Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tái cấu trúc thị trường chứng khoán: Trọng tâm là ở công ty chứng khoán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tái cấu trúc thị trường chứng khoán: Trọng tâm là ở công ty chứng khoán

Thanh Thương thực hiện

Tái cấu trúc thị trường chứng khoán: Trọng tâm là ở công ty chứng khoán
Thị trường chứng khoán chờ tái cấu trúc. Ảnh: Minh Khuê

(TBKTSG Online)- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Cùng lúc, nhiều chuyên gia trong ngành cũng góp những ý kiến đáng để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phải lưu tâm. TBKTSG Online ghi nhận một số ý kiến này.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Bộ môn Chứng khoán, Đại học Ngân hàng TPHCM:  "Phải tăng cường quản trị rủi ro tại công ty chứng khoán"

Tái cấu trúc thị trường chứng khoán là điều mà nhà đầu tư rất trông đợi. Trong chương trình triển khai các giải pháp đối với thị trường chứng khoán, các quy định về việc tách bạch tài khoản của nhà đầu tư, ra các sản phẩm mới, quy định về quỹ mở… sẽ là những thông tin tốt cho thị trường.

Theo tôi, hiện tại cần lấy lại lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường. Đầu tiên vẫn là sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Trong đó có việc giảm lạm phát, giảm lãi suất để doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và đi lên. Đồng thời, chuyện các công ty chứng khoán mất thanh khoản, cho vay tràn lan, nợ xấu chồng chất cũng là vấn đề  ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Một vấn đề nữa là hàng hóa, hiện tại chuyện nhiều doanh nghiệp niêm yết hoạt động không minh bạch, hiệu quả kinh doanh kém cũng vẫn tồn tại trên sàn. Việc cần làm cho thị trường là tăng các tiêu chuẩn lên niêm yết, đưa ra các quy định về tài chính buộc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải áp dụng để hạn chế được các rủi ro.

Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC: "Phải xem công ty chứng khoán như ngân hàng"

Phải đưa ra các bộ quy chuẩn buộc các công ty chứng khoán tuân theo để đảm bảo tính an toàn cho hệ thống. Vì thực chất, công ty chứng khoán cũng thực hiện các hoạt động huy động, cho vay. Nếu không kiểm tra và đưa ra các quy định chặt chẽ như ở ngân hàng thì sẽ không thấy rõ được các công ty này đang làm gì, dòng tiền đang dịch chuyển ra sao. Điều này sẽ dẫn đến sự mất thanh khoản mà các công ty chứng khoán đang gặp phải.

Tái cấu trúc thị trường chứng khoán, việc đầu tiên theo tôi là phải rà soát và tái cấu trúc công ty chứng khoán. Nên đưa ra quy định về việc tăng vốn. Mức vốn này phải đảm bảo để công ty có thể cung cấp các dịch vụ tài chính. Điều này nếu làm được thì cũng sẽ giúp cơ quan chức năng dễ thực hiện rút ngắn quá trình thanh toán.

Thêm nữa, các quy định nên đi sát với nhu cầu thị trường. Ở các nước, việc đưa ra các sản phẩm phục vụ cho thị trường là cách mà công ty chứng khoán “bán hàng” cho nhà đầu tư. Chính họ phải chịu trách nhiệm về việc này. Vì vậy không thể cho rằng cơ quan chức năng sẽ cho ra đời các sản phẩm phục vụ nhà đầu tư. Điều này trái với thông lệ quốc tế.

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM: "Nên để các công ty chứng khoán yếu kém tự đào thải".

Thời gian qua, nhiều và rất nhiều công ty chứng khoán đã làm nhiều điều sai như cho nhà đầu tư vay để mua chứng khoán bằng cách biến tướng như: cho nhà đầu tư bán khống cổ phiếu bằng các vay chứng khoán của người khác… làm cho thị trường bị méo mó, biến dạng và tiếp tay cho sự đi xuống của thị trường. Nguyên nhân từ đâu? Tôi cho là do thực hiện trên tài khoản tổng của công ty chứng khoán. Việc tồn tại tài khoản tổng là do thị trường chứng khoán Việt Nam đang thực hiện phương thức thanh toán 2 cấp. Duy trì hệ thống thanh toán 2 cấp là khi trình độ công nghệ thông tin thấp, làm thủ công. Vấn đề này hiện đã cải thiện nhiều, vì vậy  đã đến lúc phải bỏ tài khoản tổng, nghĩa là thanh toán 1 cấp từ người mua sang người bán thông qua tài khoản bằng tiền ở ngân hàng. Có như vậy tiền của nhà đầu tư độc lập mới được tách biệt với hoạt động của công ty chứng khoán và sẽ không có chuyện tiền của nhà đầu tư trong công ty chứng khoán không thể không được rút ra như sự việc của SME.

Khi thực hiện cách thức thanh toán 1 cấp, vừa giúp đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư, vừa thực hiện những điều lâu nay Ủy ban Chứng khoán nói nhưng chưa làm được là rút ngắn T+ và không thể có tình trang công ty chứng khoán cho khách hàng vay vốn dưới các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, sẽ không tồn tại chuyện bán khống bằng cách cho mượn chứng khoán..

Như vậy theo tôi cần phải tái cấu trúc phương thức thanh toán là mấu chốt. Qua đó các công ty chứng khoán chỉ còn lại thực hiện hình thức môi giới, tư vấn đầu tư, tư vấn doanh nghiệp thuần túy. Quá trình này sẽ tự đào thải các công ty chứng khoán, chính những công ty chứng khoán lúc này còn bị cạnh tranh với các quỹ đầu tư, vì quỹ đầu tư có chức năng quản lý danh mục đầu tư và cũng sẽ tư vấn đầu tư cho các tổ chức  và các cá nhân đầu tư như các công ty chứng khoán. Sự cạnh tranh này tất yếu đào thải các công ty chứng khoán nhỏ mà không ảnh hưởng đến hệ thống thị trường và quyền lợi của nhà đầu tư.

Cũng nên quy định, hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán nên chuyển sang quỹ đầu tư. Vì nếu để như lâu nay, thì sẽ xâm phạm lợi ích của công ty với nhà đầu tư, lợi ích của công ty với tổ chức tư vấn phát hành và bảo lãnh phát hành…. Như vậy, nên tách ra để tranh xung đột và tránh các công ty chứng khoán phát triển thành mô hình ngân hàng đầu tư vốn đã bị sụp đổ trên thế giới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới