Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tái cơ cấu Vinashin: những vấn đề cụ thể

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tái cơ cấu Vinashin: những vấn đề cụ thể

Huỳnh Thế Du

Điểm mấu chốt trong việc tái cơ cấu Vinashin là khả năng tự cân đối tài chính của doanh nghiệp sau khi cơ cấu và sự tập trung vào các hoạt động nòng cốt mà không phải mất thời gian giải quyết các vấn đề hiện hữu. Ảnh: Đức Thanh.

(TBKTSG) – Chủ trương và quyết tâm tái cơ cấu tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã được chỉ rõ trong Kết luận số 81-KL/TW của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa trong Chỉ thị số 1479/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vấn đề đặt ra lúc này là những công việc cụ thể nên được triển khai như thế nào để có được một kết quả tối ưu.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy thành công của việc tái cơ cấu Vinashin phần lớn phụ thuộc vào khả năng tự cân đối tài chính (nguồn thu phải bù đắp được các nguồn chi bắt buộc) và tập trung vào các hoạt động kinh doanh nòng cốt sau khi sắp xếp lại.

Bức tranh hiện tại

Để tái cơ cấu Vinashin thành công, việc quan trọng nhất là phải tính toán sao cho sau khi sắp xếp lại và đi vào hoạt động ổn định, nguồn tiền thu vào của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi các chi phí như: nguyên vật liệu, chi phí bán hàng… phải đủ để trang trải ba nguồn chi bắt buộc gồm: (1) chi phí lao động, (2) lãi vay và (3) nợ gốc của các khoản vay đầu tư. Tuy nhiên, nếu cấu trúc tài sản và nợ hiện hữu của doanh nghiệp không được sắp xếp lại một cách phù hợp thì sẽ rất khó để có được điều này cho dù các chi phí được ước tính ở mức thận trọng nhất.

Chi phí lao động: Giả sử sau khi đã chuyển giao, số lao động còn lại là 50.000 người với mức lương bình quân 1.000 đô la/người/năm (thực tế có thể cao hơn nhiều vì có lẽ mức lương bình quân thực tế ắt phải cao hơn 1,65 triệu đồng/tháng), tiền lương sẽ là 50 triệu đô la/năm.

Nợ gốc và lãi vay phải trả hàng năm: Giả sử nợ vay của Vinashin sau khi trừ đi phần đã chuyển giao cho PetroVietnam và Vinalines và các khoản phải trả là 50.000 tỉ đồng (2,6 tỉ đô la) với vốn vay đầu tư là 1,35 tỉ đô la (bằng 750 triệu đô la trái phiếu quốc tế và 600 triệu đô la vay các tổ chức tài chính) và thời gian trả nợ là 10 năm. Phần còn lại là vốn vay cho sản xuất.

Nếu lãi suất bình quân vào khoảng 8% thì phần vốn vay đầu tư phải trả (cả gốc và lãi vay) mỗi năm sẽ là 200 triệu đô la và lãi của khoản tiền vay còn lại là 100 triệu đô la.

Như vậy, với cơ cấu nợ hiện tại, chưa tính chi phí nguyên vật liệu và chi phí quản lý khác, hàng năm Vinashin phải tạo ra một nguồn thu chừng 350 triệu đô la chỉ để trả nợ (gốc và lãi vay) và lương người lao động. Con số này sẽ lên đến 500 triệu, nếu thời gian trả nợ chỉ là năm năm, bằng với thời gian thực tế còn lại của hai khoản nợ nêu trên.

Với định hướng “chỉ tập trung vào ba lĩnh vực chính là: công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy với quy mô phù hợp; công nghiệp phụ trợ phục vụ cho việc đóng và sửa chữa tàu thủy; đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ, công nhân công nghiệp tàu thủy” thì doanh thu chủ yếu của Vinashin sẽ là từ đóng tàu.

Với một tàu 53.000 tấn có giá khoảng 30 triệu đô la, và chi phí lao động, khấu hao và lãi vay chiếm 20-30% giá thành thì để có được số tiền nêu trên, mỗi năm Vinashin phải đóng được số tàu tương đương với 40-60 tàu 53.000 tấn. Hay bình quân mỗi tuần phải có sản lượng tương đương với một tàu 53.000 tấn được xuất xưởng. Liệu Vinashin có thể làm được điều này trong 4-5 năm tới, thời điểm theo kế hoạch cơ cấu lại Vinashin có lãi? Đây có lẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Do vậy, để đạt được mục tiêu như đã đề ra, giảm nợ và tạo điều kiện để doanh nghiệp tập trung vào hoạt động nòng cốt của mình có lẽ là việc cần phải làm càng nhanh càng tốt.

Hai bước đi cho việc tái cơ cấu Vinashin

Từ phân tích nêu trên và kinh nghiệm ở các nước khác cho thấy việc tái cơ cấu Vinashin có thể tiến hành theo hai bước gồm: (1) tạo ra một “Vinashin mới” và (2) thành lập một công ty xử lý nợ để xử lý các tài sản không có khả năng sinh lợi cũng như các hoạt động ngoài ba trọng tâm nêu trên của Vinashin. Cụ thể các bước như sau:

Thứ nhất, Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin cần tính toán một cách thận trọng năng lực đóng tàu (trên cơ sở năng lực hiện có và hoàn thiện những dự án khả thi đang dở dang) đến năm 2015 của Vinashin để từ đó tính toán khả năng gánh nợ tối đa (nợ hiện tại + khoản nợ cần thêm để duy trì hoạt động) của “Vinashin mới”. Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ quyết định những tài sản và số nợ được “chuyển giao” cho “Vinashin mới”.

Nợ được chuyển giao cho “Vinashin mới” sẽ là những khoản nợ bị ràng buộc chặt chẽ hơn chẳng hạn như 600 triệu đô la vay của các tổ chức tài chính nước ngoài. Tuy các điều khoản cụ thể không được tiết lộ, nhưng rất có thể trong đó có điều kiện ràng buộc là nếu Vinashin có bất kỳ động thái nào đến các tài sản liên quan thì lập tức toàn bộ khoản nợ nêu trên sẽ đến hạn và doanh nghiệp phải trả ngay. Với việc chuyển giao như trên, khả năng các chủ nợ chấp nhận mà không yêu cầu Vinashin phải trả ngay là rất cao.

Lúc này, do không phải gánh một khoản nợ quá sức và vướng bận với những vấn đề hiện tại nên “Vinashin mới” có thể tập trung vào đóng tàu, sản xuất những thiết bị phụ trợ mà Việt Nam để tạo ra một nguồn thu đủ để bù đắp các chi phí cần thiết và trang trải nợ nần.

Điều kiện tiên quyết là “Vinashin mới” phải áp dụng những chuẩn mực thị trường cơ bản trong quản trị doanh nghiệp đồng thời có lộ trình cho việc cổ phần hóa nhằm sử dụng các kỷ luật thị trường giám sát hoạt động của doanh nghiệp.

Bước tiếp theo là Chính phủ đứng ra thành lập một công ty xử lý tài sản để tập trung xử lý những khoản nợ, tài sản còn lại và các đơn vị trực thuộc ngoài ba hoạt động nòng cốt của Vinashin theo các hình thức cổ phần hóa, bán, thanh lý… nhằm tận thu để trả nợ.

Công việc khó khăn nhất theo cách tiếp cận này là việc đánh giá và phân loại các tài sản và những khoản nợ hiện hữu để quyết định những tài sản và khoản nợ nào sẽ giữ lại cho “Vinashin mới” và những tài sản và khoản nợ nào sẽ chuyển giao cho công ty xử lý tài sản. Tuy nhiên, việc này cần phải triển khai một cách khẩn trương để “Vinashin mới” có thể tập trung vào sản xuất kinh doanh ngay. Nếu không, cứ một năm chậm trễ thì doanh nghiệp này phải gánh thêm mấy trăm triệu đô la nợ phát sinh từ lãi vay.

Tóm lại, tái cấu trúc Vinashin là một công việc hết sức phức tạp. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là khả năng tự cân đối tài chính của doanh nghiệp sau khi cơ cấu và sự tập trung vào các hoạt động nòng cốt mà không phải mất thời gian giải quyết các vấn đề hiện hữu. Nếu không có những quyết định dứt khoát và nhanh chóng thì khả năng phải tái cơ cấu lần hai sau vài ba năm, thậm chí không thể cứu vãn là điều rất có thể xảy ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới