Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ta với tha nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ta với tha nhân

Thanh Phương

(TBKTSG) – “Làm sao định nghĩa được tình yêu?”. Thuở niên thiếu, tôi những tưởng đây chỉ là loại câu hỏi được sính dùng cho thơ nhạc nhằm ru say những tâm hồn lãng mạn.

Khi lớn lên tôi mới biết từ ngàn đời, con người đã không ngừng trăn trở “tình yêu là gì?”. Cũng vậy, nếu nhân loại có ngàn vạn định nghĩa về tình yêu thì cũng có ngàn vạn cách nhìn về hạnh phúc.

Ta với tha nhân
Lễ hội mừng Giáng sinh và năm mới do một nhóm ca sĩ, nhạc sĩ và bạn bè thân hữu của họ tổ chức cho bà con nghèo vùng sâu Lộc Thạnh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) tháng 12-2019. Ảnh: Quang Trưởng
 

Thuở nhỏ, tôi mê thơ Nguyễn Tất Nhiên và bắt đầu tiếp cận hạnh phúc như là điều gì đó mơ hồ, khó chạm mà nhà thơ đề cập trong “Hai hàng me ở đường Gia Long”. Trải hơn nửa đời người, đến những ngày cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này, tôi vẫn chứng kiến con người đi tìm hỏi lẫn nhau về hạnh phúc như thứ gì đó vô cùng bí ẩn.

Tại nhiều buổi gặp gỡ của cộng đồng doanh nhân – giới có thể được xem thuộc tầng lớp trung và thượng lưu trong xã hội, họ vẫn mải miết học hỏi nhau phương cách kiếm tìm hạnh phúc.

Nhiều câu trả lời được đưa ra: Vật chất, tiền tài? Không! Danh lợi, địa vị? Không! Ngay cả sắc đẹp hay tri thức cũng không! Bởi những thứ ấy nhiều người có cả, nhưng họ vẫn không khỏi cảm thấy chơi vơi, trống vắng giữa cuộc đời.

Rốt cuộc, họ đồng ý với nhau tất cả những thứ ấy chỉ là tương đối. “Ăn lắm sẽ hết miếng ngon”, xuân sắc mấy thì cũng tới buổi thu tàn, kẻ tri thức cũng không tránh khỏi có lúc cảm thấy… càng học thì càng dốt trước sự huyền nhiệm của vũ trụ mênh mông…

Phải chăng thế giới nội tâm con người quá… hiểm hóc? Đến nỗi có những kẻ đang ở trên đỉnh vinh quang cũng quyết định chọn đi về cõi khác, bỏ lại tất cả ở chốn dương trần.

Nhưng ngay cả với quyết định bị coi là hết sức yếm thế đó, ai dám nói họ không đang đi tìm hạnh phúc – thứ hạnh phúc họ đã không thể tìm thấy ở cuộc đời này.

Chị bạn tôi đã ngoài tuổi 50. Mỗi lần gặp nhau chị vẫn một niềm trăn trở cũ. Như bao phụ nữ khác, chị được sinh ra, lớn lên, lấy chồng sinh con, làm lụng vất vả để vun đắp cho bản thân và gia đình. Trải bao biến cố thăng trầm, bao đấu tranh nghiệt ngã, đối diện không ít điều thiện, cái ác, chị không thể tin con người sống một đời khổ đau nhiều hơn hạnh phúc chỉ để… “lâu rồi đời mình cũng qua”(*) . “Nhất định không phải vậy!”, bao lần chị cả quyết.

 

Hẳn câu hỏi: “Đời người có ý nghĩa gì?” không là nỗi băn khoăn của riêng chị bạn tôi. Việc tìm kiếm câu trả lời cũng không đơn thuần đáp ứng một nhu cầu của lý trí mà dường như sâu thẳm bên trong nỗi trăn trở đó là sự thôi thúc tự nhiên của con người muốn trả lời câu hỏi: “Sự hiện hữu của tôi ở cuộc đời này có ý nghĩa gì?”.

Tôi vừa có dịp tham gia một chuyến đi đáng nhớ. Một nhóm anh chị em ca nhạc sĩ cùng người thân, bạn bè của họ từ Sài Gòn đem đến vùng sâu Lộc Thạnh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) một lễ hội mừng Giáng sinh và năm mới – điều có thể xuất hiện đều đặn hàng năm ở nhiều nơi, nhưng không phải ở những bản sóc nằm sâu hàng chục cây số bên trong những cánh rừng cao su bạt ngàn này.

Một bé trai ở Lộc Thạnh, Lộc Ninh, Bình Phước. Ảnh: Đức Lộc

Đến với bà con nghèo, trao tặng quà thì dễ chứ dựng lên giữa khoảng đất trống một không gian lễ hội cùng một sân khấu ca nhạc đầu tư nghiêm túc thì thật không đơn giản. Những ba, bốn chiếc xe tải hàng tấn hàng hóa, thức ăn, máy móc, nhạc cụ, đạo cụ, thiết bị âm thanh…

Ấy vậy mà từ lúc khởi hành đến khi kết thúc chuyến đi chỉ gói gọn trong 24 giờ đồng hồ. Sáng sớm đến nơi là dàn dựng sân khấu, thiết lập các gian hàng, quy hoạch khu vui chơi… Buổi chiều là lễ hội ẩm thực, tặng quà. Buổi tối là chương trình ca nhạc. Đêm xuống thì tháo dọn đồ đạc chất lên xe ra về, để lại khu đất trống cùng một kỷ niệm đẹp.

Chỉ với vài chục con người, họ làm tất cả mọi việc, từ khuân vác đồ đạc, thiết kế không gian lễ hội, bày biện gian hàng và phục vụ cho gần hai ngàn “khách” vui chơi, ăn uống và xem văn nghệ. Những ca sĩ, nhạc sĩ đã tháo bỏ hình ảnh lung linh hàng đêm trên các sân khấu, phòng trà ở Sài Gòn hoa lệ để hòa làm một với người dân nghèo ở địa phương, phục vụ họ từng ổ bánh mì, từng cây kem, chén chè, ly nước, và trình diễn hết mình cho họ xem hàng chục tiết mục văn nghệ. Nhiều người còn tham gia cả những khâu chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó cho cuộc hành trình.

Thật kinh ngạc khi họ có thể làm và làm tốt ngồn ngộn từng ấy công việc. Nhưng khi hòa mình vào đó, tôi hiểu nguồn năng lượng dường như vô tận nơi con người được sản sinh từ đâu. Đó chính là từ tình yêu thương, lòng trắc ẩn, những ngân rung mạnh mẽ trong tâm hồn nghệ sĩ trước những cảnh đời nghèo khó, những bất công vốn dĩ ở trên đời. Nhưng trên hết, đó là nguồn năng lượng từ niềm hạnh phúc lớn lao khi họ được vui với niềm vui, được buồn với nỗi buồn của tha nhân, được chia sẻ với những phận đời chịu thiệt thòi, cần được nâng đỡ, yêu thương.

 

Đó chỉ là một trong vô số những chương trình từ thiện xã hội đến với những vùng sâu vùng xa nghèo khó thu hút hàng triệu lượt người giàu lòng tương thân tương ái tham gia. Trong đó, tôi từng được nghe kể về những chuyến cứu trợ thiên tai đầy gian lao, bão táp, những đoàn người có lúc thất lạc hoặc phải nằm rừng ngủ bụi.

Hỏi thăm một bà cô đã nhiều năm say mê những chuyến đi như thế, rằng điều gì khiến một người nay đã quá tuổi 60 vẫn tình nguyện lao công đến vậy.

Bà nói: “Tôi thấy hạnh phúc khi mình còn có ích cho người khác”. Câu trả lời tưởng chừng quen thuộc theo chiều kích trách nhiệm của con người đối với cộng đồng, xã hội. Nhưng tôi cảm nhận trong giọng nói ấy là cả sự chia sẻ niềm vui mà chính bản thân bà nhận được.

Chợt nhớ một câu nổi tiếng của nhà triết học Albert Schweitzer, đại ý: sẽ khó khăn hơn khi sống cho người khác nhưng cuộc sống sẽ trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn.

Trở về sau chuyến đi với các anh chị em ca nhạc sĩ, tôi nhớ hoài về những đứa trẻ chân đất khi ánh mắt chúng chợt bừng sáng trong tiếng nhạc réo rắt, những nụ cười nở thật tươi và hồn nhiên khi tay vung bong bóng, tay nắm bỏng ngô. Tôi nhớ cả vẻ hân hoan trên gương mặt đen đúa của các bậc phụ huynh ngày thường vốn dĩ chỉ ở nhà trông trẻ, hoặc đi chăn trâu, hoặc khá lắm là bán sức lao động trong những giờ cạo mủ cao su ngoài những cánh rừng tít tắp. Rồi lòng thấy háo hức trông chờ một chuyến đi kế tiếp.

Trong vòng quay cuồng của biển người đi tìm hạnh phúc, cám ơn đời đã cho tôi gặp được niềm hạnh phúc từ lòng mến tha nhân. 

(*) Lời ca khúc “Bài không tên số 5” của Vũ Thành An.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới