Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tái cấu trúc đầu tư, cần siết kỷ cương trước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tái cấu trúc đầu tư, cần siết kỷ cương trước

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Mối hoài nghi của nhiều chuyên gia kinh tế về hiệu lực của chính sách cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát, theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, nay đã có câu trả lời rõ ràng.

Theo báo cáo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và trình Chính phủ vào đầu tháng 10, số dự án sử dụng vốn nhà nước mới khởi công trong nửa đầu năm nay chẳng những không giảm mà còn tăng mạnh. Cụ thể, có đến 6.731 dự án mới khởi công trong sáu tháng đầu năm và tăng gần 1.000 dự án so với cùng kỳ năm ngoái.

Rõ ràng, những con số thống kê về đầu tư công kể trên là đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết 11 của Chính phủ: “Không khởi công các công trình, dự án mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và các dự án trọng điểm quốc gia”. Đồng thời, việc số dự án đầu tư công tăng mạnh còn cho thấy, tình trạng đầu tư dàn trải chẳng những không giảm mà còn tăng lên.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nói vì sao số dự án sử dụng vốn nhà nước trong sáu tháng đầu năm nay lại tăng mạnh như vậy. Nhưng dù nguyên nhân có là gì đi chăng nữa, thì những con số đó cũng cho thấy một thực tế là chủ trương, đường lối điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã không được tôn trọng và tuân thủ một cách nghiêm túc. Điều này đặt ra một thách thức to lớn đối với việc triển khai thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công.

Trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị lần thứ 3 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, những giải pháp tái cấu trúc đầu tư đã được định hình khá rõ ràng. Đó là xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để phê duyệt hay từ chối hoặc cắt giảm các dự án đầu tư. Khắc phục tình trạng phát triển quá nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, khai thác quá mức tài nguyên, khoáng sản mà chưa tính toán đầy đủ khả năng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư; tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng nguồn lực hiện có, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra nhiều năm, dẫn đến đầu tư dàn trải, kéo dài…

Có thể thấy, giải pháp để giải quyết những bất cập trong đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, không quá phức tạp. Với sự giúp sức của các chuyên gia, Chính phủ có thể dễ dàng ban hành những tiêu chí để đánh giá hiệu quả của dự án, có thể ban hành các quy định, luật lệ để ngăn chặn tình trạng đầu tư dàn trải, cắt khúc… Tuy nhiên, nếu kỷ cương pháp luật vẫn còn bị buông lỏng, chủ trương và chính sách điều hành kinh tế ở cấp vĩ mô tiếp tục không được tôn trọng và thực thi một cách chặt chẽ, thì cho dù đường lối, giải pháp có đúng, có tốt đến đâu cũng khó mà đạt được kết quả như mong muốn.

Vì vậy, để chủ trương tái cấu trúc đầu tư, nhất là đầu tư công, đạt kết quả như kỳ vọng, trước hết cần phải siết chặt kỷ cương pháp luật. Trên tinh thần đó, thiết nghĩ Chính phủ nên đánh giá một cách nghiêm túc bản báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những bộ, ngành và địa phương không thực hiện nghiêm túc chính sách cắt giảm đầu tư công, chống lạm phát của Chính phủ. Tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có vấn đề đầu tư công, là việc làm đụng chạm đến lợi ích. Đó có thể là lợi ích của một nhóm nhỏ hoặc của cục bộ địa phương nhưng mâu thuẫn với lợi ích chung của cả nền kinh tế với lợi ích chung của nhân dân cả nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới