Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tài sản của doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Nga có nguy cơ bị quốc hữu hóa

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hàng trăm công ty phương Tây rút khỏi Nga hoặc dừng kinh doanh ở nước này để bày tỏ thái độ phản đối cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine. Tuy nhiên, họ đang đối mặt với áp lực lớn sau khi Tổng thống Vladimir Putin tán thành kế hoạch quốc hữu hóa tài sản mà họ bỏ lại tại Nga.

Công nhân làm việc ở nhà máy lắp ráp xe của Mercedes Benz (Đức) ở thị trấn Esipovo, cách Moscow, Nga 45 km. Mercedes cho biết kế hoạch quốc hữu hóa của Nga đe dọa các tài sản trị giá 2,2 tỉ đô la của hãng tại nước này. Ảnh: Reuters

Quốc hữu hóa “để bảo vệ việc làm và các nhà cung cấp”

Đầu tuần này Andrei Turchak, Thư ký Tổng Hội đồng đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất, đề xuất chính phủ nên quốc hữu hóa các hoạt động kinh doanh của các công ty phương Tây đang rời bỏ Nga. Động thái quốc hữu hóa “sẽ giúp ngăn chặn làn sóng mất việc làm và duy trì năng lực sản xuất hàng hóa trong nước của Nga”, theo ông Turchak.

Hôm 10-3, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ tìm kiếm các giải pháp pháp lý để trưng thu tài sản các công ty nước ngoài dừng hoạt động kinh doanh tại Nga. Ông cho biết cần triển khai “sự quản lý bên ngoài” đối với tài sản của các công ty nước ngoài rút khỏi Nga và sau đó chuyển giao các hoạt động kinh doanh của họ cho những ai muốn làm việc. Ông cho rằng đây là điều cần thiết để tránh gây tổn hại cho các nhà cung cấp ở Nga và nhấn mạnh: “Nga có đầy đủ công cụ pháp lý và thị trường cho việc này”.

Các phát biểu trên được đưa ra khi hàng loạt công ty phương Tây thông báo tạm thời dừng hoạt động hoặc rút khỏi Nga vĩnh viễn.

Washington đã lên tiếng phản đối bất kỳ hoạt động quốc hữu hóa nào như vậy của Nga. Hôm 10-3, Thư ký báo chí Nhà Trắng, Jen Psaki viết trên Twitter: “Bất kỳ quyết định phi pháp nào của Nga nhằm thu giữ tài sản của các công ty này (các công ty rút khỏi khỏi Nga) sẽ dẫn đến hậu quả kinh tế nặng nề hơn cho Nga”.

Khi quyết định rời khỏi Nga, các công ty phương Tây đã tính đến khả năng mất mát tài sản trong dài hạn. Nhiều công ty cảnh báo sẽ bút toán giảm giá trị sổ sách liên quan đến tại sản của họ tại Nga. Động thái như vậy sẽ ảnh hưởng đến các công ty theo các mức độ khác nhau.

Đối với một số công ty, điều này sẽ dẫn đến hậu quả tài chính tương đối nhẹ, ví dụ, mất các hợp đồng thuê bất động sản ở Nga. Đối với những công ty có thiết bị sản xuất đắt tiền hoặc tài sản hậu cần, như nhà kho và đội xe tải đặt tại Nga, tác động có thể nặng nề hơn.

Tập đoàn dầu khi BP, một trong những doanh nghiệp phương Tây lớn đầu tiên tuyên bố sẽ rời khỏi Nga, cho biết họ sẽ từ bỏ gần 20% cổ phần ở Tập đoàn năng lượng Rosneft của Nga. Số cổ phần được định giá khoảng 14 tỉ đô la vào cuối năm ngoái, và BP cho biết họ không hy vọng sẽ thu lại bất kỳ khoản nào trong số đó.

John Sawers, một thành viên hội đồng quản trị của BP, nói: “Trên thực tế, chúng tôi rời bỏ mảng kinh doanh ở Nga”. Ông cho biết cho biết giá trị cổ phần tại Rosneft của BP hiện “gần bằng zero”.

Trong một diễn biến khác, hôm 11-3, Văn phòng Tổng công tố Nga thông báo sẽ giám sát chặt chẽ các công ty nước ngoài rút khỏi Nga để bảo đảm họ tuân thủ luật lao động.

Cho đến nay, hơn 300 công ty nước ngoài, chủ yếu là ở các nước phương Tây, cho biết họ sẽ rời bỏ Nga hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga, theo dữ liệu của Trường Quản lý kinh doanh thuộc Đại học Yale (Mỹ).

Nhiều công ty đa quốc gia, đặc biệt là các nhà bán lẻ và nhà sản xuất, giải thích quyết định rút khỏi hoặc dừng hoạt động kinh doanh của họ là chỉ là tạm thời và liên quan đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng của họ do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.

Các công ty Đức đối mặt thiệt hại lớn nhất

Theo hãng kiểm toán Ernst & Young (EY), một trong những nước đối mặt tổn thương nhất nếu Nga quốc hữu hóa nào tài sản của công ty nước ngoài bỏ lại tại Nga là Đức, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại nước này, tiếp theo là Trung Quốc và Mỹ.

Trong hai thập kỷ qua, các công ty Đức đã triển khai 418 dự án ở Nga, nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. EY cho biết sản xuất vẫn là lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài ở Nga, nhưng trong năm 2020, một nửa đầu tư từ Đức và Mỹ đổ vào lĩnh vực nông nghiệp của Nga.

Ngành công nghiệp ô tô đã rót một trong khoản đầu tư lớn nhất của phương Tây vào Nga trong 20 năm qua. Kể từ khi Nga tấn công Ukraine, hàng loạt hãng xe trên khắp thế giới đã ngừng sản xuất hoặc đóng băng hoạt động kinh doanh với Nga bao gồm Toyota, Mercedes-Benz, Daimler Truck, Volkswagen, Ford, General Motors.

Tập đoàn Mercedes-Benz của Đức nắm giữ 15% cổ phần trong tập đoàn ô tô Kamaz của Nga. Mercedes đang trong quá trình chuyển nhượng số cổ phần này cho Daimler Truck, nhà sản xuất xe tải được tách ra khỏi Mercedes. Daimler Truck đã tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh với Kamaz cho đến khi có thông báo mới.

Mercedes có một nhà máy lắp ráp xe ở thị trấn Esipovo, cách Moscow 45 km. Nhà máy này sử dụng hơn 1.000 công nhân, sản xuất các dòng xe sedan E-class và SUV. Mercedes cho biết kế hoạch quốc hữu hóa của Nga đe dọa các tài sản trị giá 2,2 tỉ đô la của hãng tại nước này. Người phát ngôn của Mercedes nói rằng công ty chưa nhận được “bất kỳ thông báo chính thức nào về việc trưng thu”  tài sản của họ tại Nga.

Năm 2021, hãng xe Volkswagen (VW) của Đức sản xuất khoảng 118.000 ô tô tại nhà máy ở Kaluga, Nga. Hãng đã ký hợp đồng lắp ráp xe thương hiệu VW và thương hiệu Skoda (Cộng hòa Czech) cho hãng xe Nga, GAZ Group, ở Nizhny Novgorod. VW cũng đã sản xuất khoảng 96.100 động cơ ở Kaluga vào năm ngoái. VW chưa đưa ra bình luận nào về nguy cơ tài sản của họ tại Nga bị quốc hữu hóa.

Tập đoàn công nghiệp Siemens của Đức đã đóng băng hoạt động kinh doanh tại Nga nhưng cho biết sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động bảo trì và dịch vụ khác. Người phát ngôn của Siemens nói chưa nhận được thông báo chính thức nào từ phía Nga liên quan đến vấn đề quốc hữu hóa.

Một nhà đầu tư lớn khác của châu Âu tại Nga là hãng xe Renault của Pháp. Theo Ngân hàng Citi, Renault đang nắm cổ phần kiểm soát ở hãng xe liên doanh AvtoVAZ ở Nga, công ty sản xuất ô tô thương hiệu Lada.

Thị trường Nga đóng góp 10% doanh thu hàng năm của Renault. Renault, đang vận hành ba nhà máy ở Nga, có thể bị phá sản nếu rút khỏi Nga và bị nước này trưng thu tài sản. Hôm 11-3, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết Renault vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại Nga vì lo ngại hãng xe AvtoVAZ đối mặt với nguy cơ bị quốc hữu hóa.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới