Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tái cấu trúc nền kinh tế sẽ gặp khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tái cấu trúc nền kinh tế sẽ gặp khó

Đinh Tuấn Minh

Tái cấu trúc nền kinh tế sẽ gặp khó
Ông Đinh Tuấn Minh.

(TBKTSG) – Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ các loại lãi suất điều hành 1 điểm phần trăm trong khi lạm phát tính theo năm vẫn ở mức cao, tới 16,44%, có thể xem là hơi sớm.

Mặc dù tôi tin rằng việc NHNN hạ lãi suất lần này không ảnh hưởng đến xu thế giảm lạm phát của nền kinh tế cho đến hết quí 3 năm nay, do tốc độ tăng trưởng cung tiền của nền kinh tế trong năm 2011 ở mức tương đối thấp, nhưng tôi lại e ngại rằng chính sách này sẽ làm chậm lại quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và sẽ gây ra hiện tượng lạm phát duy trì ở mức cao, trên dưới 10%, dai dẳng trong vài năm tới.

Thường thì các chính phủ sẽ tranh thủ giai đoạn đẩy lãi suất tín dụng lên cao để thực hiện các chương trình đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế nhằm cải thiện nhanh hơn năng suất của nền kinh tế. Một chính phủ kiên định đổi mới sẽ đặt các doanh nghiệp vào tình huống “phải cải cách hay là chết”. Nhưng nếu chính phủ yêu cầu ngân hàng trung ương phải hạ lãi suất trước khi các chương trình đổi mới, tái cấu trúc kết thúc thì công cuộc đổi mới nền kinh tế sẽ khó có thể thành công vì các doanh nghiệp mất đi sức ép phải đổi mới công nghệ và phương thức quản lý. Năng suất của nền kinh tế sẽ hầu như không được cải thiện. Những  doanh nghiệp yếu kém tiếp tục tồn tại và “ngốn” vốn của nền kinh tế.

Theo nhìn nhận của tôi thì có vẻ như nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào kịch bản sau. NHNN ra tín hiệu hạ lãi suất của nền kinh tế trong khi các chương trình tái cấu trúc chưa thực hiện được bao nhiêu. Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mới chỉ khởi động, còn quá trình tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như đầu tư công vẫn đang trong quá trình thảo luận, chưa có một động thái rõ ràng nào. Nếu mức lãi suất của nền kinh tế hạ nhanh, mỗi quí 1%, như Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố, thì các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đang hoạt động kém hiệu quả sẽ không có động lực đổi mới nữa. Họ sẽ chờ đợi lãi suất hạ để hồi sinh trở lại. Chương trình cải cách khu vực DNNN sẽ gặp phải khó khăn vì các điểm yếu bộc lộ trước đó đã bị che lấp trở lại. Khi bị ép phải đổi mới từ bên trên, các DNNN khi đó sẽ phản ứng lại rằng “tại sao họ phải thay đổi khi họ vẫn hoạt động có lợi nhuận?”.

Nếu như các quá trình tái cấu trúc nền kinh tế bị đình trệ thì Việt Nam sẽ khó có thể có được mức tăng trưởng cao trong những năm tới. Với mức tăng trưởng chỉ khoảng 5,5-6%/năm trong khi tốc độ tăng trưởng cung tiền (M2) và tăng trưởng tín dụng  vẫn ở mức 15-17% thì mức lạm phát của nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn quanh quẩn ở mức xấp xỉ 10% chứ khó có thể giảm được xuống mức 5% và thấp hơn như hầu hết những nước có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định có thể duy trì.

Có lẽ NHNN nên kiến nghị với Chính phủ rằng động thái hạ lãi suất tiếp theo sẽ tùy thuộc vào tốc độ thực hiện các chương trình tái cấu trúc hiện nay của Chính phủ. Nếu quá trình tái cấu trúc diễn ra chậm chạp thì NHNN sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cao hiện tại. Đây không phải là sự gây khó cho nền kinh tế của NHNN mà là sự thể hiện tính độc lập của NHNN với Chính phủ. Chính sách tiền tệ cần hướng đến sự phát triển ổn định dài hạn của nền kinh tế chứ không phải điều chỉnh trước sức ép của các nhóm lợi ích hoặc theo các mục tiêu ngắn hạn của Chính phủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới