Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tai họa chực chờ đội tàu già nua vận chuyển dầu của Nga

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để vận chuyển dầu cho khách hàng ở các nơi xa xôi hơn và để lách lệnh trừng phạt, Nga sử dụng đội tàu “bóng tối” với nhiều trong số đó đã đến tuổi ”nghỉ hưu” vì thiếu an toàn. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng này có thể dẫn đến thảm họa hàng hải.

Tàu chở dầu Prestige bị gãy làm đôi và làm rò rỉ hàng ngàn tấn dầu vào bờ biển Tây Ban Nha vào tháng 11-2002. Ảnh: Getty

Vẫn hoạt động dù đã đến tuổi “xẻ thịt”

Tàu chở dầu Turba lẽ ra đã bị phân rã để lấy sắt vụn và nấu chảy vì tuổi đời già nua. Con tàu 26 tuổi này đã không được kiểm định an toàn đầy đủ kể từ năm 2017. Nó cũng thiếu bảo hiểm theo tiêu chuẩn ngành và treo cờ của quốc gia có hồ sơ yếu kém trong việc giám sát an toàn hàng hải. Nhưng thay vì được đưa lên một bãi biển ở Bangladesh, Ấn Độ hoặc Pakistan để tháo dỡ và bán sắt vụn, tàu Turba đang vận chuyển dầu thô nặng từ cảng St. Petersburg của Nga.

Đòn trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm vấn dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ bằng đường biển, đã tạo cơ hội cho Turba kéo dài thời gian hoạt động. Con tàu này đã gia nhập vào đội tàu dầu “bóng tối”  khổng lồ chở dầu của Nga đi ra thị trường toàn cầu. Mối lo ngại hiện nay là đội tàu này có thể không được kiểm tra và bảo dưỡng đúng cách, có thể dẫn đến các tai nạn thảm khốc trên biển, gây ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng. Việc duy trì hoạt động của các tàu dầu già cỗi như Turba là một lời nhắc nhở rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow sẽ đi kèm rủi ro về môi trường.

Lars Barstad, giám đốc điều hành đơn vị quản lý của Frontline, một trong những chủ sở hữu lớn nhất của các siêu tàu chở dầu, nói: “Thảm họa môi trường đang chực chờ xảy ra khi sử dụng đội tàu già cỗi như vậy”.

Thông thường, chủ sở hữu tàu dầu bắt đầu xem xét “xẻ thịt” tàu có thâm niên hoạt động 15 năm để bán phế liệu. Đến năm hoạt động thứ 20, số phận của tàu dầu xem như đã được an bài

Tuy nhiên, hiện tại, nhiều chủ tàu chở dầu đang cố kéo dài thời gian hoạt động của những chiếc tàu lớn tuổi thêm vài năm nữa để kiếm lợi nhuận.

EU, trong nhiều năm là khách hàng mua dầu hàng đầu của Nga, đã cấm nhập khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga kể từ đầu tháng 12 năm ngoái. EU cũng phối hợp với nhóm cường quốc G7 để giới hạn giá bán dầu Nga từ 60 đô la/thùng trở xuống. Các tàu dầu vẫn có thể vận chuyển dầu của Nga được bán cao trên ngưỡng đó, nhưng sẽ không phải với các dịch vụ của phương Tây như bảo hiểm, thủy thủ đoàn, phân loại tàu, tài chính, vận tải. Tác động của các đòn trừng phạt này là Nga gia tăng các lô hàng xuất khẩu dầu đường dài đến các thị trường lớn còn lại của Nga ở châu Á bằng cách sử dụng một đội tàu chở dầu “bóng tối” không sử dụng dịch vụ của các công ty phương Tây.

40 tàu vận chuyển dầu của Nga không có bảo hiểm

Theo Equasis, một hệ thống cơ sở dữ liệu an toàn hàng hải, ít nhất 40 tàu chở dầu của Nga đến Trung Quốc và Ấn Độ trong giai đoạn từ đầu tháng 12 đến đầu tháng 2 không có bảo hiểm từ nhóm quốc tế của các hội bảo vệ và bồi thường (IGP&I), chịu trách nhiệm cung cấp 90% bảo hiểm cho ngành hàng hải và chứng chỉ quản lý an toàn được cấp theo định kỳ. Ba tàu chở dầu, bao gồm tàu Turba, không có giấy chứng nhận khả năng đi biển (seaworthiness certificate). Đây là  bản do cơ quan đăng kiểm cấp để chứng nhận tàu có trạng thái kỹ thuật đảm bảo hoạt động an toàn trong một phạm vi hành hải nhất định.

Có những lý do hợp lý để loại bỏ tàu chở dầu khi chúng 20 tuổi. Thông thường, lý do cơ bản là chi phí duy trì hoạt động của chúng trở nên tốn kém do các yêu cầu về an toàn và bảo trì trở nên khó khăn hơn. Các lý do khác là  tác động của nhiều năm bị nước mặn ăn mòn và việc sử dụng gần như liên tục gây căng thẳng cho tính toàn vẹn của thân tàu và hệ thống đẩy.

Tàu chở dầu thường trải qua đột kiểm tra chuyên sâu khoảng 5 năm một lần. Đến đợt kiểm tra thứ tư, tính kinh tế của việc tiếp tục hoạt động của tàu chở dầu giảm mạnh. Các đợt kiểm tra như vậy có thể tiêu tốn từ 3-4 triệu đô la đối với các tàu chở dầu lớn.

Giới chức trách ở các cảng cũng có xu hướng kiểm tra chặt chẽ hơn tàu cũ. Chi phí gia tăng và việc thiếu khách hàng sẽ khuyến khích các chủ sở hữu bán chúng cho những công ty chuyên phân rã tàu cũ để lấy phế liệu

Rủi ro lớn cho môi trường biển

Một số tàu chở dầu già cỗi đang vận chuyển dầu thô của Nga đi qua vùng biển quốc tế ngoài khơi Hy Lạp hoặc vùng lãnh thổ Ceuta của Tây Ban Nha ở Bắc Phi.

“Điều này gây ra rủi ro môi trường rất lớn. Các tàu chở dầu này lẽ ra phải bị loại bỏ nhưng chúng lại đang thực hiện vô số chuyến vận chuyển hàng triệu thùng mà không có bảo hiểm thích hợp”,  Adi Imsirovic, một nhà kinh doanh dầu mỏ kỳ cựu, hiện là giám đốc của Công ty tư vấn Surrey Clean Energy, nói.

Việc tiếp tục những con tàu dầu không bảo đảm an toàn như như tàu Turba làm gợi nhớ một trong những vụ tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử châu Âu. Tàu chở dầu Prestige bị gãy làm đôi và làm rò rỉ hàng ngàn tấn dầu vào bờ biển Tây Ban Nha vào tháng 11-2002. Thảm họa này khiến các loài chim biển và nghề cá bị tiêu diệt, các bãi biển ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bị hủy hoại.

Theo dữ liệu từ Công ty phân tích vận tải biển Kpler, tàu Turba bằng tuổi với tàu Prestige và cũng nhận chở cùng loại dầu thô nặng từ cảng St. Petersburg.

Tàu Turba gần đây đã vận chuyển dầu Urals, loại dầu thô hàng đầu của Nga, đến Ấn Độ và nạp dầu mazut nặng tại cảng St. Petersburg. Khi di chuyển đến châu Á, nó sẽ đi qua biển Baltic và qua một số bờ biển châu Âu.

Chủ sở hữu của tàu Turba là Scoot Chartering Corp., công ty đăng ký hoạt động tại quốc đảo Seychelles ở Đông Phi, theo dữ liệu của IHS Maritime. Chứng nhận đi biển an toàn của nó đã bị hãng kiểm định Bureau Veritas (Pháp) thu hồi vào năm 2021.

Tàu Turba treo cờ của Cameroon, một trong số ít các quốc gia nằm trong danh sách đen” của Paris MOU, một tổ chức quốc tế thúc đẩy và điều phối vận tải biển an toàn. Đây là quốc gia duy nhất được phân loại “rủi ro cao” trong danh sách đen này. Theo dữ liệu của TradeWind, trong năm 2022, 26,6% số vụ kiểm tra tàu treo cờ của Cameroon ở các cảng trên thế giới dẫn đến quyết định bắt giữ vì thiếu an toàn.

Theo dữ liệu từ Công ty dịch vụ vận tải biển Clarkson, độ tuổi trung bình của đội tàu chở dầu hiện nay là 12 năm. Svein Moxnes Harfjeld, Giám đốc điều hành của hãng tàu chở dầu DHT Holdings, cho biết gần một phần ba số tàu dầu hiện nay trên 15 tuổi và số lượng tàu già cỗi được dự báo sẽ tăng nhanh trong những năm tới.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới