Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tác động đến cả kinh tế toàn cầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tác động đến cả kinh tế toàn cầu

(TBKTSG) – Khủng hoảng tài chính Mỹ bắt đầu từ sự mất giá trên thị trường địa ốc và thị trường cho vay địa ốc có thế chấp (mortgages). Giá địa ốc Mỹ tăng nhanh trong thập kỷ vừa qua và trong 4-5 năm gần đây phần lớn là do tăng mức cầu của những người mua nhà nhưng không đủ điều kiện tài chính. Những người này được tài trợ bởi các món nợ địa ốc dưới chuẩn (subprime mortgages).

Các món nợ dưới chuẩn này được dùng làm thế chấp để phát hành chứng khoán dựa trên địa ốc (mortgage-backed securities) và các loại công cụ tài chính phức tạp khác. Tổng giá trị của các loại chứng khoán và công cụ tài chính phức tạp này lên tới 3.000-4.000 tỉ đô la Mỹ ở thời điểm đầu năm 2007 và được bán cho giới đầu tư khắp thế giới, nhưng chủ yếu là cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm ở Mỹ và châu Âu.

Khi thị trường địa ốc Mỹ bắt đầu chựng lại và xuống giá vào cuối năm 2006, đầu năm 2007 thì các chứng khoán và công cụ tài chính dựa trên vay địa ốc bị mất giá trầm trọng. Các công ty đánh giá tín dụng (rating agencies) vì vậy đã hạ chỉ số tín dụng của nhiều chứng khoán từ AAA xuống CCC trong vòng một ngày.

Điều này làm giới đầu tư hoang mang, mất tin tưởng và bán tống bán tháo các tài sản này, làm chúng mất giá trầm trọng thêm.Hiện nay giá cả các tài sản này xuống chỉ còn 20% (so với 100% ở đầu năm 2007). Nếu các ngân hàng phải đánh giá tài sản của mình theo mức giá này, thì số lỗ trên các tài sản dưới chuẩn có khả năng lên tới 2.400-3.200 ngàn tỉ đô la Mỹ.

Từ đầu năm 2007 đến nay, các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đã công nhận bị lỗ lên tới trên 510 tỉ đô la Mỹ và đã góp thêm vốn trên 350 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên các con số này còn quá nhỏ so với mức lỗ tiềm năng 2.400-3.200 ngày tỉ đô la Mỹ nói trên.

Ngay cả khi chính phủ Mỹ dùng ngân sách 700 tỉ đô la Mỹ để mua tài sản dưới chuẩn theo giá thị trường hiện nay, thì đó chỉ là công khai hóa mức lỗ tiềm năng như đã phân tích. Với mức lỗ tiềm năng lớn như thế, nhiều ngân hàng ở Mỹ và một số ở châu Âu đã lâm vào tình trạng phá sản (giá trị bên tích sản thấp hơn bên tiêu sản).

Khủng hoảng thị trường tín dụng đã trở thành khủng hoảng phá sản ngân hàng. Tác động đối với nền kinh tế vì thế sẽ trầm trọng hơn nhiều người vẫn nghĩ. Tình trạng tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu có khả năng trở thành suy thoái toàn cầu (định nghĩa là suất tăng trưởng GDP dưới 2,5%).

Tình huống xấu nhất như phân tích ở trên sẽ tác động đến Việt Nam qua hai kênh: (i) Giảm cầu trên thế giới sẽ dẫn đến giảm tăng tốc độ xuất khẩu của Việt Nam; (ii) Khủng hoảng tài chính, ngân hàng và đe dọa suy thoái ở nhiều nước sẽ giảm lượng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam.Việt Nam đã bị thiếu hụt lớn trong cán cân thanh toán thương mại, lên tới 16 tỉ đô la trong tám tháng đầu năm 2008.

Giảm xuất khẩu hay giảm lượng đầu tư vào Việt Nam sẽ tác động lên tình trạng nhập siêu thể hiện bằng giảm phát hay suy thoái kinh tế. Đây là nguy cơ, tuy vẫn còn tiềm ẩn, nhưng sẽ ngày càng rõ nét hơn nếu nền kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc độ.

Tình trạng nhập siêu như hiện nay đã trở thành nhược điểm rất lớn của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng tài chính ở Mỹ và giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cần phải áp dụng mọi biện pháp nhằm giảm nhập siêu, kể cả tiếp tục thi hành chính sách kinh tế hạ nhiệt và giảm việc nhập các loại hàng không cần thiết trước mắt.

TRẦN QUỐC HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới