Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Suy thoái hay không suy thoái – những dấu hiệu trái ngược từ nền kinh tế Mỹ

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Nền kinh tế Mỹ liệu đã rơi vào suy thoái? Đó là câu hỏi đang được đặt ra tại Mỹ, sau hàng loạt thông tin kinh tế trái ngược: GDP suy giảm hai quí liên tiếp, nhưng thị trường việc làm và tiêu dùng vẫn ổn định.

Tăng trưởng âm – vì đâu nên nỗi

Phần lớn giới phân tích hoàn toàn bất ngờ với sự đảo ngược chóng vánh đang diễn ra với nền kinh tế Mỹ, từ mức tăng trưởng 5,7% – tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984 vào năm ngoái, kinh tế Mỹ đã giảm 1,6% trong quí 1 và giảm tiếp 0,9% trong quí 2 vừa qua. Mức tăng trưởng âm trong hai quí liên tiếp đã đủ để đáp ứng định nghĩa phổ biến của một cuộc suy thoái kỹ thuật.

Theo Washington Post, đằng sau các con số đáng thất vọng này là một loạt dấu hiệu cho thấy sự suy giảm tại nhiều bộ phận của nền kinh tế Mỹ, từ chính phủ, các doanh nghiệp cho tới hộ gia đình.

Đầu tiên, các doanh nghiệp bán lẻ đã giảm lượng hàng hóa dự trữ sau khi đã mua quá nhiều trong năm ngoái, và tính toán sai nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Sự suy giảm lượng mua hàng tồn kho, đặc biệt là ô tô, được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến GDP suy giảm trong quí 2.

Các tên tuổi lớn như Target hay Gap đều cho biết đang có lượng hàng dự trữ nhiều hơn mức cần thiết, và do vậy không có kế hoạch nhập nhiều hàng trong thời gian tới.

Tệ hơn nữa, có nhiều dấu hiệu cho thấy, lạm phát tăng cao đang làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy họ mua nhiều hàng hóa thiết yếu hơn và giảm chi tiêu vào các mặt hàng như quần áo, đồ điện tử. Các yếu tố này cũng ảnh hưởng đáng kể đến số liệu GDP.

Hồi tuần trước, Walmart đã khiến thị trường cảm thấy lo ngại khi cắt giảm dự báo lợi nhuận hàng quí và cả năm 2022 vì doanh số từ các mặt hàng chủ lực được dự báo sẽ giảm đáng kể do sự thay đổi thói quen tiêu dùng.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất bốn lần trong năm nay để kiềm chế lạm phát cũng ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực xây dựng và nhà ở. Các công ty bất động sản và người mua nhà giờ đây sẽ phải hứng chịu mức chi phí đi vay cao hơn. Hệ quả là số nhà khởi công xây dựng trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng chín tháng qua, trong khi số giấy phép xây dựng nhà ở mới cũng giảm.

Bên cạnh đó, ở góc độ chính phủ, chi tiêu công tại Mỹ cũng ghi nhận xu hướng giảm mạnh trong thời gian qua ở mọi cấp độ: liên bang, tiểu bang và các địa phương.

“Nhìn chung, điều này cho thấy nền kinh tế đang thực sự chậm lại”, Jason Furman, Giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, kiêm cựu cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Barack Obama, đánh giá.

Kinh tế Mỹ có thực đã suy thoái?

Tuy nhiên, ngay cả khi đã ghi nhận hai quí liên tiếp tăng trưởng âm, giới chức Chính phủ Mỹ vẫn phủ nhận việc nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden cho biết trong khi nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, “cũng có nhiều tín hiệu tích cực được ghi nhận”. Ông cũng trích dẫn quan điểm của Chủ tịch Fed Jerome Powell về việc nền kinh tế hiện chưa rơi vào suy thoái, bởi vẫn có nhiều bộ phận tăng trưởng tốt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết: “Cần nhìn xa hơn những con số trong báo cáo kinh tế để biết được điều gì đang thực sự diễn ra”. Theo bà, các thời kỳ suy thoái thường được đánh dấu bằng sự suy giảm đáng kể số lượng việc làm và sự hạn chế chi tiêu của các hộ gia đình – những điều này đều không xảy ra ở thời điểm hiện tại. Mức chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như sản lượng công nghiệp Mỹ hiện vẫn khả quan.

Theo The Hill, cơ quan sẽ đóng vai trò quyết định xem nền kinh tế Mỹ có chính thức suy thoái hay không một nhóm tám chuyên gia tại Ủy ban Xác định chu kỳ kinh doanh thuộc Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia (NBER). Và với các cơ quan này, hai quí suy giảm GDP liên tiếp chưa chắc đã đồng nghĩa với một cuộc suy thoái.

Thay vào đó, NBER định nghĩa “suy thoái là một đợt suy giảm mạnh mẽ các hoạt động trong khắp nền kinh tế và kéo dài ít nhất vài tháng”. Điều này có thể đồng nghĩa với vài quí suy giảm liên tiếp. Trên thực tế, kể từ năm 1948 tới nay, mỗi lần GDP của Mỹ suy giảm ít nhất hai quí liên tiếp, NBER cuối cùng đều xác nhận về sự suy thoái.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, NBER không sử dụng GDP như một yếu tố chính trong việc đánh giá sự suy thoái của nền kinh tế. Ví dụ như hồi năm 2001, NBER đã công bố kinh tế Mỹ suy thoái dù không hề có những quí tăng trưởng âm liên tiếp. Thay vào đó, NBER căn cứ vào 6 yếu tố, bao gồm: thu nhập cá nhân thực sau khi trừ đi các khoản thanh toán; thị trường lao động phi nông nghiệp; tỷ lệ người lao động có việc làm dựa trên khảo sát hộ gia đình do Cục Thống kê lao động thực hiện; chi tiêu dùng cá nhân thực tế; doanh thu bán lẻ sau khi điều chỉnh theo biến động giá cả; và sản lượng công nghiệp.

Do vậy, lần này, NBER có thể tạo ra một ngoại lệ khác, nhưng là theo chiều hướng tích cực. Gần như không có một chuyên gia kinh tế lớn nào tại Phố Wall dự báo NBER sẽ tuyên bố kinh tế Mỹ đã suy thoái trong nửa đầu năm 2022.

Một trong những lý do chính khiến các chuyên gia bác bỏ khả năng kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái, là sự sôi động của thị trường việc làm. Các số liệu thống kê cho thấy, trong nửa đầu năm nay, nước Mỹ đã có thêm 2,2 triệu việc làm mới – một trong những mức tăng trưởng việc làm nhanh nhất trong lịch sử. Tính đến tháng 6, Mỹ đã khôi phục được 98% số việc làm bị mất trong thời kỳ đại dịch, trong đó khu vực tư nhân ghi nhận sự phục hồi hoàn toàn.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng đang ở mức thấp lịch sử, trong khi số đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu vẫn duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với những lần xảy ra suy thoái trước đó. Số lượng nhân viên bị sa thải cũng ở gần mức thấp nhất lịch sử còn số lượng cơ hội tuyển dụng ở gần mức cao kỷ lục. Tất cả những dấu hiệu này cho thấy một thị trường lao động mạnh mẽ, nơi các doanh nghiệp kỳ vọng kinh tế tiếp tục tăng trưởng, chứ không phải suy thoái.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp và chi tiêu thực – các yếu tố được NBER căn cứ để xem xét mức độ suy thoái, cũng vẫn rất mạnh. Các số liệu mới công bố cho thấy, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã ghi nhận mức tăng mạnh hơn dự kiến là 1,1% trong tháng 6, bất chấp việc tỷ lệ lạm phát vẫn đang ở mức cao. Chỉ số Sản lượng Công nghiệp theo khảo sát của Fed chi nhánh St.Louis cũng đang ở mức cao nhất kể từ năm 1920.

“Chúng ta đã tạo ra được nhiều việc làm. Chúng ta có tỷ lệ sa thải thấp kỷ lục. Chúng ta có số vị trí cần tuyển dụng nhiều kỷ lục. Tiêu dùng, đầu tư, tất cả đều đang tích cực. Tôi không cho rằng NBER sẽ công bố suy thoái vào thời điểm này”, chuyên gia Mark Zandi dự báo.

Nguy cơ vẫn đang ở phía trước

Dẫu vậy, ngay cả khi NBER không công bố kinh tế Mỹ suy thoái trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Lãi suất tăng lên, lạm phát dai dẳng, cùng tâm lý bi quan của người tiêu dùng và doanh nghiệp đang đặt ra những nguy cơ lớn phía trước.

Dù không cho rằng nền kinh tế suy thoái trong nửa đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng có khả năng cao suy thoái sẽ xảy ra trong sáu tháng cuối năm hoặc trong năm 2023.

Chuyên gia kinh tế trưởng Tim Quinlan của Wells Fargo nhận định, các điều kiện kinh tế hiện đang có xu hướng tiến nhanh tới tiêu chuẩn suy thoái của NBER. “Việc định nghĩa chính xác suy thoái sẽ trở thành một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều, xét tới sự suy yếu không đồng đều của các hoạt động kinh tế phản ánh trong mức giảm 0,9% của GDP quí 2. Tiêu dùng vẫn đang tăng trưởng và thị trường việc làm vẫn vững vàng. Còn quá sớm để cho rằng nền kinh tế đã chấm dứt tăng trưởng, nhưng thời điểm đó đang đến nhanh”, ông Quinlan phát biểu.

Việc tăng trưởng tiền lương và giá cả tiếp tục tăng cao được dự báo sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp. Theo New York Times, lạm phát đang buộc người lao động phải yêu cầu mức lương cao hơn để trang trải chi phí ngày càng đắt đỏ, trong khi các công ty cũng liên tục tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí sản xuất. Tuy nhiên, sẽ đến thời điểm, người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhận ra rằng, mình không thể theo kịp đà tăng giá nữa, và bắt đầu phải cắt giảm chi tiêu, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu.

“Mọi người đang có tâm trạng rất bi quan và u ám. Tôi chưa bao giờ chứng kiến bất kỳ dự đoán nào xấu đến vậy về nền kinh tế này. Xét cho cùng, suy thoái là sự mất mát niềm tin. Người tiêu dùng không còn tin rằng họ sẽ có việc làm, doanh nghiệp không còn tin rằng họ sẽ bán được hàng hóa. Rủi ro mất niềm tin và nền kinh tế rơi vào suy thoái đang rất lớn”, chuyên gia Mark Zandi kết luận.

Nguồn: CNBC, New York Times, Washington Post, American Progress, Reuters, The Hill

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới