Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ta xuất khẩu khoai tây, tại sao không?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ta xuất khẩu khoai tây, tại sao không?

Nông dân các tỉnh phía Bắc trồng khoai tây vụ đông bằng giống mới, năng suất cao dưới sự hỗ trợ của Đức – Ảnh: HỒNG VĂN.

(SGTO) – Từ chỗ phải nhập khẩu khoai tây, bây giờ khoai tây trở thành cây trồng trong các tháng vụ đông ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và trồng quanh năm ở nhiều nơi của tỉnh Lâm Đồng. Trong tương lai không xa, Việt Nam có thể xuất khẩu khoai tây.

Từ một dự án của Đức

Nhận thấy các tháng mùa đông lạnh lẽo ở Đồng bằng Sông Hồng có thể trồng khoai tây, Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Đức trước đây đã cung cấp giống giúp nông dân phía Bắc. Cây khoai tây trở thành cây vụ đông không thể thiếu ở miền này, bởi trong ba tháng mùa đông, trồng cây lúa hay bắp đều không có hiệu quả kinh tế, không cho năng suất cao được như khoai tây vốn thích hợp với khí hậu lạnh lẽo.

Năm 2000, Chính phủ Đức, thông qua tổ chức hợp tác hỗ trợ kỹ thuật GTZ đã hỗ trợ Việt Nam bốn triệu euro cho dự án mang tên “thúc đẩy sản xuất khoai tây ở Việt Nam” như một cách nối tiếp sự giúp đỡ của Đông Đức trước đây, được thực hiện ở tám tỉnh, thành phía Bắc.

Dự án chia làm nhiều giai đoạn mà giai đoạn hai kết thúc vào năm nay với mục tiêu hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng khoai tây thương phẩm, nhân giống khoai tây sạch bệnh. Giai đoạn ba kéo dài tới năm 2009, trong đó tính tới chuyện đưa ra mô hình liên kết bốn nhà, gồm nhà cung cấp, nhà sản xuất, nhà thu mua và chế biến thành chuỗi liên hoàn, đồng thời hình thành hiệp hội khoai tây. Dự án còn đặt tham vọng xa hơn là đưa khoai tây trở thành cây nông sản có tiềm lực của Việt Nam.

Khó khăn nhất của nông dân trồng khoai tây ở miền Bắc là khâu giống. Do giống nhập khẩu từ châu Âu dù có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, nhưng lại quá đắt đỏ với túi tiền của nông dân vốn đang sản xuất còn manh mún. Trong khi đó, khoai tây của Trung Quốc dù năng suất thấp, hay nhiễm bệnh và lẫn lộn giữa khoai tây giống với khoai tây thương phẩm nhưng giá lại rẻ, dễ tìm kiếm trên thị trường. Trước năm 2000, gần như toàn bộ diện tích khoai tây ở miền Bắc, trồng bằng giống khoai tây nhập tiểu ngạch trôi nổi từ Trung Quốc.

Dự án nói trên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, là hỗ trợ cho chính các nhà khoa học, công ty sản xuất giống và nông dân Việt Nam tự liên kết với nhau để nhân giống khoai tây sạch bệnh và tự mình phát triển khoai tây với kỹ thuật sản xuất được trang bị đầy đủ.

Bắt đầu từ giống

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng khoai tây thu hoạch của cả nước hiện nay khoảng 450.000-500.000 tấn, trong đó 90% là từ các tỉnh phía bắc, còn lại ở Lâm Đồng. Nhu cầu tiêu dùng cho chế biến thực phẩm khoảng 550.000 tấn, phần thiếu hụt còn lại chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, nhất là nhập khẩu khoai tây giống.

Khoai tây giống của dự án bán cho nông dân khi vào vụ đông với giá chỉ bằng 75% giá khoai tây giống nhập từ châu Âu. Mục tiêu của dự án là có 3.000 héc ta khoai tây thương phẩm, xấp xỉ 10% diện tích khoai tây của miền Bắc được trồng theo kỹ thuật và giống do dự án cung cấp vào năm nay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phùng Khoan, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng Nam Định, cơ quan tham gia sản xuất giống cho dự án, cho biết  dự án đã thúc đẩy diện tích khoai tây ở miền Bắc tăng lên mạnh mẽ, từ 20.000 héc ta lên hơn 35.000 héc ta hiện nay, tập trung nhiều ở Nam Định, Thái Bình, Hải Dương.

Năng suất khoai tây cũng được cải thiện rõ rệt, bình quân tăng từ 11 tấn lên 13 tấn/héc ta, nhiều nơi có năng suất 18-20 tấn/héc ta. Nhưng quan trọng nhất, theo ông Khoan, dự án đã góp phần thay đổi tập quán sử dụng giống, kỹ thuật trồng khoai tây của nông dân.

Ở nhiều vùng nông thôn, nông dân đã lập ra tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây. Chẳng hạn, mô hình tổ liên kết với 11 nông dân ở thôn Nghiêm Xá, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh chỉ trong năm ngoái đã đưa ra thị trường 5.000 tấn khoai tây, chiếm 60% sản lượng khoai tây của huyện Quế Võ.

Xuất khẩu khoai tây, tại sao không?

Ngoài trồng lúa, nay nông dân có thể trồng thêm khoai tây vào vụ đông phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu-Ảnh: HỒNG VĂN

Giờ đây, khoai tây Việt Nam không chỉ bán cho tiêu dùng trong nước mà thương nhân còn mang khoai tây của các tỉnh phía Bắc sang bán ở Lào, Campuchia, xuất khẩu chính ngạch sang Singapore nhưng sản lượng chưa đáng kể.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan tham gia dự án, cho rằng đã tới lúc Việt Nam phải xây dựng chiến lược xuất khẩu khoai tây trước khi cung vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước. 

Vì diện tích khoai tây ở miền Bắc chỉ cần tăng lên tới 50.000 héc ta hàng năm thì khi ấy, chỉ có xuất khẩu mới giúp nông dân trồng khoai tây có hiệu quả kinh tế, trong đó tính tới chuyện xuất khẩu ngược sang thị trường Trung Quốc rộng lớn, vốn lâu nay xuất khẩu khoai tây sang Việt Nam.

“Vào mùa đông lạnh lẽo đến đóng băng ở phía Bắc Trung Quốc thì không trồng được khoai tây và do đó là khoảng thời gian mà Việt Nam có thể xuất khoai tây sang nước này”, ông Ngọc nói.

Khác với các tỉnh phía Bắc chỉ trồng khoai tây vào vụ đông thì nhiều nơi ở Lâm Đồng như thành phố Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng có thể trồng khoai tây quanh năm. Đầu năm ngoái, Công ty Pepsico Việt Nam đã hỗ trợ nông dân trồng khoai tây ở đây thử nghiệm 6 giống khoai tây nhập ngoại và sau hơn 1 năm thử nghiệm, các cơ quan nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết năng suất các giống mà Pepsico Việt Nam cung cấp cho năng suất bình quân 20 tấn/héc ta, cao hơn 5 tấn so với các giống khoai tây mà nông dân đang trồng.

Có lẽ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển khoai tây năng suất cao, chất lượng tốt nên Pepsico Việt Nam đã chọn Lâm Đồng làm nơi triển khai chương trình phát triển khoai tây chế biến công nghiệp của công ty.

Trong hội nghị xúc tiến chương trình phát triển khoai tây chế biến công nghiệp tỉnh Lâm Đồng tổ chức gần đây, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Tổng giám đốc Pepsico Việt Nam, cho biết công ty sẽ nhập khẩu các giống khoai tây cung cấp cho nông dân để mở rộng diện tích khoai tây 600 héc ta hiện nay của Lâm Đồng lên 1.000 héc ta vào năm tới và thậm chí là 5.000 héc ta trong vài năm nữa, để cung cấp cho nhà máy chế biến khoai tây của công ty đi vào hoạt động vào đầu năm tới tại Bình Dương.

Rồi đây người tiêu dùng Việt Nam ăn các sản phẩm snack khoai tây thơm ngon mà nguyên liệu chế biến từ củ khoai tây do chính nông dân Việt Nam trồng chứ không phải snack nhập khẩu từ Mỹ hay Canada như lâu nay.

HỒNG VĂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới