Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tai nạn lao động gia tăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tai nạn lao động gia tăng

Bất cẩn trong lao động đe dọa thường trực đến tính mạng người lao động – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG Online) – Theo ông Huỳnh Tấn Dũng, chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, cứ trong vòng 2 tuần, thành phố có ít nhất 3 người tử vong do tai nạn lao động.

Phát biểu tại Hội thảo về bảo vệ môi trường và an toàn lao động do trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức sáng 27–5, ông Dũng cho rằng, tình trạng người lao động không tuân thủ các điều kiện về an toàn lao động là nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp tử vong.

Theo thống kê, năm 2007, thành phố xảy ra 89 vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người, trong đó tai nạn trong xây dựng là 43 vụ, chiếm 48%, kế đến là sản xuất công nghiệp với 30 vụ, chiếm 33%, còn lại rơi vào các ngành khác.

Ngoài tai nạn lao động đang có xu hướng gia tăng thì bệnh nghề nghiệp cũng là một vấn đề đáng lo ngại hiện nay.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Tiến, Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường, cho biết, có gần 3 triệu lao động tại thành phố đang làm việc trong điều kiện vệ sinh còn hạn chế, phương thức làm việc thủ công, môi trường làm việc dễ gây các bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, hàng năm chỉ có khoảng 10% người lao động được khám bệnh nghề nghiệp, trong số đó, đã phát hiện tới 14,7% bị bệnh bụi trong phổi, viêm phế quản mãn tính, nhiễm độc chì, điếc do tiếng ồn và một số bệnh đường hô hấp khác.

“Trên thực tế, số người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp có thể lớn hơn nhiều lần so với số liệu khảo sát trên”, ông Tiến nói.

Theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do các doanh nghiệp không đánh giá đúng nguy cơ tai nạn lao động tiềm ẩn, không có đầy đủ thông tin về điều kiện lao động… vì vậy thiếu cơ sở để xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm theo quy định.

Mặt khác, các giải pháp về an toàn lao động của các doanh nghiệp thiếu cụ thể, mang tính đối phó, ý thức chấp hành luật bảo hộ lao động của người lao động chưa cao và yếu kém trong quản lý nhà nước về bảo hộ lao động.

Theo ông Dũng, cần tăng cường việc tuyên truyền, xây dựng bộ phận chuyên trách về an toàn lao động tại các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có môi trường làm việc nguy cơ cao. “Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm về an toàn bảo hộ lao động một cách triệt để hơn nhằm giảm tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp cho người lao động”, ông Dũng nhấn mạnh.

VĂN NAM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới