Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tác động của dịch bệnh lên TTCK đang giảm dần bớt?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tác động của dịch bệnh lên TTCK đang giảm dần bớt?

Bình An

(TBKTSG) – Sau hai phiên bị bán tháo sau Tết Nguyên đán, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khởi đầu tháng 2 với sự hồi phục và ổn định trở lại. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần đầu tháng 2, VN-Index đứng ở mức 940 điểm, tương ứng tăng 0,4% so với tuần trước đó. Cùng với sự khởi sắc của nhóm ngân hàng nói chung, các blue-chips khác như FPT, REE, VNM, VCB, MWG… cũng đồng loạt tăng giá, giúp đà hồi phục của thị trường được củng cố.

Tác động của dịch bệnh lên TTCK đang giảm dần bớt?
Vốn hóa thị trường chứng khoán so với GDP (tỷ lệ %). Nguồn: TTXVN

Mặc dù vậy, điểm kém tích cực trong tuần qua là khối ngoại vẫn bán ròng khá mạnh. Tính chung cho cả ba sàn, khối ngoại mua vào 119 triệu cổ phiếu, trị giá 4.429 tỉ đồng, trong khi bán ra 145 triệu cổ phiếu, trị giá 5.123 tỉ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 26,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 694 tỉ đồng. Trong đó, riêng tại sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 627 tỉ đồng.

Trái với diễn biến chung không mấy tích cực của dòng vốn ngoại, dòng vốn ETF đổ vào TTCK Việt Nam trong những ngày đầu năm vẫn khá tốt và là động lực nâng đỡ tâm lý thị trường. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng 270 tỉ đồng chứng chỉ quỹ VFMVN30 ETF (mã E1VFVN30) từ đầu năm tới nay.

Một quỹ ETF nổi bật khác là VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) cũng phát hành ròng lượng chứng chỉ quỹ trị giá 2,3 triệu đô la Mỹ trong những ngày đầu năm mới. Dù vậy, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục VNM ETF hiện chỉ khoảng 70%. Do đó, ước tính quỹ chỉ mua ròng khoảng 1,6 triệu đô la Mỹ cổ phiếu Việt Nam. Quỹ ETF chuyên đầu tư vào các thị trường cận biên (Frontier Markets) iShare MSCI Frontier 100 ETF phát hành ròng 250.000 chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị 7,6 triệu đô la Mỹ từ đầu năm tới nay. Dù vậy, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục quỹ hiện chỉ chiếm 11%, ước tính quỹ đã mua ròng khoảng 0,8 triệu đô la Mỹ cổ phiếu Việt Nam. Ở chiều ngược lại, FTSE Vietnam ETF là quỹ ETF hiếm hoi bị rút vốn trong những ngày đầu năm mới với giá trị khoảng 2,3 triệu đô la Mỹ.

Trên thị trường thế giới, TTCK Mỹ tiếp tục khởi sắc trong tuần trước nhờ các dữ liệu kinh tế khả quan. Các chỉ số chứng khoán chính của nước này đều tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục. Chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa tuần ở mức 29.102 điểm (tăng 2,99%); chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức 3.327 điểm (tăng 3,16%). Báo cáo việc làm chính thức của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số lượng việc làm mới tăng thêm 225.000 việc làm trong tháng 1-2020, vượt dự báo trước đó của các chuyên gia. Cùng với đó, thu nhập trung bình của người lao động cũng tăng với tốc độ tốt.

Tại Trung Quốc, TTCK tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra. Tính đến nay, số lượng ca nhiễm mới và số người chết vì dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cao, chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này khiến các chuyên gia y tế lo ngại đỉnh dịch bệnh có thể vẫn chưa qua. Tuy vậy, tác động của dịch bệnh lên thị trường tài chính Trung Quốc đã tạm thời được kiềm chế trong ngắn hạn. Các chỉ số chứng khoán chính tại nước này đóng cửa cuối tuần trước đã hồi phục hơn 5% so với mức đáy thiết lập trong phiên ngày 3-2. Tuy vậy, hiện còn quá sớm để đánh giá những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến TTCK Trung Quốc đã hoàn toàn chấm dứt.

Cần lưu ý là các số liệu về kinh tế vĩ mô quan trọng của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm như doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp chỉ được công bố vào giữa tháng 3. Các số liệu này sẽ cho thấy tác động rõ nét của dịch bệnh đến tình hình kinh tế. Ước tính của các tổ chức quốc tế như Bloomberg, Capital Economics, ANZ… cho thấy tăng trưởng GDP của Trung Quốc, trong kịch bản thông thường có thể sẽ giảm 0,5-0,8 điểm phần trăm trong quí 1, còn trong kịch bản xấu khi dịch bệnh chưa có dấu hiệu kiểm soát,  mức giảm có thể lên đến 1,5 điểm phần trăm.

Trước diễn biến dịch bệnh gia tăng đã và đang có những tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, không ít nhà đầu tư trên TTCK đang kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm có các giải pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, ở góc độ chính sách tiền tệ, việc nới lỏng mạnh tay chính sách tiền tệ trở lại sẽ khó xảy ra do lạm phát cơ bản đang tăng nhanh trở lại. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ chỉ xem xét hỗ trợ giảm lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh cho các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh như xuất khẩu nông sản, du lịch… Thay vào đó, kích cầu thông qua chính sách tài khóa có thể sẽ khả thi hơn, nhất là trong bối cảnh việc phát hành trái phiếu chính phủ đang khá thuận lợi và Luật Đầu tư công sửa đổi đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2020.

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới