Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Synopsys hỗ trợ phát triển nhân sự thiết kế vi mạch tại Việt Nam

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Biên bản ghi nhớ giữa Synopsys, nhà cung cấp các công cụ thiết kế vi mạch lớn hàng đầu thế giới, và Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) nhằm hỗ trợ phát triển trung tâm thiết kế chip (vi mạch) mới tại Việt Nam.

Tiến sĩ Robert Li (trái), ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi vào ngày 26-8 tại TPHCM. Ảnh: L. Hoàng

Ngày 26-8, đại diện Synopsys và SHTP ký bản ghi nhớ để Synopsys hỗ trợ đào tạo tài năng thiết kế vi mạch tại Việt Nam.

Theo đó, Synopsys hỗ trợ SHTP thành lập trung tâm thiết kế chip thông qua chương trình tài trợ phần mềm. Sự hợp tác nhằm mục đích trau dồi tài năng thiết kế vi mạch tiên tiến và tạo điều kiện phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Thông qua Synopsys Academic & Research Alliances (SARA), Synopsys sẽ cung cấp chương trình phần mềm dành cho đại học của mình, bao gồm chương trình giảng dạy, tài nguyên giáo dục và chương trình “đào tạo giảng viên” cho SHTP để thiết lập trung tâm thiết kế chip. SHTP sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thiết lập trung tâm thiết kế chip.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, Synopsys được biết đến với phần mềm thiết kế bán dẫn hàng đầu trong ngành, các giải pháp bảo mật phần mềm và IP.

“Việc trung tâm thiết kế chip SHTP hợp tác với Synopsys có thể được hưởng lợi từ công nghệ thiết kế đẳng cấp thế giới của công ty bằng cách nuôi dưỡng các nhà thiết kế chip tương lai của chúng tôi với các xu hướng thiết kế mới nhất khi họ còn đang đi học”, ông Thi nói, và ông cho rằng: “Sự hợp tác này cũng có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam”.

Cũng theo ông Thi, ngoài 2 dự án thiết kế bán dẫn đang hoạt động gồm Trung tâm nghiên cứu và thiết kế vi mạch bán dẫn của Công ty Microchip Technology (Việt Nam) và dự án thiết kế vi mạch điện tử tích hợp (IC) của Công ty TNHH SNST & Finger Vina, SHTP cũng đang thu hút sự quan tâm và tìm cơ hội đầu tư của các nhà thiết kế sản xuất chip khác trên thế giới. Do đó, thời gian tới nhu cầu về nhân sự thiết kế vi mạch sẽ rất lớn, đòi hỏi TPHCM phải có bước chuẩn bị đầu tư đào tạo nhiều hơn.

Theo ông Thi, Trung tâm thiết kế chip SHTP sẽ là đầu mối tiếp nhận phần mềm, công nghệ và đào tạo chuyên sâu, trong đó có tập huấn, hướng dẫn cho các giảng viên các trường đại học trong việc đào tạo các sinh viên, học viên ngành thiết kế vi mạch. Cụ thể Trung tâm thiết kế chip SHTP sẽ đón tiếp các giảng viên của 3 trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TPHCM là Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Công nghệ thông tin để tập huấn chương trình đào tạo giảng viên và đồng thời làm công tác đào tạo.

Ông Robert Li, Phó chủ tịch kinh doanh của Synopsys khu vực Đài Loan và Nam Á, cho rằng thách thức lớn hiện nay của ngành sản xuất chip là thiếu nguồn nhân lực, trong khi đó Việt Nam có thế mạnh nhân lực này và chi phí còn thấp so với các nước khác trong khu vực như Singapore, Malaysia,…

“SHTP là trung tâm đổi mới của ngành công nghệ cao Việt Nam và Synopsys sẽ hỗ trợ SHTP thành lập trung tâm thiết kế chip với công nghệ tiên tiến của Synopsys và các sáng kiến ​​của chương trình hỗ trợ đại học”, ông nói.

“Trong những năm gần đây, Synopsys đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến cho các đối tác Việt Nam để giúp họ tăng cường năng lực thiết kế vi mạch và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác với SHTP sẽ không chỉ mang lại công nghệ mới cho các đối tác của chúng tôi tại Việt Nam, mà còn ươm mầm tài năng trẻ và giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam”, ông Robert Li nói.

Synopsys, Inc. (Nasdaq: SNPS) là đối tác từ Silicon to Software ™ cho các công ty sáng tạo đang phát triển các sản phẩm điện tử và ứng dụng phần mềm. Là một công ty thuộc S&P 500, Synopsys là công ty về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn, đồng thời cung cấp danh mục dịch vụ và công cụ kiểm tra bảo mật ứng dụng rộng nhất trong ngành.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới