Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tác động của tăng giá điện, xăng dầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tác động của tăng giá điện, xăng dầu

Nguyễn Quang Thái (*) – Bùi Trinh

Giá xăng dầu tăng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Ảnh: LÊ TOÀN.

(TBKTSG) – Nếu tính tổng hợp cả việc tăng giá điện và xăng dầu thì ảnh hưởng trực tiếp về giá sản xuất tăng khoảng 1,14%, CPI khoảng 1,2% và ảnh hưởng lan tỏa cho chu kỳ sản xuất sau là 3,1% và chỉ số CPI là 3,3%.

Tác động trực tiếp của điều chỉnh giá

Kể từ ngày 24-2-2011 các mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu ma-zút đều được điều chỉnh tăng mạnh nhất từ trước đến nay. Giá bán lẻ các loại xăng tăng 2.900 đồng/lít; diesel tăng 3.550 đồng/lít, dầu hỏa tăng 3.100 đồng/lít; dầu ma-zút tăng 2.110 đồng/lít. Do tỷ trọng sử dụng xăng trong các ngành khá cao nên ảnh hưởng trực tiếp làm tăng giá sản xuất khoảng 0,88% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,9%.

Khi các ngành sử dụng các sản phẩm đã tăng giá làm chi phí đầu vào thì ảnh hưởng về giá của chu kỳ sản xuất tiếp theo về giá sản xuất bình quân cho cả nền kinh tế vào khoảng 2,59% và ảnh hưởng đến CPI vào khoảng 2,7%. Ngành kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất là vận tải đường bộ (8%), vận tải đường thủy khoảng 7%, vận tải hàng không 6,5%; các ngành đánh bắt thủy hải sản và các ngành khai thác cũng bị ảnh hưởng lớn, khoảng 6-7%.

Nếu tính tổng hợp cả việc tăng giá điện 15,28% từ ngày 1-3 thì ảnh hưởng trực tiếp về giá sản xuất tăng khoảng 1,14%, CPI khoảng 1,2% và ảnh hưởng lan tỏa cho chu kỳ sản xuất sau là 3,1% và chỉ số giá CPI sẽ vào khoảng 3,3%.

Các vấn đề liên quan về ổn định kinh tế vĩ mô

Dù chưa chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá điện, xăng dầu, thì CPI hai tháng đầu năm đã tăng 3,87% so với tháng 12-2010. Chỉ số CPI tăng một phần do việc điều chỉnh tỷ giá đô la Mỹ, nhưng cơ bản là do những yếu kém từ lâu của nền kinh tế như hiệu quả đầu tư (đặc biệt là đầu tư công) rất thấp, cũng như tình trạng bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại…

Nếu xét về khả năng tích lũy từ nội bộ nền kinh tế, qua tính toán từ chỉ tiêu để dành (saving) có thể thấy năng lực đầu tư từ nội bộ nền kinh tế ngày càng giảm. Nếu năm 2006 tỷ lệ để dành trên GDP là khoảng 36% thì đến năm 2010 tỷ lệ này giảm xuống còn 29,5% (mặc dù năm 2010 là năm có lượng kiều hối cao nhất trong 10 năm gần đây). Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư trên GDP luôn cao trên 40%.

Như vậy có thể thấy Chính phủ nên nhấn mạnh đến cả các vấn đề trung, dài hạn liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế như nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý và điều chỉnh các hoạt động chi trả sở hữu (nhất là với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài-FDI) như là một trong những giải pháp nhằm ổn định vĩ mô. Ngoài ra, cùng với quyết định tăng giá điện, xăng, dầu… cần thực hiện đồng bộ hơn nữa các giải pháp khác như cắt giảm chi tiêu công (trong đó có đầu tư công), giảm bội chi ngân sách, giảm thâm hụt thương mại, và tiến hành các giải pháp cải cách doanh nghiệp nhà nước… mà Chính phủ đã ban hành.

Cần lượng định những tác động đan xen của các chính sách mới

Một khi những nguyên nhân kể trên chưa được giải quyết căn bản mà đã dồn dập thực hiện tăng giá xăng, dầu, điện… ở mức cao sẽ dẫn tới những tác động cộng hưởng có thể làm CPI trong tháng 3 hoặc tháng 4 lên đến 3-4%, sau đó chậm lại nếu không có các tác động mới. Như vậy mặt bằng giá mới (trong đó có CPI) sẽ còn tiếp tục thay đổi thêm một số tháng nữa do tác động lan tỏa của giá năng lượng tăng, cộng với giá hàng nhập khẩu cũng tăng…

Cũng có thể tính đến cả một số khả năng tác động trước mắt của chính sách mới đối với tăng trưởng. Với giả thiết thu nhập của người dân không đổi, khi tăng giá điện, xăng, dầu… sẽ dẫn đến các hành vi tiêu dùng của người dân theo ba kịch bản: Một là người dân vẫn phải tiêu dùng với mức độ như vậy và phải giảm phần để dành lại; hai là người dân phải giảm bớt chi tiêu các sản phẩm khác để bù vào cho chi tiêu về điện, xăng dầu; và ba là người dân sẽ giảm mức chi tiêu về điện, xăng dầu khi những sản phẩm này tăng giá. Cả ba kịch bản sẽ dẫn tới GDP có thể giảm từ 1-1,79 điểm phần trăm. Tuy nhiên, nếu thực hiện kiên quyết, đồng bộ và nhịp nhàng các giải pháp như Nghị quyết 11-CP ngày 24-2 đề ra thì tình hình có thể sẽ sáng sủa hơn trong những tháng cuối năm và những năm tiếp theo.

(Xin xem thêm bài “Bóng ma cúp điện”)

__________________________________________________

(*) Giáo sư kinh tế học.

Ai cũng kêu

Theo ông Phan Văn Đông, Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản Kiên Giang, công ty có bốn nhà máy xay xát lúa gạo và một kho chứa, tất cả đều dùng điện lưới quốc gia nên giá điện tăng, giá thành sẽ tăng. Ông Đông tính: “Nếu giá điện tăng 15% thì chi phí sản xuất sẽ tăng khoảng 10%. Ngoài giá điện, doanh nghiệp còn phải chịu thêm áp lực tăng lãi suất ngân hàng, hiện đã ở mức 17-18%/năm”.

Không chỉ tăng giá mà việc thiếu điện cũng gây khó khăn cho sản xuất. Để đảm bảo sản xuất liên tục, doanh nghiệp phải mua máy phát điện dự phòng cho nhiều phân xưởng khác nhau, mỗi máy từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng, rất tốn kém và “chết vốn”. Mà chạy dầu để phát điện chỉ là giải pháp tình thế và không hiệu quả. Giải pháp của công ty là phải tập trung sản xuất vào các giờ thấp điểm, để giảm bớt giá thành.

Ở Công ty cổ phần Phân bón sinh hóa Củ Chi, ông Nguyễn Văn Sung, Giám đốc công ty, cho biết giá điện tăng sẽ làm giá thành tăng ít nhất 5%. Đó là chưa kể việc tác động dây chuyền, sự tăng giá của nhiều mặt hàng nguyên liệu cần thiết khác. Ông Sung nói: “Từ nhiều năm qua, công ty đã tìm cách tiết kiệm điện tối đa nên không thể tiết giảm hơn nữa. Mà giá phân bón tăng cao thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đến thu nhập của nông dân. Vì vậy, để giữ giá thành công ty sẽ tiết giảm tối đa các chi phí về hành chính, hội họp… và cố gắng nâng cao hiệu quả ở tất cả các khâu sản xuất”.

Trong lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp), cho biết mỗi tháng công ty phải trả 2 tỉ đồng tiền điện. Nếu giá điện tăng 15% thì công ty phải chi thêm ít nhất 300 triệu đồng/tháng. Ông Hùng nói: “Nhà nước tăng giá điện, doanh nghiệp phải chấp hành, nhưng Nhà nước phải đảm bảo nguồn điện công nghiệp ổn định để doanh nghiệp yên tâm sản xuất”.

Còn với nông dân như ông Lê Văn Đen ở ấp Thới Thuận 2, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (Cần Thơ) thì ông chủ trương phải “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, ông Đen lo nhất là vụ hè thu tới, tình hình khô hạn gay gắt nên phải bơm tưới nhiều, các khoản chi phí đầu tư đều cao hơn các vụ khác. Giá điện tăng, các thứ tăng theo thì giá lúa cũng phải tăng tương xứng mới được, ông Đen nói vậy.

Vũ Văn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới