Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tại sao cấm sử dụng chất tạo nạc trong khi các nước cho phép?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tại sao cấm sử dụng chất tạo nạc trong khi các nước cho phép?

Thùy Dung

Tại sao cấm sử dụng chất tạo nạc trong khi các nước cho phép?
Ông Nguyễn Đăng Vang – Ảnh: Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Trong khi các nước trên thế giới cho phép sử dụng chất tạo nạc ở một tỉ lệ nhất định thì tại Việt Nam, do tập quán vẫn ăn nội tạng heo và do khâu quản lý chăn nuôi còn yếu kém nên việc sử dụng chất tạo nạc nhóm Beta agonist vẫn bị cấm hoàn toàn.

Bên lề Hội thảo “Sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm” diễn ra sáng 13-4, Thời báo Kinh tế Sài gòn Online đã trao đổi với ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Cục trưởng Cục chăn nuôi về vấn đề thời sự này.

– TBKTSG Online: Hiện nay trên thế giới có sử dụng chất tạo nạc nhưng an toàn cho người sử dụng, xin ông cho biết những chất này là chất nào và thời gian tới có dự kiến đưa vào Việt Nam hay không?

Ông Nguyễn Đăng Vang: Để tạo ra thịt nạc có nhiều phương pháp khác nhau, đầu tiên là giống, con giống hấp thụ thức ăn và tự nó tạo ra nạc. Hiện nay con giống vẫn là quan trọng nhất.

Thứ hai, người ta sẽ đưa vào trong thức ăn chăn nuôi một số chất như đỗ tương, hay bột cá để tạo ra nạc. Đây là phương pháp phổ biến được thế giới sử dụng. Người ta cũng có thể đưa vào đó một số chất kích thích cho hiệu quả cao hơn, tuy nhiên để tỉ lệ nạc lên tới 75%-80% thì phải đưa vào thức ăn chăn nuôi một số chất kích thích thuộc nhóm beta agonist.

Hiện trên thế giới vẫn dùng nhóm chất kích thích này trong chăn nuôi, trong đó có Clenbuterol. Tuy nhiên, họ không đưa chất này vào trong suốt thời gian chăn nuôi mà khoảng 2 tuần trước khi bán là họ không dùng nữa. Hơn nữa, vào ngày cuối cùng giết mổ, người ta cũng không cho lợn bất kỳ một loại thức ăn nào vì vậy thịt này sẽ không có hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, người chăn nuôi thường cho heo ăn các chất kích thích cho tới ngày cuối cùng và thậm chí cho ăn ác liệt trong ngày cuối khi giết mổ để tăng cân cho heo. Điều này không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đặc biệt, người Việt Nam còn ăn cả thận, gan do thói quen ăn uống. Đây là những bộ phận mà tồn dư các chất kích thích tạo nạc.

– Trong khi các nước cho phép sử dụng chất tạo nạc ở một ngưỡng nhất định thì tại Việt Nam lại cấm hoàn toàn, liệu điều này có gây thiệt thòi gì cho người chăn nuôi?

Chăn nuôi chỉ là một khâu trong chuỗi thực phẩm an toàn, còn khâu quan trọng cuối cùng là người tiêu dùng. Các nước không sử dụng nội tạng heo thì dùng chất này là hợp pháp. Thực ra các nước trên thế giới hiện vẫn sử dụng các chất kích thích tạo nạc trong chăn nuôi nhưng việc này khó triển khai ở Việt Nam do chúng ta vẫn chưa kiểm soát được. Phương pháp chăn nuôi của họ cũng khác của ta. Cho nên chúng ta cấm điều này là đúng và người sản xuất có bị ảnh hưởng một phần nhưng nếu chúng ta vì người sản xuất thì lại làm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Vì vậy, chúng ta không thể cho phép sử dụng nhóm Beta agonist vì quyền lợi sức khỏe người tiêu dùng.

– Thực tế khâu hậu kiểm việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của chúng ta hiện nay như thế nào?

Chúng ta không thể kiểm tra tại cửa khẩu vì khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chúng ta phải thừa nhận một số ký kết lẫn nhau, tức là thừa nhận lẫn nhau trong hợp chuẩn hợp quy. Khi các nước xuất khẩu đã cấp văn bản chứng nhận hợp chuẩn hợp quy thì chúng ta cũng phải thừa nhận.

Tuy nhiên định kỳ chúng ta vẫn kiểm tra một tỷ lệ sản phẩm nhất định để biết được họ có giữ như vậy không. Tức là chúng ta phải luôn luôn có một hình thức giám sát để làm cho người có ý định vi phạm cũng không dám.

– Công tác kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi của chúng ta hiện nay như thế nào?

Trong 230 nhà máy thức ăn chăn nuôi của chúng ta thì những nhà máy lớn có công suất từ 100.000 đến 200.000 tấn/năm thường không có nhà máy nào có sai sót vì nguy hiểm lắm. Những cơ sở này dễ bị phát hiện và có thể sập tiệm bất cứ lúc nào.

Còn những cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm vừa qua tôi được xem là những cơ sở sản xuất nhỏ, thường một tháng họ chỉ sản xuất được 1 hoặc 2 tấn thức ăn chăn nuôi. Điều mừng là trong tổng số gần 11,5 triệu thức ăn chăn nuôi của chúng ta cơ bản là số sai phạm là không đáng kể.

– Việc hậu kiểm thức ăn chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) có nói ngoài trách nhiệm của bộ còn có các đơn vị khác như quản lý thị trường?

Thức ăn chăn nuôi là của Bộ NN&PTNT, lợn hơi là của Bộ NN&PTNT kể cả khi vận chuyển trên đường nhưng khi đã thành thịt là trách nhiệm của Bộ Y tế. Nhập khẩu cũng do Bộ NN&PTNT quản lý vì vậy nếu có kết quả chất cấm thì trách nhiệm đó là của Bộ NN&PTNT.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới