Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tác động hai mặt của tăng tương tối thiểu vùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tác động hai mặt của tăng tương tối thiểu vùng

Thùy Dung

Tác động hai mặt của tăng tương tối thiểu vùng
Lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp trong ngành dệt may, thủy sản, da giày, điện tử…- Ảnh minh họa: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Lương tối thiểu vùng tăng được cho là sẽ giúp tăng thu nhập của người lao động, tăng sức mua… nhưng lại làm tăng chi phí của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày.

Dệt may, da giày chịu nhiều sức ép về chi phí

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, bộ đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng theo con số tuyệt đối là 180.000-230.000 đồng/tháng so với hiện nay, tức tăng bình quân 6,5% trong năm 2018.

 

 

 

 

 

 

 

 

Đơn vị: 1.000 đồng

Đây là mức tăng đã được Hội đồng tiền lương quốc gia, đại điện giới sử dụng lao động và đại diện người lao động thống nhất sau 3 buổi đàm phán. Bộ LĐTB&XH đề xuất quy định này được thực hiện từ ngày 1-1-2018.

Theo Bộ LĐTB&XH, mức tăng lương tối thiểu trên (6,5%) được tính toán dựa trên cơ sở bù đủ trượt giá sinh hoạt năm 2017 dự kiến vào khoảng 4-4,5% để bảo đảm tiền lương thực tế cho người lao động; cải thiện theo mức tăng năng suất lao động xã hội khoảng 2-2,5%; để thực hiện lộ trình điều chỉnh bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động. Nếu thực hiện theo phương án nêu trên thì đáp ứng được khoảng 92-96% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ tùy theo từng vùng.

Bộ LĐTB&XH cho biết, đề xuất phương án điều chỉnh nêu trên đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp, mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp…

Theo dự báo, với mức tăng lương tối thiểu vùng này, chi phí của doanh nghiệp nói chung sẽ tăng khoảng 0,55-0,6%, trong đó ngành dệt may, da giầy tăng cao hơn, khoảng 1,15-1,2%.

Cũng theo Bộ LĐTB&XH, mức điều chỉnh nêu trên đã có tính toán đến quy định về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội năm 2018 bao gồm người lao động ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cũng từ đầu năm 2018, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội có sự thay đổi, sẽ bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thay vì mức lương và phụ cấp lương như hiện nay.

Như vậy, kể từ năm 2018, nhiều quy định về bảo hiểm xã hội có hiệu lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thâm dụng lao động.

Để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, Chính phủ đã có giải pháp giảm 0,5% tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đang đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 0,5% tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động.

Tác động đến người lao động, doanh nghiệp 

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam cho hay, mức tăng 6,5% chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp dệt may nhưng đây là kết quả đàm phán, không thay đổi được nên các doanh nghiệp trong Hiệp hội sẽ phải tiết giảm chi phí, tăng năng suất, đầu tư trang thiết bị, giảm giá thành và để tồn tại.

Để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, theo ông Cẩm, Quốc hội nên giảm 0,5% tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho cả người lao động và người sử dụng lao động vì quỹ này đang có kết dư. Hiện nay, cả người lao động và chủ sử dụng lao động đều đang đóng mỗi bên 1% lương vào quỹ này.

Đánh giá về kết quả đàm phán tăng lương tối thiểu vừa qua, Ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam cho hay, lương tối thiểu có thể có tác động khác nhau lên các nhóm người sử dụng lao động và người lao động khác nhau. Doanh nghiệp ở đáy của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể cảm thấy lợi thế cạnh tranh về giá của họ phải chịu nhiều sức ép vì lương tối thiểu liên tục tăng trong những năm gần đây.

Thực tế, gần một thập kỷ qua, giá gia công (hay còn gọi là giá CMT – gồm cắt, may, ủi) cho một chiếc áo sơ mi hoặc quần jeans mà các nhà cung cấp của Việt Nam nhận được từ các công ty đa quốc gia vẫn hầu như không thay đổi, thậm chí còn thấp hơn trong một số trường hợp.

Điều này giải thích vì sao những người sử dụng lao động trong các ngành xuất khẩu thường xuyên bị sức ép phải cải thiện hiệu quả, giảm chi phí sản xuất với mong muốn giữ chi phí lao động thấp để duy trì biên lợi nhuận, vốn bị ép giữa một bên là lương tối thiểu tăng lên, cộng các chi phí khác, và một bên là giá gia công thấp.

“Vì thế, các công ty đa quốc gia cần phải đối thoại với các nhà cung cấp của Việt Nam và công đoàn để đảm bảo sự phân chia công bằng của các thành quả kinh tế và trách nhiệm xã hội”, ông Lee nói.

Xét về mặt tích cực, mức lương tối thiểu mới có thể giúp tăng cầu nội địa. Lương tối thiểu không chỉ ảnh hưởng đến người lao động có mức lương sát mức sàn này, mà còn tác động đến cả những người nhận lương cao hơn thông qua việc điều chỉnh bậc lương trong doanh nghiệp.

“Điều đó cũng có nghĩa là lương tối thiểu tăng có thể giúp cải thiện thu nhập của đa số người lao động, từ đó tăng tiêu thụ nội địa và đóng góp vào một mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cao hơn”, ông Lee nói.

Mời đọc thêm:

DN tiếp tục phàn nàn về lương tối thiểu và BHXH

Lương tối thiểu: cần đặt đầu bài đúng

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới