Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sức thu hút của Linda Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sức thu hút của Linda Lê

Bảo Uyên

Nhà văn Linda Lê đang ký tên tặng những người hâm mộ trẻ ở TPHCM – Ảnh: Tường Vi.

(TBKTSG) – Buổi sáng ở Cà phê Thứ Bảy. Mỗi người ngồi đó đều có thể thấy rõ từng khuôn mặt khác – kẻ lạ, người quen. Họ đến để nhìn tận mặt một nữ văn sĩ – người đồng hương đang gây sự chú ý trên văn đàn của một trong những nền văn chương lớn của nhân loại.

Tất nhiên, có người đã từng biết chị hoặc từng đọc tác phẩm của chị. Có người vừa trải qua buổi gặp gỡ người hâm mộ ở quê nhà của chị tối hôm trước, nhưng dường như thấy chưa đủ. Có những vị tóc đã phai màu thời gian, chưa từng biết chút gì về văn chương chị, cũng đã tìm đến thật sớm. Chẳng phải đằng sau cái vẻ ngoài lạnh lùng luôn khiến người khác cảm giác khó gần ấy, Linda Lê có sức thu hút đặc biệt đó sao?

Chị đối diện mọi người, quá mực kín đáo so với những hình dung thông thường về một phụ nữ mang tâm hồn văn chương. Nhưng quan sát kỹ, vẻ kín đáo đó không che giấu được bản lĩnh và nét sắc sảo của một nhà văn dám lên tiếng đòi hỏi một nhân sinh quan rộng mở trên cõi đời này, ở đó, con người cần phá vỡ những rào cản gần như không thể vượt qua nổi xưa nay, giữa người với người.

Trong tiểu luận văn học tạo được sự quan tâm của nhiều người hôm ấy, Linda Lê nói rằng “nhiệm vụ của người cầm bút là đánh thức mỗi người khỏi cái vỏ của chính mình, lĩnh hội thế giới đa phức và vạch ra cho mình con đường đến với đồng loại”. Thế giới đa phức dưới cái nhìn của chị không chỉ là sự vô biên của tính khác biệt, là tổng hợp những mâu thuẫn, bất đồng gây xung đột, hận thù, chủ nghĩa bè phái, mà còn là sự tồn tại cùng lúc ở sâu kín bên trong mỗi con người một kẻ bảo thủ, thiển cận bên cạnh một người tiên phong chấp nhận mọi điều tương phản để tìm đến vẻ đẹp của sự đa dạng.

Với sự chia sẻ này, dù cho ai đó chưa từng đọc Linda Lê cũng có thể cảm nhận được những làn sóng ngầm mãnh liệt trong chị đang tranh đấu chống lại sự kỳ thị, sự lên án đối với những gì khác biệt, bởi “sự giàu có của chúng ta đến từ khả năng hướng tới người khác (là tất cả những gì không giống, không đúng hay xa lạ với mình) và chấp nhận người lạ trong chính con người mình”. Có lẽ Linda Lê đã gây được cảm tình vì chị từng là một cô gái da vàng lưu lạc, nhưng đã dũng cảm vượt lên trên những rào cản khác biệt, những định kiến dân tộc, những giằng xé từng khuấy động cái góc tối trong tâm hồn kẻ nhập cư để vươn ra khám phá những chân trời mới, để làm một “công dân thế giới”, làm một nhà văn của dòng “văn chương bất khuất” soi thấu vào tâm tư con người, đó là thứ văn chương “không gạt ra bên lề những điều khác thường, điều không giải thích nổi, điều không ngờ đến”.

Thực ra, trước khi giáp mặt để hiểu hơn về Linda Lê, điều lôi kéo mọi người tìm đến gặp chị chính từ những thông tin giới thiệu chị là một nhà văn của nền văn học Pháp đương đại nhưng có lối viết chỉn chu, tinh tế, cổ điển của dòng văn chương Pháp thế kỷ 17 (nguồn từ Lãnh sự quán Pháp, dẫn nhận xét của báo Le Monde); từ chuyện chị tự nhận trên tờ Lire rằng chị cư xử với tiếng Pháp “như một kẻ tà đạo trước một thần tượng, phục sinh nó, sáng tạo nó”. Do vậy, chẳng lạ gì khi các cuộc tiếp xúc của chị có khá nhiều sinh viên khoa tiếng Pháp tìm đến. Dịch giả Nguyễn Khánh Long cũng thừa nhận dịch các tác phẩm của chị không dễ dàng chút nào. Sức hấp dẫn của Linda Lê, có lẽ, một phần cũng từ những luồng nhận định trái ngược về phong cách văn chương của chị: người thì khen là “mang vẻ đẹp kín đáo mà ngạo nghễ”, “đem lại cho người đọc niềm hoan lạc”; người thì cho là “đọc khó khăn, khó hiểu”, “quá dị biệt”…

Nhưng dù cho những cảm nhận về văn chương Linda Lê như thế nào đi nữa thì cũng không thể phủ nhận sự xuất hiện của chị ở quê nhà vào trung tuần tháng trước đã gây cho nhiều người sự “tò mò” về một nữ văn sĩ gốc Việt đang sáng danh ở Pháp, bên cạnh sự ngưỡng mộ của một số người đối với văn chương Linda Lê.

Riêng tôi lại thấy thú vị với lối suy nghĩ của chị – người ở trong sự lai trộn những nền văn hóa và không còn gần gũi với tiếng mẹ đẻ, khi chị nói về chuyện nghệ thuật không có giới hạn biên giới, ngôn ngữ hay quốc tịch: “Viết một bài thơ đã là dịch từ tiếng mẹ đẻ sang một thứ tiếng khác… Không có ngôn ngữ nào là tiếng mẹ đẻ cả… Người ta trở thành nhà thơ nếu thực sự người ta có thể trở thành, không phải để trở thành nhà thơ Pháp hay Nga…”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới