Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Suy ngẫm về quy hoạch thủ đô Hà Nội

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Suy ngẫm về quy hoạch thủ đô Hà Nội

Thường trực Chính phủ nghe tư vấn nước ngoài báo cáo ý tưởng quy hoạch thủ đô Hà Nội mở rộng – Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

(TBKTSG Online) – Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân cả nước được biết Thường trực Chính phủ đã nghe 3 liên danh tư vấn nước ngoài đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Hàn Quốc báo cáo ý tưởng nghiên cứu quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá mô hình phát triển các thành phố lớn trên thế giới và vị trí, điều kiện của Hà Nội, Công ty Arata Isozaki của Nhật Bản kết hợp với Metropolitan của Hà Lan đưa ra ý tưởng quy hoạch Hà Nội trở thành thủ đô trong lòng thành phố siêu lập thể, một thành phố lớn đa cực phát triển bền vững.

Tại cuộc báo cáo quy hoạch này, Công ty Posco E&C liên danh với Công ty Jina Architect, Perkins Eeastman (Hàn Quốc – Hoa Kỳ) cũng nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững, song có thể đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến tương lai.

Công ty RTKL (Hoa Kỳ) lại cho rằng, mô hình thành phố bền vững là sự phát triển tổng hợp trong đó kết hợp giữa chức năng quản lý nhà nước với các yếu tố văn hóa xã hội, phát triển hạ tầng giao thông, phát triển đất giúp cho thành phố trở nên năng động và mạnh mẽ.

Khẳng định trước Thường trực Chính phủ, cả 3 nhà thầu tư vấn nước ngoài đều cam kết, nếu được lựa chọn trở thành nhà thầu sẽ hoàn thành lập quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội mở rộng trước năm 2010.

Vấn đề hiện nay là làm cái gì, làm như thế nào, khi nào, để quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội mở rộng trở thành khả thi là vấn đề không đơn giản.  

Lựa chọn Tư vấn

Hà Nội mới bao gồm Hà Nội cũ, thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Tổng diện tích Hà Nội mới hơn 3.344 km2, gấp 3,6 lần hiện nay, dân số hơn 6,2 triệu người, với 29 đơn vị hành chính cấp quận, huyện. Thủ đô mới sẽ nằm trong top 17 thành phố lớn nhất thế giới và là thủ đô có diện tích lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Tôi không làm trực tiếp công tác quy hoạch đô thị nhưng biết rõ ở Việt Nam có khá nhiều chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, rất tiếc là ở Việt Nam thường “bụt chùa nhà không thiêng”, nhất là đối với các dự án phức tạp như mở rộng thủ đô, để tránh tranh cãi ầm ĩ thì cả người quản lý lẫn chuyên gia trong nước thường né tránh, chọn giải pháp an toàn là nhờ người nước ngoài làm mặc dù biết rằng còn nhiều bất cập.   

Điều này, tôi cảm thấy có lẽ mình kém hơn người Trung Quốc nhiều vì tôi không nghe nói Trung Quốc phải mời chuyên gia quốc tế sang để làm các quy hoạch phát triển đô thị mà họ tự học hỏi và làm lấy. Bất cứ du khách nào có dịp chiêm ngưỡng, nghiên cứu các kiến trúc hiện đại của người Trung Quốc thấy rõ họ vẫn giữ được nét kiến trúc cổ truyền mà nhìn vào là thấy ngay đó là kiến trúc của Trung Quốc.

Ngày nay, Olympic Bắc Kinh cho thấy nhiều công trình rất hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế do người Trung Quốc thiết kế và xây dựng. Điển hình là sân vận động Tổ chim, một công trình thay đổi mạnh mẽ tư duy truyền thống về kiến trúc và định luật vạn vật hấp dẫn. Thiết kế độc đáo của sân vận động này là kết quả hợp tác giữa nhà thiết kế Trung Quốc Ai Weiwei và Hãng kiến trúc Thụy Sỹ Herzog & deMeuron. Các kỹ sư, chuyên gia thế giới sẽ phải đến Trung Quốc để tìm hiểu ý tưởng, học hỏi và mua lại kiến thức mà người Trung Quốc đã tích lũy trong quá trình xây dựng sân vận động này.

Tổ chức xây dựng dự án quy hoạch

Dù bất cứ công ty tư vấn quốc tế nào được lựa chọn lập quy hoạch xây dựng thủ đô mở rộng cũng đòi hỏi phải có một nhóm chuyên gia cố vấn quy hoạch đô thị thật giỏi của Việt Nam trong suốt quá trình làm quy hoạch. Bởi vì nếu để họ làm xong rồi mới góp ý thì đã muộn và nếu có sửa thì cũng chỉ đại khái, do ngại tốn tiền và công sức làm lại.

Tôi nhớ khi xem phim The Last Emperor (Vị Hoàng đế cuối cùng)  năm 1987 của đạo diễn Bernardo Bertolucci, thấy rất hoành tráng, mang nét đặc sắc của văn hóa và lịch sử của Trung Quốc chính là nhờ có nhóm tư vấn người Trung Quốc bởi vì không có người phương Tây nào hiểu về đất nước Trung Hoa hơn người Trung Hoa; cũng như không ai hiểu về đất nước hình chữ “S “này hơn người Việt Nam.           

Nhóm chuyên gia tư vấn Việt Nam sẽ giúp nhà tư vấn quốc tế nghiên cứu, tìm hiểu lại lịch sử thủ đô Hà Nội đã được quy hoạch và phát triển như thế nào trong các thời kỳ phát triển khác nhau, từ khi mới thành lập cho đến thời Pháp thuộc, trong chiến tranh, sau 1975 và sau thời kỳ Đổi mới để cân nhắc xem nên giữ lại cái gì của thời kỳ nào? Các chuyên gia quy hoạch đô thị cần tham khảo ý kiến của các nhà sử học về lĩnh vực này. 

Chuyên gia nước ngoài không thể hiểu được tình cảm của người Việt Nam đối với lịch sử của đất nước, của dân tộc. Tôi nghĩ giống như khi mình dọn nhà, con cháu thì muốn vứt hết mọi thứ đồ đạc cổ lỗ sĩ trong nhà nhưng mình thì muốn giữ lại vì đó có thể là một vật kỷ niệm của một thời kỳ, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong gia đình, là vật gia truyền từ đời nọ sang đời kia.

Còn nhiều vấn đề về xã hội cần quan tâm trong quy hoạch. Ví dụ như quan hệ giữa các cơ quan chính quyền trung ương đóng ở thủ đô và các cơ quan ở Hà Nội như thế nào để bố trí quy hoạch? Cách làm việc của Việt Nam cần rất nhiều họp hành chứ không như các nước đã phân định rõ quyền hạn, quyền lợi và trách nhiệm (đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của cá nhân) nên chỉ khi thật sự cần thiết họ mới gặp mặt, thảo luận.

Các cơ quan từ Hà Tây chuyển về Hà Nội và ngược lại giải quyết giao thông, sinh hoạt như thế nào cho hài hòa? Người dân Việt Nam có tập quán không thích di chuyển chỗ ở, dù nơi ở đó chật hẹp như khu Hoàn Kiếm vì mối quan hệ xã hội, gia đình, bà con hàng phố. Đó là lý do nhiều người có nhà cửa nguy nga ở ngoại thành cũng vẫn sống chen chúc trong nội thành.

Nếu quy hoạch thuận tiện cho phát triển thì mọi người sẽ sống xa nhau, về lâu dài cơ cấu gia đình, xã hội sẽ thay đổi. Một thí dụ khác là việc mua bán ở các cửa hàng tạp hóa gần nhà, ăn uống ở các cửa hàng nho nhỏ, tạo ra mối quan hệ láng giềng sẽ dần mất đi khi mọi hàng hóa đều mua bán ở siêu thị,  nơi mà người mua, kẻ bán chỉ còn mối quan hệ duy nhất là mua bán theo nếp sống công nghiệp mà thôi.

Tất cả các vấn đề xã hội đều phải được chuyển tải trong dự án quy hoạch. Nói tóm lại: Bộ Xây dựng cần có ban cố vấn người Việt Nam tâm huyết, chuyên môn sâu, có bản lãnh để tư vấn trong quá trình chuẩn bị cũng như thực thi xây dựng đề án quy hoạch thủ đô.

Khi chọn tư vấn nước ngoài và phản biện nên là 2 công ty có tầm cỡ theo các tiêu chí lựa chọn của Việt Nam và họ không có quan hệ với nhau để khi phản biện được khách quan và khoa học. 

Quan trọng nhất của người sử dụng tư vấn là lắng nghe + phân tích + ra quyết định + yêu cầu lần thứ “n” với tư vấn.   

TS. TÔ VĂN TRƯỜNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới