Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tác giả của truyện ca “Trầu Cau” qua đời

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tác giả của truyện ca “Trầu Cau” qua đời

Huệ Nghi

Tác giả của truyện ca “Trầu Cau” qua đời
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thời trẻ. Ảnh: Tư liệu

(TBKTSG Online) – Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tác giả của truyện ca Trầu Cau cùng nhiều sáng tác hùng ca, tình ca phổ thơ nổi tiếng vừa mới qua đời vào sáng nay, 29-6-2015, tại TPHCM, thọ 91 tuổi.

Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924, quê gốc Điện Bàn, Quảng Nam; lớn lên tại Đà Nẵng.

Từ những năm đầu thập niên 1940, ông tham gia hội Ái Nhạc (Socié té Philharmonique) ở Quảng Nam, được sinh hoạt âm nhạc với nhiều người vốn là công chức giỏi nhạc người Pháp, cho nên, theo nhạc sĩ Phạm Duy, đó là lý do mà Phan Huỳnh Điểu “có vốn liếng nhạc học nhiều hơn các nghệ sĩ tài tử trẻ trung khác”.

Trong bối cảnh đó, sáng tác đầu tay của ông – truyện ca Trầu Cau – được ra đời và tạo dấu ấn đặc biệt.

Phạm Duy viết trong cuốn Tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu về sự xuất hiện của Phan Huỳnh Điểu: “Vào thuở đầu đời của tân nhạc Việt Nam, Tourane (Đà Nẵng) và Faifoo (Hội An) là hai nơi có nhiều tài năng âm nhạc như Phan Huỳnh Điểu, Dương Minh Ninh, Phan Quang Định, Vương Quang, Vương Quốc Mỹ, La Hối chẳng hạn… Nếu trong phạm vi nhạc tình (…) các nhạc sĩ miền ngoài thường chỉ đưa ra những ca khúc ngắn (đoản khúc) thì hai ông họ Phan ở miền Trung này soạn ra những bài hát dài (trường khúc) có tính chất truyện ca. Phan Quang Định soạn Sơn Tinh Thủy Tinh, Phan Huỳnh Điểu thì soạn Trầu Cau”.

Và cũng theo đánh giá của cố nhạc sĩ Phạm Duy trong quyển sách trên: “Dù chưa phải là một tác phẩm tới hàng siêu phẩm (như Thiên thai, Trương Chi của Văn Cao hay Hòn vọng phu của Lê Thương), bài Trầu Cau cũng đã được dân chúng đón nhận từ lúc nó ra đời cho tới nhiều năm về sau như một trong những bài trường ca đầu tiên của Tân nhạc vậy”

Tuy nhiên, sự nghiệp âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có nhiều khúc quanh, đặc biệt khi ông tham gia hai cuộc kháng chiến. Theo đó, ông viết nhiều bản hùng ca vận động tinh thần chiến đấu: Đoàn giải phóng quân, Mùa đông binh sĩ, Tuyên truyền xung phong hay ca khúc ca ngợi lãnh tụ như Nhớ ơn Hồ Chủ tịch… (từ 1945 đến 1975). Thể loại hành khúc, hùng ca còn được ông theo đuổi sau ngày đất nước thống nhất qua các ca khúc: Cuộc đời vẫn đẹp sao (phổ thơ Bùi Minh Quốc) hay Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh)…

Nhưng ở một nhánh khác trong sự nghiệp, Phan Huỳnh Điểu được công chúng biết đến với những bản tình ca phổ thơ đầy đậm chất trữ tình: Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu (phổ thơ Xuân Quỳnh), Anh ở đầu sông em cuối sông ( phổ thơ Hoài Vũ), Sợi nhớ sợi thương (phổ thơ Thúy Bắc), Ở hai đầu nỗi nhớ (phổ thơ Trần Đình Chính), Tương tư chiều (phổ thơ Xuân Diệu) hay Thơ tình người lính biển (phổ thơ Trần Đăng Khoa)…

Ngoài ra, một mảng sáng tác mà ông được công chúng biết đến nữa, đó là nhạc thiếu nhi. Ông là cha đẻ của những sáng tác được nhiều thế hệ thiếu nhi hát và yêu thích, như: Đội kèn tí hon, Những em bé ngoan,…

Phan Huỳnh Điểu được xem là một trong số ít những nhạc sĩ phổ thơ thành công nhất trong nền tân nhạc Việt Nam.

Những năm cuối đời, ông vẫn tham gia nhiều sinh hoạt âm nhạc tại Hội nhạc sĩ TP.HCM và tham gia làm giám khảo, cố vấn âm nhạc cho một số chương trình âm nhạc trên truyền hình.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua đời do bệnh. Linh cữu ông được quàn tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng TP.HCM.

Xem thêm:

Đêm tình ca Phan Huỳnh Điểu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới