Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sức tàn phá từ “cơn lốc” dịch bệnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sức tàn phá từ “cơn lốc” dịch bệnh

Vũ Dung

(TBKTSG) – Chỉ mới cuối năm trước, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc CNC Tech – một công ty công nghiệp phụ trợ – còn rất lạc quan khi đơn hàng đến với ông dồn dập không chỉ từ châu Á mà nhiều đối tác châu Âu và Mỹ. Vậy mà giờ đây, ông phải chạy vạy ngược xuôi, gửi công văn tới các ngân hàng mong muốn được giãn nợ gốc và lãi trước tác động từ dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới.

Sức tàn phá từ “cơn lốc” dịch bệnh
Covid-19 đang tấn công các lĩnh vực kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Khó khăn bủa vây CNC Tech đến từ cả phía cung và cầu. Nguồn cung đang bị gián đoạn từ Trung Quốc trong vài tháng nay, giờ đã bớt căng thẳng hơn do nước này phần nào kiểm soát được dịch bệnh, song nhà cung ứng chưa hoạt động được ổn định, thời gian giao hàng thường không chắc chắn. Trong khi đó, phía cầu cũng giảm do khách hàng của CNC Tech là các công ty công nghệ lớn như Samsung, Apple, mà vào thời điểm này không ai có nhu cầu mua sắm.

“Cầu giảm, cung gặp khó. Kết quả sản xuất kinh doanh của chúng tôi bị giảm sút nghiêm trọng”, ông Hùng nói. “Vừa qua, chúng tôi đã làm công văn gửi các ngân hàng có dư nợ với công ty nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ bất kỳ ngân hàng nào”.

Ngành thủy sản cũng trong tình trạng tương tự khi trong hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), chia sẻ: “Dịch diễn biến quá nhanh, chúng tôi không biết phải tính toán thế nào”.

Thị trường Trung Quốc vừa le lói tia sáng thì thị trường châu Âu và Mỹ lại bùng phát dịch bệnh; các nhà hàng, khách sạn, sự kiện lớn tại châu Âu đóng cửa khiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy, hải sản của Việt Nam cũng giảm sút nghiêm trọng. Hơn nữa, hiện nay, các doanh nghiệp cũng ngần ngại xuất khẩu vì không biết các đối tác có khả năng chi trả hay không; hoặc hàng, vì lý do nào đó, ách tắc ở cảng, không thể lấy ra được thì sẽ xử lý thế nào? “Đây là thử thách rất lớn”, ông Hòe nói.

Đối với ngành da giày, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tình hình cũng không khả quan hơn. Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), dịch Covid-19 đang “tấn công” ngành da giày trên ba phương diện. Hướng thứ nhất là tác động tới nguồn cung. Hiện nay, phần lớn nguồn nguyên liệu trong ngành này phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 45%.

Hướng thứ hai là tác động tới các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho da giày. Các doanh nghiệp này dù sản xuất nguyên phụ liệu, nhưng vẫn phải nhập nguyên liệu thô từ thị trường Trung Quốc. Ngoài việc bị đứt gãy chuỗi cung, tình trạng cách ly và tâm lý e ngại dịch bệnh của người lao động cũng khiến năng suất của các nhà máy bị ảnh hưởng.

Dù vậy, hai tác động trên không là gì so với việc bùng phát dịch bệnh sang các nước châu Âu và Mỹ – hai thị trường lớn nhất của ngành da giày – khiến nhu cầu tiêu thụ gần như đóng băng. “Trong ba tác động thì đây là tác động nặng nề, nguy hiểm nhất, bởi nếu giải quyết được vấn đề về lao động và chuỗi cung, nhưng nhu cầu không có thì sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp cũng không thể cứu được. Không có một thị trường nào có mức độ tiêu thụ đủ lớn, thay thế hai thị trường Mỹ và châu Âu được”, ông Kiệt nói.

Vừa qua, Nike thông báo sẽ đóng hết các cửa hàng của họ ở Mỹ và một số nước để giảm tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Dù Nike và một số hãng giày khác có thể bán hàng trực tuyến, nhưng tâm lý mọi người hiện nay là chống dịch, không còn ai có nhu cầu mua sắm.

Ông Trần Việt Tiến, thường vụ Ban chấp hành của Hawa, cho biết trước đây đã có cái nhìn lạc quan về Covid-19 khi nghĩ rằng dịch sẽ giúp các đơn hàng từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, theo đó sẽ hỗ trợ ngành chế biến gỗ nội thất trong nước tăng trưởng xuất khẩu. Nhưng hiện tình hình dịch đã lan sang các nước châu Âu và Mỹ, nơi chiếm thị phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 10 tỉ đô la Mỹ của ngành gỗ, thì ông đã thay đổi quan điểm.

“Tôi dự đoán các doanh nghiệp chế biến gỗ sẽ khó có được đơn hàng từ nay tới hết năm do sức mua giảm sút”, ông Tiến nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ và châu Âu khoảng 14,8 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch cả nước trong hai tháng đầu năm. Không thị trường nào khác có thể bù đắp được khi kim ngạch xuất khẩu tại hai thị trường này suy giảm.

Mới đây, Liên Hiệp quốc đã đưa ra cảnh báo nền kinh tế thế giới sẽ mất khoảng 2.000 tỉ đô la Mỹ sau khi Tổ chức Y tế thế giới công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Dịch đã lan nhanh khắp nơi trên địa cầu, khiến chuyên gia lo lắng nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sẽ “bốc hơi”. Để duy trì và vượt qua được tình trạng khó khăn này, ông Hùng, lãnh đạo CNC Tech, cho hay công ty ông thực hiện chính sách luân chuyển nhân sự bộ phận bị ảnh hưởng sang bộ phận ít bị ảnh hưởng hơn. Đây cũng là thời gian để nhân viên tự nâng cao kiến thức nhằm phục vụ hoạt động sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát, nhu cầu thị trường phục hồi.

Công ty cũng tạm dừng các hoạt động đầu tư chưa sinh lợi nhuận. Ví dụ, công ty đang chuẩn bị hoàn thành việc xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị phụ trợ, nhưng các thiết bị máy móc bên trong nhà máy sẽ phải thay đổi so với kế hoạch ban đầu, hoặc tạm dừng mua sắm trang thiết bị mới, để tiếp tục nghe ngóng tín hiệu thị trường.

“Tôi hy vọng người lao động sẽ cùng đồng hành với công ty vượt qua được thời điểm khó khăn này”, ông Hùng nói.

Đối với các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, ông Hòe cho hay họ đang hoạt động với tinh thần “bình tĩnh” và “cầm cự”, chờ tới khi nhu cầu tăng trở lại.

Ngành da giày cũng không khá hơn, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng các doanh nghiệp trong ngành không có giải pháp gì để giải quyết tình hình này. Hiện nay các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng vì thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng giữ lao động để chờ tới khi thị trường phục hồi lại. Bởi cho công nhân nghỉ việc chắc chắn sẽ gây xáo trộn trong xã hội hoặc rơi vào tình trạng thiếu nhân lực khi thị trường hồi phục.

“Nhiều nhà máy thay vì làm việc sáu ngày, đã giảm xuống còn 4-5 ngày/tuần. Hiệp hội cũng khuyến cáo các doanh nghiệp chưa nên sa thải lao động vào lúc này”, ông Kiệt nói.

Có một cái nhìn lạc quan hơn, ông Tiến từ Hawa cho rằng sau mỗi đợt khủng hoảng, thế giới lại chứng kiến một cuộc chuyển mình về phương thức sản xuất, thương mại và tiêu dùng. Dịch Covid-19 sẽ càng thúc đẩy chuyển dịch từ mô hình ngoại tuyến sang trực tuyến. Điều này cũng kéo theo sự thay đổi về phương thức sản xuất của các doanh nghiệp ngành gỗ. Từ chỗ sản xuất hàng hóa cồng kềnh, vận chuyển tốn kém, sang sản xuất các hàng hóa dễ tháo lắp để người tiêu dùng có thể tự lắp ráp tại nhà.

Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist:

Dịch bệnh lan rộng và khó lường đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh lữ hành. Ngay lúc này, Chính phủ cần có thông tin hàng ngày bằng tiếng Anh, cập nhật tình hình dịch bệnh cùng các biện pháp ngăn ngừa để doanh nghiệp có thể gửi cho đối tác, phóng viên quốc tế. Rất nhiều đối tác muốn cập nhật thông tin nhưng cần văn bản chính thức bằng tiếng Anh từ cơ quan chức năng.

Một việc cũng cần làm trong lúc này là truyền thông để du khách đang ở tại Việt Nam hiểu được tình hình dịch bệnh và những biện pháp chính phủ đang thực hiện để bảo vệ sức khỏe của người dân và du khách. Cơ quan chức năng có thể huy động nhân lực từ các công ty du lịch để cung cấp phiên dịch, hỗ trợ chính quyền chuyển tải những thông tin này.

Công tác bố trí chỗ ở, ăn cho du khách trong thời gian chưa thể rời khỏi Việt Nam cũng cần được quan tâm hơn nữa vì việc một số điểm dịch vụ lưu trú, ăn uống từ chối phục vụ du khách sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.

Sau khi hết dịch, cần có chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, minh bạch về các điểm du lịch an toàn cho khách trong nước và nước ngoài vì thông tin đóng cửa nhiều điểm tham quan trong dịch làm nhiều người lo ngại, không dám lên kế hoạch đi du lịch. Thêm vào đó là xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, triển khai cấp visa tại cửa khẩu…

Về các chương trình kích cầu sau dịch, cơ quan chức năng nên kiểm soát chặt chẽ chất lượng tour, có thể quy định các điều kiện phải được đảm bảo cho một gói tour kích cầu như khách sạn, bữa ăn, dịch vụ hàng không, điểm đến, bảo hiểm… để hạn chế các tour giá rẻ kèm chất lượng kém.

Về các chính sách hỗ trợ, chúng tôi cần được hỗ trợ để chậm nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 6 đến 12 tháng hoặc đóng phí chậm nộp theo lãi suất ngân hàng. Chúng tôi cũng cần được chậm nộp thuế đất năm 2020 trong 12 tháng, hoặc đóng phí chậm nộp theo lãi suất ngân hàng.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang (Travelink):

Theo tôi, Chính phủ có thể tham khảo cách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua dịch Covid-19 khi thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ Singapore hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng là một cách làm vì qua đó còn giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí cho người lao động.

Mới đây, Tổng cục Thuế có thông báo là sẽ giãn thuế năm tháng cho doanh nghiệp nhưng tôi cho rằng việc giãn thuế không giúp gì nhiều cho doanh nghiệp. Tại công ty chúng tôi, khách trong nước đã hủy tour nước ngoài đến tháng 6-2020, khách quốc tế hủy đến tháng 9-2020, nhân viên đang phải nghỉ luân phiên. Nếu dịch có thể kết thúc vào mùa thu này thì cũng phải đến cuối năm hoặc đầu năm sau chúng tôi mới có thể đón khách trở lại. Cho nên, trong một thời gian dài sẽ không có doanh thu, việc giãn thuế cũng không có ý nghĩa.

Hiện nay, chúng tôi đang làm báo cáo thuế cho năm 2019, nếu có thể, Chính phủ nên giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) của năm ngoái để doanh nghiệp có thể dùng số tiền đó chi tiêu trong giai đoạn khó khăn. Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ giảm 50% thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2020 và 2021 vì ảnh hưởng suy giảm khách của dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài.

(Đào Loan ghi)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới