Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tái cấu trúc DNNN: những áp lực ở chặng nước rút

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tái cấu trúc DNNN: những áp lực ở chặng nước rút

Ngọc Lan

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Phải mất 17 năm, Việt Nam mới chuyển 3.836 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần nhưng chỉ chưa đầy chín tháng nữa, 1.500 DNNN còn lại cũng sẽ phải chuyển đổi hình thức để hoạt động trong một “sân chơi” bình đẳng chung như các thành phần doanh nghiệp khác.

Mỗi tháng phải chuyển đổi 167 DNNN  

Bà Lê Thị Hoa, Ủy viên thường vụ Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), nơi mất bốn năm để cổ phần hóa (CPH) mang nhiều tâm trạng và kinh nghiệm đến diễn đàn “Tái cấu trúc và phát triển DNNN” do Câu lạc bộ DNNN và báo Đầu tư phối hợp tổ chức tuần trước tại Hà Nội.

Để bắt tay vào quá trình CPH ngân hàng lớn này, bà đã có những tìm hiểu và thấy rằng, sẽ rất khó khăn khi chỉ còn chín tháng nữa để chuyển 1.500 DNNN sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trong đó có tới 760 doanh nghiệp được xếp vào dạng cần CPH. Số doanh nghiệp còn lại này có quy mô vốn chiếm tới hơn 70% tổng vốn tại các DNNN.

Ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), thành viên chính chấp bút bản dự thảo Nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước cho Chính phủ, cũng đồng tình rằng, việc Luật DNNN hết hiệu lực, phải chuyển đổi mô hình quản trị DNNN sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đang chịu sức ép từ nhiều phía.

Nhiều người hoài nghi khả năng chuyển đổi đúng hẹn vì thực tế quá trình chuyển đổi DNNN thành công ty trách nhiệm hữu hạn, nhất là công ty cổ phần quá chậm và hiệu quả chưa được như mong đợi. Số DNNN được CPH tính đến nay mới chiếm 12% số vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ông cũng gọi thời gian và quy mô cần chuyển đổi của số DNNN còn lại trước 1-7-2010 là “chướng ngại vật không dễ vượt qua”.

Tính đi tính lại, để đạt cột mốc chín tháng cho chuyển đổi như kế hoạch, mỗi tháng Nhà nước cần chuyển đổi 167 DNNN (lấy từ con số chính xác 1.549 DNNN còn lại mà bà Nguyễn Kim Toàn, Vụ trưởng Vụ đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đưa ra tuần trước).

Nhưng thực tế năm 2009 thì sao? Báo cáo của Ủy ban Kinh tế sắp trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới, khi nhận xét về hạn chế trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế năm 2009 có nói rằng: “Một trong những giải pháp của năm 2009 được nêu trong báo cáo của Chính phủ là đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN, trong đó có CPH thì năm qua chỉ thực hiện được khoảng 100 doanh nghiệp, trong đó CPH là 40 doanh nghiệp”.

Liệu rằng, thời gian, tốc độ chuyển đổi thực tế cộng với vô vàn các vấn đề đặt ra cho một quá trình chuyển đổi, CPH như xác định tài sản doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất, việc chọn đối tác chiến lược, phát hành cổ phiếu… thường phải mất hàng năm sẽ được giải quyết thế nào? “Để DNNN được tái cấu trúc rồi không phải tái cấu trúc lại, để DNNN sau khi chuyển đổi, tái cấu trúc không phải vận hành dưới một cái tên mới và cơ thể cũ”, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), một trong số 1.549 doanh nghiệp còn lại trong diện chuyển đổi mô hình hoạt động, nói thẳng.

DNNN trên những sợi dây “chung chiêng”

Sau ngày 1-7-2010, tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước đều phải đăng ký, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. DNNN sẽ không tồn tại dưới hình thức công ty nhà nước. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa không còn DNNN mà DNNN hiện diện dưới bốn hình thức khác là: công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH từ hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh. Tất cả các doanh nghiệp dưới bốn hình thức trên mà tỷ lệ vốn nhà nước trong vốn điều lệ là 100% hay ở mức chi phối (từ 50% vốn điều lệ trở lên) đều là các DNNN.

(Trích ý kiến của ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển doanh nghiệp)

Theo phát biểu của ông Bảo, có vẻ ông chưa tìm thấy những cơ sở thực tế, hành lang pháp lý đủ mạnh để tái cấu trúc DNNN. Ông ví dụ, kế hoạch thí điểm thuê giám đốc ở một số DNNN đã đi đến hồi kết mà không đạt kết quả. Có một nơi làm xong như Tổng công ty Ô tô Việt Nam (Vinamoto) nhưng người được thuê nếu không có thực quyền cũng không làm được.

Ấy là chưa kể đến những thứ vướng khác mà ông dẫn ra luôn như việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ấn định tiền lương của tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT ở những DNNN sau khi CPH mà Nhà nước còn vốn chi phối không được vượt quá 8-10 lần mức lương bình quân của người lao động tại doanh nghiệp hay chưa có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau CPH.

“Nếu hoạt động trong môi trường sau chuyển đổi như thế là không đúng và cũng không đúng theo cơ chế thị trường và Luật Doanh nghiệp”, ông nói.

Bà Hoa nhận xét một số doanh nghiệp sau CPH ít có sự thay đổi về cơ cấu và cơ chế quản lý, năng lực điều hành và tất yếu hiệu quả kinh doanh không được cải thiện. Bà cho rằng có tới 10% doanh nghiệp hậu CPH vẫn tiếp tục thua lỗ. Hoặc có nhiều doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối nhưng thực tế vẫn giữ tới trên 51% nên vẫn vận hành như trước, ngoài việc thay đổi một phần sở hữu vốn cũng so với trước. Địa vị pháp lý của các công ty thuộc diện Nhà nước giữ cổ phần chi phối cũng rất chung chiêng.

“Khi cần kiểm soát thì các cơ quan quản lý coi họ là DNNN, khi xét hưởng ưu đãi của Nhà nước (nếu có) lại bị coi là công ty cổ phần… Vô số các văn bản pháp quy hiện tại vẫn còn đó những quy định nhập nhằng, chồng chéo về DNNN”, bà nói. Thậm chí, như dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua cuối tháng này, vẫn còn để lại những quy định về việc các tổ chức tín dụng (kể cả ngân hàng quốc doanh và các loại hình ngân hàng khác ngoài mô hình này) phải trình danh sách lãnh đạo cho Ngân hàng Nhà nước thông qua trước khi đề cử hay bổ nhiệm.

“Các cơ quan quản lý nên hạn chế đến mức thấp nhất việc can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào quá trình quản trị, điều hành của doanh nghiệp”, bà Hoa phát biểu.

Còn ông Cường khẳng định, trong bối cảnh chuyển đổi khung pháp lý với cơ cấu sở hữu đan xen trong doanh nghiệp thì khái niệm DNNN trước đây không còn là điểm tựa duy nhất để Nhà nước ứng xử với doanh nghiệp và quản lý đối với phần vốn đầu tư của mình.

“Bản chất của DNNN sau chuyển đổi sẽ không còn đóng khung trong những tiêu chí cố định như việc Nhà nước quản lý, quyết định cán bộ lãnh đạo, áp đặt cơ chế, chính sách”. Ông Cường nói như vậy và phân tích trong bối cảnh mới, bản chất của DNNN được thể hiện thông qua việc sử dụng quyền sở hữu của Nhà nước và quyền kiểm soát của Nhà nước.

“Cần ban hành các quy định về người đại diện sở hữu vốn nhà nước và thực hiện quyền của Nhà nước với doanh nghiệp thông qua những người này với tư cách một cổ đông, bình đẳng như bao cổ đông khác”, bà Hoa đề nghị.

Ông Cường cũng cho rằng thay vì cần lấy trọng tâm là ban hành khung pháp lý với nhiều quy định để kiểm soát chặt đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước sau chuyển đổi thì phải lấy trọng tâm là lựa chọn người đại diện vốn nhà nước có năng lực, trách nhiệm và có cơ chế đảm bảo để những người đại diện vốn nhà nước thực hiện quyền sở hữu nhà nước bên cạnh việc giám sát đối với doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật.

Nếu không kịp làm những việc này thì ông Cường băn khoăn: “Cũng không loại trừ một phương án dự phòng bất khả kháng là phải kéo dài hiệu lực của Luật DNNN do không kịp chuyển đổi các doanh nghiệp trước thời điểm 1-7-2010”.

Chuyện này mà xảy ra, thì “chặng nước rút” tái cơ cấu DNNN bị thay bằng cách “giậm chân tại chỗ”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới