo, khó thay thế. Tăng giá lúc này không khác gì tự sát”, ông Nhân nói.

Tiếp tục gồng gánh cũng là quan điểm được đại diện nhiều doanh nghiệp khẳng định với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.

Ông Trịnh Chí Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Đồng Tiến cho biết, điện hiện chiếm 10 – 15% tổng chi phí sản xuất hiện nay. Việc tăng giá điện đã tác động trực tiếp lên doanh nghiệp nhưng cách giải quyết lúc này là cố gắng gồng mình giữ giá.

Ông Cường cho hay, doanh nghiệp sẽ tiếp tục siết chặt trong tất cả các hoạt động để làm sao tiết chế được chi phí, xem lại danh mục sản phẩm để loại bỏ những sản phẩm không hiệu quả, thiết kế cải tiến những sản phẩm tốt để tăng lợi thế cạnh tranh…

Ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến (thương hiệu Miti) khẳng định lúc này lo khuyến mãi để đẩy hàng chứ không có chuyện tăng giá. “Doanh nghiệp đang khó đủ thứ nên một biến động nhỏ thôi cũng làm doanh nghiệp thêm đuối sức. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp chỉ biết tự cứu mình, tự gồng gánh mà thôi”, ông Kiên nói thêm.

Theo đại diện các doanh nghiệp, cho đến thời điểm này vẫn chưa nhìn thấy sức mua khởi sắc. Do vậy, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có những chính sách vĩ mô ổn định, xuyên suốt để doanh nghiệp sản xuất mạnh dạn, yên tâm đầu tư và người tiêu dùng tin tưởng vào nền kinh tế, mở hầu bao chi tiêu trở lại.

Bên cạnh đó, cần có nhiều biện pháp kích cầu tiêu dùng, giải quyết bài toán đầu ra hiện đang vô cùng quan trọng với doanh nghiệp lúc này. “Doanh nghiệp gồng gánh riết thì đã quen rồi. Ai sống thì cũng đã sống, ai chết thì cũng đã chết. Điều quan trọng là có biện pháp giải quyết để làm sống lại cả nền kinh tế nói chung”, ông Cường nêu ý kiến.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới