Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tắc nghẽn chuỗi cung ứng thôi thúc doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động sản xuất về nước

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng trong thời kỳ dịch bệnh đã tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ chuyển bớt hoạt động sản xuất từ châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc về nước hoặc về những nơi gần quê nhà như Mexico.

Các vấn đề trong chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid-19 đã khuyến khích doanh nghiệp Mỹ chuyển bớt dây chuyền sản xuất về nước. Ảnh: NY Times

Tăng tốc đưa việc làm về nước sau tác động của dịch bệnh

Khi khách đến văn phòng của Công ty may mặc America Knits ở Swainsboro, bang Georgia, thứ đầu tiên họ nhìn thấy trên tường là một bức ảnh đen trắng mà người đồng sáng lập công ty, Steve Hawkins, đã mang về treo sau khi phát hiện nó trong một cửa hàng đồ cổ địa phương.

Bức ảnh chụp một số rất nhiều nhà máy dệt may từng nằm rải rác trong khu vực, cùng với những công nhân đang làm việc trên máy móc. Khung cảnh đó phản ánh thời kỳ hoàng kim của ngành dệt địa phương, và thúc đẩy Hawkins mở rộng hoạt động sản xuất quần áo ở Swainsboro, một vùng nông thôn miền nam nước Mỹ.

Kế hoạch mở rộng sản xuất trong nước của các công ty như America Knits sẽ kiểm định liệu Mỹ có thể lấy lại một phần sản lượng sản xuất mà họ đã chuyển sang cho Trung Quốc và các nước khác trong những thập kỷ gần đây hay không.

Công ty của Hawkins, được thành lập vào năm 2019, có 65 công nhân sản xuất áo phông cao cấp với nguồn nguyên liệu bông vải trồng tại địa phương. Ông kỳ vọng lực lượng lao động sẽ tăng lên 100 người trong những tháng tới. Ông thừa nhận ông giống như “kẻ gàn dở” vì là doanh nhân duy nhất muốn mở rộng sản xuất tại khu vực Swainsboro.

Nhưng ông nhận thấy nỗ lực đưa hoạt động sản xuất từ nước ngoài trở về cố hương đã tìm thấy thời điểm chín muồi. Một số doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng đang triển khai các kế hoạch tương tự.

Hồi tháng 12 năm ngoái, hãng xe General Motors tiết lộ đang xem xét chi tới 4 tỉ đô la để mở rộng sản xuất xe điện và pin ở bang Michigan.

Tháng 10 năm ngoái, hãng chip Micron Technology thông báo kế hoạch đầu tư hơn 150 tỉ đô la cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển chip nhớ trong thập kỷ tới, với một phần trong số đó sẽ được thực hiện ở Mỹ.

Đưa hoạt động sản xuất trở về Mỹ là một mục tiêu quan trọng của chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, người đã áp thuế với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ các đồng minh và đối thủ, phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, rút khỏi hoặc đàm phán lại các thỏa thuận thương mại. Nhưng những nỗ lực này hầu như không làm thay đổi đáng kể trong cán cân thương mại với Trung Quốc cũng như trong xu hướng chuyển bớt hoạt động sản xuất từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về Mỹ.

Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch ập đến, các nỗ lực di dời sản xuất về Mỹ đã tăng tốc, theo nhận định của Claudio Knizek, nhà lãnh đạo toàn cầu về sản xuất tiên tiến tại Công ty tư vấn chiến lược EY-Parthenon. Ông nói: “Các nỗ lực này có thể đã đạt đến điểm bùng phát”.

Nhiều thập kỷ phụ thuộc vào các nhà máy ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ phải suy nghĩ lại bởi tình trạng giao hàng chậm trễ và giá cước vận tải biển tăng cao do các tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng trong thời kỳ dịch bệnh. Câu chuyện tàu container ùn ứ tại các cảng biển quá tải ở Mỹ và những thách thức trong việc thu mua các linh kiện cũng như thành phẩm kịp thời đã thôi thúc các doanh nghiệp Mỹ lẫn nước ngoài lên kế hoạch đưa hoạt động sản xuất về những nơi gần hơn với người tiêu dùng Mỹ.

Các ngành sản xuất phức tạp sẽ dẫn đầu làn sóng “hồi hương”

Tim Ingle, Phó Chủ tịch phụ trách chiến lược doanh nghiệp của Công ty Toyota Motor Bắc Mỹ (quản lý hoạt động của Toyota tại Canada, Mexico và United States), nói: “Đưa hoạt động sản xuất về gần khách hàng là điều hoàn toàn cần thiết. Đó là một nỗ lực lớn nhưng là xu thế trong tương lai”.

Cuối năm ngoái, Toyota thông báo kế hoạch đầu tư 1,3 tỉ đô la để xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện với 1.750 nhân công ở bang Bắc Carolina.

Claudio Knizek dự báo các ngành sản xuất những sản phẩm phức tạp và đắt tiền sẽ dẫn đầu làn sóng đưa việc làm về Mỹ, bao gồm ô tô, bán dẫn, quốc phòng, hàng không và dược phẩm. Bất cứ ngành nào đòi hỏi lượng lao động chân tay lớn, hoặc khó tự động hóa, sẽ ít có khả năng quay trở về Mỹ.

Willy C. Shih, giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Harvard, nhận định, đối với các mặt hàng như giày dép, đồ nội thất hoặc đèn trang trí, việc chuyển sản xuất về Mỹ là điều khó khăn vì khó cạnh tranh được mức lương chỉ khoảng 2,50 đô / giờ ở Trung Quốc.

Giáo sư Shih cho rằng Trung Quốc vẫn duy trì những lợi thế to lớn, như lực lượng lao động khổng lồ, dễ dàng tiếp cận nguyên liệu thô và các nhà máy hoạt động với chi phí thấp. Ông nói: “Đối với rất nhiều mặt hàng mà người tiêu dùng Mỹ mua, không có nhiều lựa chọn thay thế tốt cho các sản phẩm của Trung Quốc”.

Nhưng các động thái xây dựng nhà máy mới ở Mỹ của các hãng xe và hãng công nghệ cho thấy Mỹ có thể đưa các ngành sản xuất phức tạp hơn về nước. Đó là mục tiêu nhận được sự nhất trí cao của phe Cộng hòa và phe Dân chủ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, người đang thúc đẩy một dự luật trợ cấp 52 tỉ đô la cho hoạt động sản xuất chip ở trong nước.

David Moore, Giám đốc chiến lược kiêm Phó chủ tịch tại Micron Technology, nói: “Các chính sách ưu đãi để giúp tạo ra sân chơi bình đẳng là yếu tố then chốt. Xây dựng một cơ sở sản xuất chip nhớ tân tiến cần một khoản đầu tư khá lớn, không chỉ là 1 hoặc 2 tỉ đô la”.

Rick Burke, lãnh đạo ở bộ phận chuỗi cung cứng và sản phẩm của hãng tư vấn Deloitte, cho biết sau tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và các hạn chế xuất khẩu hàng hóa y tế như khẩu trang, việc chuyển sản xuất về gần quê nhà cũng đang được coi là ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ.

Ông cho rằng dù một số doanh nghiệp đã công bố chi hàng tỉ đô la để xây dựng nhà máy mới tại Mỹ, nhưng có thể phải chờ đến cuối những năm của thập kỷ 2020 các khoản đầu tư này mới tạo ra một lượng công việc đáng kể trong ngành sản xuất của Mỹ. Và ngay cả đến lúc đó, Mỹ có thể vẫn phải tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu thô và một số thành phần, kinh kiện từ nước ngoài.

Tuy nhiên, những động thái này có thể đảo ngược xu hướng giảm việc làm ở các nhà máy của Mỹ trong hàng thập kỷ qua.

25 năm trước, các nhà máy ở Mỹ sử dụng hơn 17 triệu lao động, nhưng con số đó giảm xuống còn 11,5 triệu vào năm 2010. Kể từ đó, lao động của ngành sản xuất ở Mỹ nhích lên dần dần và đạt 12,5 triệu người vào thời điểm hiện tại.

Lao động ngành sản xuất được trả mức lương khá

Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty may mặc America Knits ở Swainsboro, bang Georgia, Mỹ. Ảnh: NY Times

Sản xuất vẫn là một trong những ngành nơi mà 2/3 người Mỹ không có bằng đại học có thể kiếm được mức lương khá. Ở các thành phố lớn, các nhà máy thường trả từ lương từ 20-25 đô la/giờ so với mức trả 15 đô la/giờ trở xuống cho các công việc tại nhà kho hoặc trong nhà hàng và quán bar.

Tại vùng nông thôn miền nam, Công ty may mặc America Knits, nhà sản xuất các nhãn hàng riêng để bán cho các chuỗi bán lẻ bao gồm J. Crew và Buck Mason, công nhân kiếm được 12 đến 15 đô la/giờ, cao hơn so với mức trả 7,5-11 đô la/giờ cho các công việc trong ngành dịch vụ.

Ông Steve Hawkins, đồng sáng lập America Knits, cho biết công ty ông đang ráo riết tuyển lao động nhờ nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng đối với sản phẩm áo phông của công ty cũng như nhu cầu tăng lên từ các nhà bán lẻ khi nguồn hàng nước ngoài bị giao chậm trễ do các vấn đề trong chuỗi cung ứng.

Ông nói: “Các nhà bán lẻ đã tỉnh ngộ và đưa hoạt động sản xuất về nước. Với giá bán lẻ mỗi chiếc áo phông cao cấp từ 30 đô la trở lên, họ đủ sức để đặt đơn hàng ở các nhà sản xuất trong nước”.

Julie Land, Chủ tịch Công ty may mặc Winnipeg Stitch Factory (Canada) thừa nhận nếu ở thời điểm cách cách đây vài năm, bà đương nhiên nhìn sang châu Á nếu muốn mở rộng hoạt động sản xuất áo khoác và các mặt hàng quần áo khác. Nhưng giờ đây, doanh nghiệp này sẽ mở một nhà máy ở TP. Port Gibson, bang Mississippi (Mỹ) vào năm 2022. Vải sẽ được cắt ở TP. Winnipeg, Canada, sau đó chuyển đến Port Gibson để may thành các loại quần áo như áo khoác và áo len.

Julie Land cho biết nhà máy này sẽ được tự động hóa mạnh mẽ, giúp công ty của bà kiểm soát chi phí và cạnh tranh với các xưởng may ở nước ngoài. Bà nói: “Việc đưa hoạt động sản xuất về gần quê nhà sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng đang diễn ra và điều đó thật thú vị. Nếu đặt hàng ở nước ngoài, bạn sẽ đối mặt với nhiều thứ không chắc chắn, với thời gian giao hàng lâu hơn”.

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới