Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tài sản và số lượng tỉ phú Nga vẫn tăng bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Dù phương Tây giáng đòn trừng phạt nặng nề nhất nhằm vào Moscow, tài sản của những người giàu có nhất nước Nga vẫn tăng thêm 152 tỉ đô la Mỹ trong năm qua nhờ giá cả các mặt hàng tài nguyên khoáng sản tăng cao, theo tạp chí Forbes Russia.

Theo xếp hạng của Andrei Melnichenko, vị tỉ phú kiếm bộn tiền từ lĩnh vực phân bón, là người giàu nhất nước Nga với tài sản ước tính trị giá 25,2 tỉ đô la, tăng hơn gấp đô so với năm ngoái. Ảnh: Reuters

Báo cáo mới nhất của Forbes Russia cho biết hiện nay, Nga có 110 tỉ phú, tăng thêm 22 người so với năm ngoái. Tài sản của họ cũng tăng lên mức 503 tỉ đô la từ 353 tỉ đô hồi năm 2022 dù danh sách tỉ phủ mới đã lược bỏ 5 tỉ phú từ bỏ quốc tịch Nga trong năm qua.

Những cái tên mới của Nga trong bảng xếp hạng của Forbes Russia bao gồm các tỉ phú kiếm tiền lĩnh vực đồ ăn nhẹ, siêu thị, hóa chất, xây dựng và dược phẩm. Điều này cho thấy nhu cầu nội địa của Nga vẫn mạnh bất chấp lệnh trừng phạt.

Trước khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, các tỉ phú Nga nắm giữ số tài sản trị giá 606 tỉ đô la vào năm 2021.

“Những dự đoán u ám đối với nền kinh tế Nga đã tác động đến bảng xếp hạng tỉ phú Nga hồi năm ngoái”, báo cáo của Forbes Russia cho biết.

Sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2 năm ngoái, phương Tây đã tung đòn  pháp trừng nặng nề nhất trong lịch sử đối với nền kinh tế Nga và một số tỉ phú của nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích phương Tây tìm cách “hủy diệt” Nga và cho rằng các biện pháp trừng phạt đó đã không thể làm sụp đổ nền kinh tế Nga.

Dưới sức ép của lệnh trừng phạt, GDP của Nga giảm 2,1% trong năm 2022 nhưng Moscow vẫn có thể bán dầu, kim loại và các tài nguyên khoáng sản khác cho các thị trường toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.

Trong tháng này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng của Nga trong năm 2023 từ 0,3% lên 0,7%, nhưng hạ dự báo tăng trưởng của năm 2024 xuống 1,3% từ 2,1%.

IMF nhận định tình trạng thiếu lao động và sự ra đi của các công ty phương Tây sẽ tổn thương cho nền kinh tế Nga .

Giá dầu Urals của Nga, đạt mức trung bình 76,09 đô la/thùng trong năm 2022, tăng từ 69 đô la vào năm 2021. Giá các mặt hàng phân bón của Nga cũng tăng mạnh vào năm ngoái.

Andrei Melnichenko, vị tỉ phú kiếm bộn tiền từ lĩnh vực phân bón, được Forbes Russia liệt kê là người giàu nhất nước Nga với tài sản ước tính trị giá 25,2 tỉ đô la, tăng hơn gấp đô so với năm ngoái. Hiện Melnichenko được xếp ở vị trí 58 trong danh sách tỉ phú giàu nhất toàn cầu.

Với khối tài sản trị giá 23,7 tỉ đô la, Vladimir Potanin, Chủ tịch và cổ đông lớn nhất của Nornickel, nhà sản xuất palladium và nickel tinh chế lớn nhất thế giới, được xếp hạng là người giàu thứ hai ở Nga.

Vladimir Lisin, Chủ tịch hãng sản xuất thép NLMK, người được xếp hạng giàu nhất Nga năm ngoái, đứng thứ ba trong danh sách của Forbes Russia với khối tài sản trị giá 22,1 tỉ đô la.

Theo Chỉ số tỉ phú Bloomberg, kể từ đầu năm đến đầu tháng 4, tải sản của giới tỉ phú Nga tăng thêm hơn 13 tỉ đô la. Đáng chú ý, tài sản của Vagit Alekperov, cựu Chủ tịch hãng dầu khí Lukoil, tăng thêm 3 tỉ đô la, lên mức 18,5 tỉ đô la.

Trong số 110 tỉ phú Nga hiện nay, có 46 người hiện bị Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt. Nhiều tỉ phú Nga cho rằng biện pháp trừng phạt của phương Tây là công cụ vụng về, thậm chí phân biệt chủng tộc.

Trỗi dậy kể từ khi Liên Xô sụp đổ, một nhóm nhỏ các ông trùm, được gọi là “đầu sỏ chính trị”, đã thuyết phục Điện Kremlin dưới thời cố Tổng thống Boris Yeltsin trao cho họ quyền kiểm soát một số công ty dầu mỏ và kim loại lớn nhất thế giới. Các thỏa thuận tư nhân hóa công ty nhà nước đã đưa các ông trùm này lọt vào nhóm siêu giàu trên thế giới, khiến hàng triệu người nghèo ở Nga bất mãn.

Nhưng dưới thời Tổng thống Putin, một số đầu sỏ chính chẳng hạn như Mikhail Khodorkovsky và Boris Berezovsky, đã bị thu hồi tài sản để giao cho các công ty nhà nước thường do các cựu điệp viên điều hành.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới